Những thần thú trong tâm thức Việt: Rùa trường thọ - hiện thân của đất trời
Những thần thú trong tâm thức Việt: Rùa trường thọ - hiện thân của đất trời
Chủ nhật, ngày 29/08/2021 06:30 AM (GMT+7)
Rùa là con vật biểu tượng cho sự trường thọ, sinh lực và sức chịu đựng. Rùa mang chiếc mai hình vòm trên lưng, biểu tượng cho bầu trời và phần mai phẳng dưới bụng biểu tượng cho mặt đất.
Đứng đầu trong các linh vật được người Việt tôn vinh là "tứ linh" gồm: long (rồng) - lân (kỳ lân) - quy (rùa) - phụng (chim phượng). Theo quan niệm của người xưa, loài vật trong tự nhiên được phân thành 5 loài: lông trần (đứng đầu là con người), lông vũ (đứng đầu là chim phượng), lông phủ (đứng đầu là kỳ lân), giống có vảy (đứng đầu là con rồng) và giống có mai (đứng đầu là con rùa).
Rùa là con vật duy nhất trong tứ linh có thật được nâng lên thành con vật "vũ trụ", trong khi ba linh vật kia chỉ là huyền thoại, chỉ nghe nói, xuất hiện trong tưởng tượng chứ chưa ai từng thấy. Dường như ở rùa đã hội tụ đầy đủ những đặc tính linh thiêng mà không cần phải "lắp ghép" mỗi thứ một tý như linh vật khác. Rùa được cư dân Đông Nam Á thờ từ thời cổ đại, dường như gắn với tối thượng thần Vishnu và được đưa vào trong tâm thức người Việt từ khá sớm.
Nếu như tới thời Triệu Việt Vương (Triệu Quang Phục, 524-571) mới thấy xuất hiện bóng dáng của rồng theo thần nhân xuống trần thì rùa đã được mô tả như một linh vật ngay từ thời An Dương Vương (thế kỷ 2,3 TCN). So với long, phượng, kỳ lân, rùa ít gắn bó mật thiết với vương quyền mà gắn bó nhiều hơn với thần quyền, tín ngưỡng.
Trong tín ngưỡng của người Việt, rùa có một ví trị tâm linh cao. Hai câu chuyện "thần rùa" rõ rệt nhất trong kho tàng truyền thuyết của người Việt chính là truyện Thần Kim quy (rùa vàng) xây "loa thành" cho An Dương Vương và truyện mượn kiếm thần diệt giặc thời Lê Lợi (thế kỷ XV). Điều trùng hợp là ở hai câu chuyện, rùa luôn được xem là sứ giả của miền sông nước. Là "sứ giả của thần Thanh Giang" (giang nghĩa là sông lớn) đến giúp vua xây thành và là "sứ giả của Long quân" lên đòi lại gươm báu.
Cũng thật đặc biệt khi ở cả hai câu chuyện cổ trên, rùa lại luôn "đính kèm" với những bảo vật có sức mạnh thần thánh. Đó là "nỏ thần" một phát bắn hàng ngàn mũi tên khiến "kẻ địch dù đông cũng khó lòng sống sót", là "gươm thần" Thuận Thiên "tung hoành trên mọi trận địa, làm cho quân Minh kinh hồn bạt vía".
Hà Đồ, Lạc Thư và Bát Quái là ba họa đồ được truyền lại từ thời xa xưa có nguồn gốc từ các bộ tộc phía Nam sông Dương Tử cổ đại (là nơi phát tích của người Việt cổ) cũng gắn với rùa. Mỗi họa đồ được truyền tụng, phát triển, và sử dụng với nhiều mục đích khác nhau. Trong truyền thuyết khi vua Đại Vũ trị thủy, trên sông Lạc xuất hiện con rùa lớn (thần Quy), trên lưng rùa xuất hiện hoa văn tạo thành bức đồ hình, gọi là "Lạc Thư".
Sự tích này nhắc tới sớm nhất trong kinh dịch, hệ từ thượng. Đây chính là khởi nguồn và là ý nghĩa của đồ án "Linh Quy phụ thư". Rùa mang trên lưng các cổ đồ, "các ký hiệu cổ xưa", được thể hiện qua một chồng sách thắt lại với các dải lụa, tượng trưng cho con rùa siêu nhiên mà Hoàng đế đã bắt gặp: từ miệng rùa sẽ thoát ra một ngọn nước, gọi là thủy ba.
Biểu tượng của sự trường thọ
Rùa thần không chỉ có sức mạnh thần thông quảng đại, trừ yêu diệt quái (như trong truyền thuyết Nỏ thần) mà còn được xem là vật trân bảo, tầm cỡ quốc bảo, bắt được rùa lớn bắt buộc phải cống nạp cho hoàng đế. Rùa là biểu tượng cho sự tài phú, giàu có.
Tuy nhiên, đặc điểm nổi trội nhất của loài vật này là sự trường thọ, "vì lẽ rùa sống đến cả ngàn năm hay hơn thế nữa". Một con rùa đầy lông, mai rùa bám đầy rong tảo và rêu được xem là điềm báo sự trường thọ viên mãn nhất. Chính sự trường thọ đã khiến cho "trải qua bao thời đại, mai rùa, ném vào than hồng, đã luôn được xem là một phương thức để bói toán: các vết nứt mảnh rạn của mai rùa do lửa nóng sẽ chỉ ra những sự kiện trong tương lai" (L'Cadiere). Rùa như thế còn trở thành "sứ giả" của "ý trời", báo trước điềm lành, điềm dữ…
Phép bói giáp cốt bằng mai rùa chính là một trong những phép bói cổ xưa nhất, tương truyền có từ đời Thương (khoảng 1700 năm trước công nguyên). Tại sao lại dùng mai rùa? Tử Lộ hỏi Khổng Tử rằng: Thưa Thầy, xương vai heo, xương bả vai dê đều có thể [hơ nóng để tìm vết nứt mà] bói; cỏ hoan, cỏ vĩ, cỏ cao và cỏ mao cũng có thế bói xem số mệnh, việc gì mà phải dùng cỏ thi và mai rùa? Khổng Tử đáp: Không phải như vậy. Ấy bởi vì cái tên của chúng.
Nói chung, thi [cỏ thi] là gọi từ kỳ [bậc kỳ lão sống lâu], còn quy là gọi từ cựu [cố cựu, lâu đời]. Muốn hiểu rõ việc mình đang hồ nghi thì phải hỏi han người kỳ cựu vậy. Linh mục Larre trong bài thuyết trình tại Trung tâm Văn hóa Pháp (Saigon, 1965) về Đạo xử kỷ tiếp vật trong Kinh Dịch (Le savoir vivre dans le Livre des Mutations) bảo cổ nhân dùng mai rùa vì rùa là một vũ trụ thu nhỏ. Mai rùa khum tròn tượng trưng cho vòm trời, bốn chân tượng trưng cho đất. Ứng với thuyết "trời tròn đất vuông". (Nhiều người khác cho rằng phần bụng phẳng (yếm rùa) mới là tượng trưng cho đất – NV).
Còn Charles Poncé thì bảo rùa là vật mang sự minh triết, không những biết được những bí mật dưới đáy biển mà còn ôm ấp những bí mật ấy trong bụng. Rùa sống được dưới nước lẫn trên đất, nó dung hòa hai hành tương khắc trong ngũ hành là thủy (nước) và thổ (đất).
Lên đình cõng hạc, xuống chùa đội bia
Rùa là một hợp thể trong quan hệ đối đãi của trời cha – mẹ đất. Với ý nghĩa ấy, trên nhiều đồ thờ, người ta đã thể hiện rùa cuốn thủy (phun nước) như để cầu no đủ, rồi rùa đội hạc để cầu sự thanh cao. Trên kiến trúc gỗ, rùa đã có mặt từ cuối thế kỷ 17. Đó là rùa trên ván nong đình Thổ Hà, chùa Bút Tháp, đội hạc ở đình Hoàng Xá (Hà Nội).
Đến thế kỷ 18, rùa được thể hiện dưới dạng tứ linh trên chiếc khánh đồng chùa Đại Bi (Hoài Đức, Hà Nội). Với hình thù lớn khối, rùa cho cảm giác về sự vững chắc, với sự trường thọ, rùa là biểu tượng cho sự trường cửu, bất biến. Có nơi, người ta tôn thờ rùa như là con vật bảo hộ cho đê điều nhưng hình ảnh phổ thông, thường thấy nhất của rùa chính là việc vận dụng hình tượng rùa để dựng bia. Đặt rùa làm đế cho bia sẽ tạo cho bia sự vững bền ổn định lâu dài.
Mỗi mùa thi, hàng ngàn sĩ tử chen chúc sờ đầu "cụ rùa" để mong đỗ đạt "vinh quy bái tổ" ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám nhưng không mấy ai biết rằng, hình tượng "rùa đội bia" tại đây cũng có sự thăng trầm theo thời gian. Họa sĩ Trần Hậu Yên Thế đã có một sự khảo sát công phu về các cụ rùa tại đây qua cuốn sách "Nét Việt – Trên bia Tiến sĩ Văn Miếu – Quốc Tử Giám". Ông viết: "…Tạo hình rùa đội bia ở mỗi giai đoạn rất khác nhau, không phải chỉ riêng cái đầu mà còn cả tư thế toàn thân. Nếu không phải là các nhà nghiên cứu mỹ thuật, không mấy ai biết rằng những con rùa thời kỳ đầu (thời Lê Sơ) không hề đội bia nằm bất động – mà dường như chúng đang bơi một cách khoan thai.
Càng về sau, những tư thế cửu vạn càng rõ, đầu rùa không còn ngẩng cao đầy kiêu hãnh, chân rùa giờ đây đã xòe các ngón bám chặt lấy nền, thể hiện sức nặng của tấm bia đá chất trên lưng. Đúng như câu ca: "Thương thay thân phận con rùa – Lên đình cõng hạc, xuống chùa đội bia".
Rùa là một biểu tượng trong đời sống văn hoá của người Việt. Trường hợp rùa Hồ Gươm thì gắn với tính chất hoà bình, mang tính chất là sống chung với lũ lụt, và được huyền thoại hoá thành truyền thuyết trả gươm cho rùa. Còn đối với người thiểu số thì rùa là biểu tượng cho nhà sàn, mai rùa khum khum tượng trưng cho trời (mái nhà), bụng nó bằng phẳng tượng trưng cho đất (sàn nhà), chân nó là biểu tượng cột nhà. Sống trong nhà sàn là sống trong dòng sinh khí của trời đất, âm dương, nên nó luôn gắn với hạnh phúc"- PGS. TS Trần Lâm Biền."
Vui lòng nhập nội dung bình luận.