Những “tên tuổi” từng bị xử về điều luật hôm nay hết hiệu lực

Ngọc Lương Thứ hai, ngày 01/01/2018 09:53 AM (GMT+7)
Hôm nay (1.1.2018), Bộ luật Hình sự năm 2015 chính thức có hiệu lực. Trong bộ luật này, tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng được bãi bỏ. Cùng Dân Việt điểm qua những “tên tuổi” bị xử lý về tội danh này trong thời gian qua.
Bình luận 0

img

"Bầu" Kiên thời chưa vướng vòng lao lý. (Ảnh IT)

Nguyễn Đức Kiên, (Tức “bầu" Kiên, SN 1964) nguyên Chủ tịch Hội đồng đầu tư Ngân hàng ACB, nguyên Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB

Năm 2014, ông này bị kết án về 4 tội danh, trong đó có tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng với 18 năm tù. Tổng hợp án của cả 4 tội danh, “bầu” Kiên phải lĩnh 30 năm tù. Hành vi cố ý làm trái của "bầu" Kiên và đồng phạm trong vụ án này được xác định gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng. 

img

Dương Chí Dũng. (Ảnh IT)

Dương Chí Dũng (1957), nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Năm 2014, Dương Chí Dũng bị Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội tuyên phạt án tử hình về tội Tham ô tài sản, 18 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tổng cộng hình phạt chung là tử hình. Hành vi cố ý làm trái của Dương Chí Dũng và đồng phạm trong vụ án này gây thất thoát gần 337 tỷ đồng.

img

Ông Phạm Thanh Bình sắp phải hầu tòa trong vụ án mới. (Ảnh IT)

Phạm Thanh Bình (SN 1953), cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vinashin.

Năm 2012, ông Bình bị hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm tuyên phạt 20 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Ngoài ra về phần dân sự, cựu Chủ tịch HĐQT của Vinashin còn phải bồi thường gần 500 tỷ đồng. Tuy nhiên tính đến nay, ông này vẫn chưa bồi thường đồng nào.

Vào cuối năm 2017, khi đang thụ án, ông Phạm Thanh Bình lại bị Viện KSND tỉnh Phú Yên truy tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

img

Hà Văn Thắm. (Ảnh IT)

Hà Văn Thắm (SN 1972), nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank)

Tại phiên xử sơ thẩm vụ đại án OceanBank (tháng 9.2017), TAND thành phố Hà Nội đã tuyên phạt Hà Văn Thắm 19 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Hành vi cố ý làm trái quy định của Hà Văn Thắm và đồng phạm đã gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng cho OceanBank. Ngoài ra, Hà Văn Thắm còn bị tuyên phạt về 3 tội danh khác, tổng cộng hình phạt chung cho cả 4 tội danh là tù chung thân. Tuy nhiên đây mới chỉ là bản án sơ thẩm, hiện Hà Văn Thắm đã kháng cáo.

img

Phạm Công Danh sắp phải hầu tòa ở một vụ án khác. (Ảnh IT)

Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam (VNCB) trong vụ án thiệt hại hơn 9000 tỷ đồng.

Đầu năm 2017, Phạm Công Danh và đồng phạm bị đưa ra xét xử phúc thẩm. Tòa đã tuyên phạt Phạm Công Danh 18 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Ngoài ra Phạm Công Danh còn bị tuyên về một tội danh khác, tổng cộng hình phạt chung của hai tội là 30 năm tù.

Vào tháng 11.2017, Viện KSND Tối cao đã tống đạt cáo trạng truy tố tiếp Phạm Công Danh và các đồng phạm trong giai đoạn 2 vụ án Phạm Công Danh "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" liên quan đến 3 ngân hàng, gồm Sacombank, TPBank, BIDV.

img

Ông Đinh La Thăng. (Ảnh Zing.vn)

Cuối năm 2017, ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và một loạt người nguyên là lãnh đạo PVN như Nguyễn Quốc Khánh, nguyên Phó Tổng GĐ của PVN; Phùng Đình Thực, nguyên Tổng GĐ của PVN; Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Phó Tổng GĐ của PVN; Ninh Văn Quỳnh, nguyên Kế toán trưởng PVN, Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT của PVC… cùng bị khởi tố, truy tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Ngày 8.1 tới, ông Thăng và các đồng phạm sẽ phải hầu tòa. Theo Nghị quyết 41/2017 của Quốc hội hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự: "Đối với hành vi Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 của Bộ luật Hình sự 1999 xảy ra trước 0h00 ngày 1.1.2018, mà sau thời điểm đó vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì tiếp tục áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 để xử lý". Trong Bộ luật Hình sự năm 2015, có những quy định gì có lợi cho người phạm tội sẽ được áp dụng.

Luật sư Nguyễn Quan Tiến (Đoàn luật sư TP.Hà Nội): Bộ luật Hình sự năm 2015 không còn tội Cố ý làm trái không có nghĩa là pháp luật bỏ qua hành vi phạm tội Cố ý làm trái. Việc xử lý hành vi cố ý làm trái được thể hiện ở những điều luật mới, những điều luật này đã quy định cụ thể hơn.

Tội Vi phạm các quy định về cạnh tranh (Điều 217); Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản (Điều 218); Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí (Điều 219); Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 220), Vi phạm quy định của Nhà nước về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 221); Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 222); Thông đồng, bao che cho người nộp thuế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 223); Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 224), Vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất (Điều 225).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem