Những "samurai người Nga" đã giúp Liên Xô đánh Nhật ra sao?
Những "samurai người Nga" đã giúp Liên Xô đánh Nhật ra sao?
MA
Thứ bảy, ngày 24/09/2022 20:31 PM (GMT+7)
Trong hàng ngũ quân đội đế quốc Nhật Bản năm đó có các binh sĩ người Nga được mệnh danh là “samurai Nga”. Họ đã thức tỉnh trước tinh thần chiến đấu anh hùng của Liên Xô trước Đức Quốc xã.
Sau Nội chiến Nga và sự ra đời của nhà nước Liên Xô, đã có hàng trăm ngàn người rời bỏ đất nước. Nhưng trong thâm tâm họ vẫn mong chờ có một ngày trở về cố hương.
Những người di cư này một phần đi về châu Âu, phần khác định cư ở Viễn Đông và chọn Đế quốc Nhật Bản làm nơi nương náu. Người Nhật bắt đầu củng cố mối quan hệ với những người di cư Nga sống ở Mãn Châu, đông bắc Trung Quốc vào những năm 1920.
Vào năm 1931, khi đội quân Quan Đông chiếm đóng khu vực này, một bộ phận đáng kể người Nga đã đi theo hỗ trợ người Nhật.
Người Nga khi đó rất được quân đội Nhật coi trọng và nắm nhiều vai trò bảo vệ trọng yếu. Tướng Genzo Yanagita gọi họ là những “samurai Nga”, được huấn luyện cả về quân sự lẫn tư tưởng.
Mặc dù muốn giữ thái độ trung lập và không hào hứng với kế hoạch chiếm giữ tất cả các vùng đất của Nga theo kế hoạch của người Nhật nhưng các “samurai Nga” này vẫn phải giả vờ trung thành để có chốn nương thân.
Nổi bật nhất trong số các đơn vị quân đội Nga do người Nhật thành lập là biệt đội “Asano”, được đặt theo tên của chỉ huy Asano Makoto. Vào những thời điểm khác nhau, biệt đối có số lượng quân từ 400 đến 3.500 người.
Được thành lập vào ngày 29/4/1938, biệt đội bao gồm các đơn vị bộ binh, kỵ binh và pháo binh. Binh lính của Asano vẫn được quân đội Nhật giám sát hoàn toàn.
Các chiến binh từ đơn vị bí mật của biệt đội Asano khi đó được giao nhiệm vụ thực hiện các hoạt động phá hoại và trinh sát trên lãnh thổ Viễn Đông của Liên Xô, chuẩn bị cho một cuộc chiến trong tương lai.
Trong đó, nhiệm vụ của họ là chiếm giữ hoặc phá hủy các cây cầu và các nút liên lạc quan trọng, xâm nhập vào các đơn vị Liên Xô để đầu độc nhà bếp lẫn nguồn nước ở đó.
Sau hai lần thách thức Hồng quân nhưng không mang lại nhiều kết quả khả quan, đến cuối năm 1941, giới lãnh đạo Nhật Bản đã từ bỏ kế hoạch chống lại Liên Xô. Vì không còn nhiệm vụ ban đầu, người Nhật đã tiến hành cải tổ các toán biệt kích Nga, biến họ từ biệt đội phá hoại và trinh sát đặc biệt thành các đơn vị hỗn hợp thông thường.
Do đó, biệt đội Asano đã không còn tư cách bí mật, trở thành một phần của Trung đoàn Súng trường 162 của Lực lượng vũ trang Mãn Châu Quốc bù nhìn.
Tuy nhiên, Tokyo vẫn luôn đánh giá cao những người lính Nga trong hàng ngũ. Vào tháng 5/1944, em trai của Nhật Hoàng Hirohito, Hoàng tử Mikasa Takahito, đã đến thăm nơi các chiến binh Asano đóng quân.
Trong bài phát biểu trước các binh sĩ, ông đã nói về việc tăng cường huấn luyện tinh thần và quân sự của các dân tộc Nhật Bản và Nga.
Phản bội người Nhật
Cuộc đấu tranh anh hùng của Liên Xô trước Đức Quốc xã đã củng cố tinh thần yêu nước và thái độ chống Nhật của người Nga ở Mãn Châu. Nhiều sĩ quan người Nga bắt đầu hợp tác với tình báo Liên Xô. Hóa ra, ngay cả một trong những thủ lĩnh của biệt đội Asano, Gurgen Nagolyan, thực chất cũng là một đặc vụ của NKVD (đơn vị cảnh sát mật của Liên Xô).
Vào ngày 9/8/1945, Hồng quân đánh đến Mãn Châu, các đơn vị quân đội địa phương người Nga đã có những phản ứng khác nhau. Một phần nhỏ trong số đó đã chống lại những người lính Liên Xô.
Thiếu tá Liên Xô Pyotr Melnikov kể lại, phía Nhật Bản thường có những tiếng la hét bằng ngôn ngữ Nga nhằm gây hoang mang và làm mất phương hướng của những người lính Liên Xô trong việc tìm ra ai là bạn, ai là thù.
Tuy nhiên, hầu hết những người lính Nga khi đó đã quyết định đổi phe, sát cánh cùng những người chiến sĩ máu mủ. Họ đã bắt giữ các chỉ huy Nhật Bản, thiết lập các đội biệt kích để chiến đấu với quân Nhật và giao lại các khu định cư cho quân đội Liên Xô sau khi đã kiểm soát.
Mặc dù về sau này, những “samurai Nga” vẫn bị trừng phạt vì đi theo hàng ngũ kẻ thù và tham gia vào những kế hoạch phá hoại Liên Xô ngày trước, nhưng tinh thần của những con người rời xa quê hương nhưng vẫn mang nặng lòng yêu nước đã được sử sách Nga ghi nhận.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.