Những phận đời “Osin” nhí

Chủ nhật, ngày 23/06/2013 06:36 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - 5 tuổi, Malina đã phải rời xa vòng tay cha mẹ để làm quen với vô số những công việc nặng nhọc... Từ năm lên 7 tuổi, những trận đòn roi của nhà chủ đã hằn in trong tâm hồn trẻ thơ của em cho đến bây giờ.
Bình luận 0

Manila chỉ là 1 trong số hơn 15 triệu trẻ em trên thế giới hiện đang phải làm các nghề giúp việc trong các gia đình. Trong một bản báo cáo của Văn phòng Quốc tế về Lao động (BIT) vừa công bố cho biết, những em bé này ở độ tuổi từ 5 đến 17 tuồi, là những người dễ bị tổn thương, có thể bị lạm dụng về mặt thể chất cũng như tâm lý, thậm chí không ít trường hợp còn là nạn nhân của các vụ bạo lực tình dục.

img
Theo ước tính có hơn 250 triệu lao động trẻ em trên thế giới.

Tuổi thơ bị đánh cắp

Bé gái Isoka, 12 tuổi, làm nghề giúp việc gia đình gốc Benin. Isoka bị một người bạn của bố về làng mang sang Bờ Biển Ngà làm việc từ khi 9 tuổi. Tại đó, cô bé phải làm nghề bán nước và kẹo mút cho nhà chủ. Tuổi thơ của Isoka là những bữa cơm ăn đạm bạc và những trận đòn roi của bà chủ.

Báo chí Campuchia từng đưa tin, một trường hợp đau lòng khác là bé trai Hok May ở Campuchia, em là nạn nhân của một mạng lưới buôn người. Hok May bị bán sang Anh và làm việc trong một nhà chứa. Hàng ngày, em phải làm công việc quét dọn, lau chùi các căn phòng là nơi diễn ra những cuộc mua vui hoan lạc của khách. Thậm chí, em còn là nạn nhân của thú vui quái đản của không ít dân chơi gay.

Theo BIT, rất đông gia đình ở Pakistan và Nepal đã buộc phải gửi con cái đi làm nghề giúp việc gia đình để lấy tiền trả nợ cho bố mẹ. Tại Haiti, có hàng trăm nghìn em trẻ em bị bóc lột lao động. Hàng năm, vẫn có cả nghìn bé gái được đưa từ Ethiopia đến vùng Trung Đông làm giúp việc gia đình.

Theo các chuyên gia Liên hợp quốc, nghèo đói là nguyên nhân chủ yếu đẩy trẻ em vào tay những chủ buôn bán lao động trẻ em trái phép. Ngoài số trẻ bị lừa bán và buộc phải lao động, thực tế, vì nghèo đói, nhiều cha mẹ đã bán con cái của mình vào các cơ sở sản xuất để trang trải những khoản nợ hoặc cải thiện tình hình tài chính. Do đó, ngoài lao động để nuôi sống bản thân, nhiều em trong số đó buộc phải làm việc để nuôi sống gia đình.

Các em nhỏ được gọi là giúp việc gia đình phải làm các công việc như dọn dẹp nhà cửa, làm bếp, giặt giũ quần áo. Các em còn không được nuôi dưỡng tốt và thường xuyên bị lăng mạ. Những trẻ em này cũng phải làm việc rất nhiều giờ, không có tự do cá nhân và thường phải làm những công việc bất hợp pháp.

Cứu trẻ em

Bà Constance Thomas, giám đốc chương trình hủy bỏ lao động trẻ em của BIT nhấn mạnh, trẻ em bị sử dụng làm lao động giúp việc có ở mọi khu vực trên thế giới, nhưng tập trung nhiều tại các nước châu Phi. Điều kiện làm việc khắc nghiệt và độc hại nhất của trẻ em là ở khu vực cận Sahara. Tuy nhiên, tình trạng ép buộc lao động trẻ em không chỉ xuất hiện ở những nước nghèo mà ngay cả ở những nước phát triển như Mỹ. Ngoài làm giúp việc trong các gia đình, trẻ em còn bị ép làm việc ở các môi trường độc hại.

Con số 15,5 triệu trẻ em làm giúp việc gia đình, tức là chiếm khoảng 5% tổng số lao động trẻ em từ 5 đến 17 tuổi. Trong số đó các em gái chiếm 73% và khoảng 50% ở độ tuổi từ 5 đến 14 tuổi.

Theo ước tính, hàng năm có hơn 100.000 trẻ vị thành niên ở Mỹ bị dụ dỗ, lôi kéo vào hành vi mại dâm, đóng các bộ phim khiêu dâm.

Theo Tổ chức Lao động thế giới (ILO), nạn sử dụng lao động trẻ em trong những công việc nguy hiểm nhất gây độc hại, khai thác tình dục trẻ em, buôn bán trẻ em và mọi hình thức nô lệ khác, phải được chấm dứt. Các nước thành viên cần coi việc loại bỏ nạn sử dụng lao động trẻ em như là một nội dung trong chiến lược phát triển kinh tế vĩ mô và vi mô và là một phần trong chiến lược giảm đói nghèo của mình.

Để làm được điều này, chính phủ các nước phải thực thi các luật về lao động trẻ em trong nông nghiệp, cải thiện điều kiện sống ở khu vực nông thôn và giảm khoảng cách về giáo dục giữa thành thị, nông thôn và giữa hai giới tính.

Ở một số nước, mặc dù có luật nghiêm cấm lao động trẻ em, song tình trạng lao động trẻ em vẫn tồn tại bởi sự bàng quan và lãnh cảm của xã hội. Gần 3/4 trẻ em tham gia những công việc mà thế giới coi là lao động tồi tệ nhất, bao gồm buôn bán trẻ em, xung đột vũ trang, làm nô lệ, bị bóc lột tình dục và làm các công việc nguy hiểm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem