Khương Lực
Thứ sáu, ngày 09/12/2022 11:03 AM (GMT+7)
Nhiều hộ dân nghèo sống ở vùng có nguy cơ sạt lở cao vẫn đang phải duy trì cuộc sống mong manh giữa bốn bề núi đá. Hễ trời đổ mưa là cả nhà lại dắt díu nhau rời khỏi nhà đi lánh nạn. Những cuộc chạy trốn "tử thần" như thế đã quá quen thuộc với người dân trong lúc chính quyền tìm hướng xử lý, tháo gỡ.
Do biến đổi khí hậu, nhu cầu bố trí dân cư phòng, tránh thiên tai ngày càng nhiều, nhiều địa bàn người dân đang sinh sống vùng có nguy cơ cao về thiên tai như: lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt… chưa được bố trí di dời đến nơi an toàn.
Núi sạt tàn phá nhà cửa, người dân trở thành hộ nghèo
Từ năm 2018 đến nay, ngôi nhà của ông Trần Xuân Thủy – người dân tộc Co và nhiều hộ dân ở tổ Đàng Bộ, thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam bị đất đá từ triền núi phía sau nhà sạt lở, gây đổ tường, hư hỏng công trình phụ. Cuộc sống gia đình bị đảo lộn, gia đình ông Thủy được địa phương xếp vào diện hộ nghèo.
Đất đá từ triền núi sau nhà sạt lở, gây đổ tường, hư hỏng bếp và công trình phụ, gia đình ông Trần Xuân Thủy – người dân tộc Co và nhiều hộ dân ở tổ Đàng Bộ, thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam được địa phương xếp vào diện hộ nghèo. Ảnh: Khương Lực
"Giờ đi mua đất cũng tỷ mấy rồi với làm nhà thì nhiều nợ. Tôi mong muốn Đảng, Nhà nước quan tâm kè lại chỗ này. Bốn nhà bị thiệt hại chính nhưng thực tế mười mấy nhà xung quanh cũng bị ảnh hưởng. Múc kè là để nhân dân ở đây tạo điều kiện làm ăn, chứ tôi mua không nổi đất nơi khác vì rất đắt" - ông Thủy chia sẻ.
Ở khu vực tổ Đàng Bộ, năm 2017 đã từng xảy ra sạt lở đất, khiến 5 người dân trong khu vực bị thiệt mạng. Chính vì thế, người dân nơi đây rất lo lắng về sự an nguy của ngôi nhà và tính mạng của chính bản thân.
Ông Lê Văn Cương – Phó Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố Đàng Bộ, thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam cho biết, từ năm 2020 đến nay kéo dài, cuộc sống của các hộ dân nơi đây rất khổ, vì sống chung với bùn, với nước, nhất là trong mùa mưa bão.
"Mùa mưa bão, cán bộ thị trấn cũng như tổ đều đi động viên bà con, chở bà con đến nơi cư trú an toàn sau hết mưa mới về, nói chung điều kiện rất khó khăn" - ông Cương nói.
Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Quảng Nam sẽ thực hiện bố trí, sắp xếp ổn định dân cư cho 7.821 hộ, trong đó vùng thiên tai là 2.333 hộ, vùng rừng phòng hộ, đặc dụng là 25 hộ, vùng đặc biệt khó khăn là 5.463 hộ.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là không có nhiều mặt bằng thuận lợi để bố trí dân cư. Cùng với đó, nguồn lực để thực hiện bồi thường, thu hồi đất để bố trí đất ở cho các hộ sắp xếp dân cư và thực hiện đầu tư xây dựng các dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân cư lớn, địa phương khó đáp ứng.
Ông Trần Văn Noa, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết, các điểm khảo sát xây dựng cho kế hoạch 2022-2025 thì nguy cơ là rất lớn. "Chúng tôi tập trung thực hiện theo các chương trình mục tiêu quốc gia – 3 chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và cụ thể hóa cái đó Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có nghị quyết số 37 năm 2021, trong đó có định hướng cho công tác sắp xếp dân cư miền núi của tỉnh" - ông Noa nói.
Những phận người mong manh giữa bốn bề núi đá
Thôn Vả Thàng, xã Tung Chung Phố, huyện Mường Khương (Lào Cai) nằm lọt thỏm giữa những ngọn núi đá cao sừng sững. Hiện đang có với 53 hộ dân và gần 300 nhân khẩu sinh sống tại thung lũng này. Trước đây, Vả Thàng tách biệt với thế giới xung quanh, đường vào thôn vô cùng cheo leo hiểm trở. Chỉ có đồng bào dân tộc Mông, những người quen sống trên núi cao và giỏi leo trèo mới có thể định cư được ở vùng đất mà chỉ thấy một màu xám ngoét của đá tai mèo sắc nhọn.
Cuộc sống của người dân đã phần nào vơi bớt khó khăn khi vào năm 2014 chính quyền địa phương đã cho phá đá, làm con đường bê tông vào bản nghèo khó bậc nhất của xã biên giới Tung Chung Phố. Thế nhưng, khi người dân chưa kịp hưởng trọn vẹn niềm vui, họ đã phải đối diện với những ngày tháng bất an khi những tảng đá từ trên đỉnh núi liên tục lăn xuống sau những trận mưa lớn.
Dẫn chúng tôi đến nhà anh Thào Chín Lìn, ngôi nhà nằm giữa bản đã bỏ hoang nhưng "chứng tích" sau một lần đá lăn vẫn khiến người xem rùng mình. Một cây xoan lớn bằng một người ôm đã bị tảng đá hàng chục tấn từ trên núi lao xuống chặt đứt, đổ sập vào nhà anh Lìn khiến 1/3 ngôi nhà bi đè bẹp dúm.
"Hôm đó khoảng 5h chiều, cả gia đình tôi đi làm trên nương, trên đường về thì trời mưa quá to nên vào trú tạm tại một gia đình hàng xóm. Bỗng có tiếng động rất lớn, đất dưới chân như rung chuyển và một cảnh tượng vô cùng hãi hùng diễn ra. Tảng đá lớn từ trên đỉnh núi lù lù lăn xuống, lao thẳng vào nhà. Rất may tảng đá lao đúng vào cây xoan lớn, đốn đổ cây rồi đè bẹp một phần ngôi nhà của tôi", anh Lìn vẫn chưa hết bàng hoàng kể lại.
Nhà đổ sập, cả gia đình anh Lìn phải sống tá túc ở nhà người quen một thời gian. May mắn, cuối năm 2021, gia đình anh Lìn cùng 11 hộ khác đã được hỗ trợ 80 triệu đồng để di dời ra khỏi vùng nguy hiểm, đến ở xen ghép vào các khu dân cư sẵn tại thôn Nàn Tiểu Hồ. Tuy nhiên, tại thôn Vả Thàng vẫn còn hàng chục hộ gia đình khác, trong đó nhiều hộ nằm trong diện nguy hiểm đến nay vẫn chưa được di dời.
Ngôi nhà vợ chồng chị Thào Sen Chấn cách nhà anh Lìn không xa, được dựng tạm bởi những tấm tre, nứa. "Thôn muốn di dời rồi, các hộ dân cũng muốn di dời sang một khu định cư mới để sinh sống, sản xuất. Nhưng hiện nay do các hộ gia đình gặp khó khăn về tiền mặt và mặt bằng nền nhà nên chưa di dời được, vẫn trông chờ vào nhà nước xem có hỗ trợ được cho những người dân, gia đình cái nền ở khu ở mới" - chị Chấn nói.
Để mua một nền đất làm nhà, các hộ dân phải bỏ ra từ 150 đến 200 triệu đồng. Có hộ phải đổi nương, ruộng lấy đất nền, nhưng cũng có những hộ dân nghèo, không có đủ tiền hoặc đất để đổi nên vẫn chấp nhận ở nơi có nguy cơ cao về đá lăn.
Ở trong những ngôi nhà tạm, không vững chắc và an toàn, cuộc sống của các hộ dân nơi đây tưởng chừng như rất mong manh giữa bốn bề núi đá. Nửa đêm hay bất kỳ lúc nào có mưa dội xuống, người dân trong thôn lại vội vàng dắt díu nhau rời khỏi nhà đi lánh nạn.
Ông Hảng Seo Sùng, Chủ tịch UBND xã Tung Chung Phố cho biết, tình trạng đá lăn từ trên núi xuống đe dọa tính mạng người dân bắt đầu xuất hiện từ năm 2015 đến nay. Qua các lần họp thôn, tiếp xúc cử tri, người dân thôn Vả Thàng đã nhiều lần kiến nghị có phương án di chuyển đến nơi ở mới an toàn. Rất nhiều đoàn công tác từ tỉnh đến huyện đã về để khảo sát, kiểm tra. Họ về rồi lại đi, chỉ có người dân ở lại với nỗi lo canh cánh tính mạng lúc nào cũng bị đe dọa.
"Bà con rất là bức xúc trong suốt thời gian vừa qua vì trong thôn rất nhiều hộ nhà cửa đã dột nát rồi nhưng vẫn nằm trong quy hoạch sắp xếp dân cư nên bà con vẫn không thể làm được nhà, vẫn ở trong những ngôi nhà dột nát. Do vậy, cấp ủy, chính quyền xã Tung Chung Phố đề nghị các cấp sớm có đánh giá thực chất và sớm có kinh phí để bố trí, sắp xếp cho bà con nhân dân thôn Vả Thàng ra khỏi nơi có nguy cơ thiên tai lớn xảy ra"- ông Sùng nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.