Những tháng ngày không quên

Thứ sáu, ngày 03/09/2010 15:05 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đã 65 năm trôi qua nhưng trong ký ức của nhiều người mùa thu ấy, mùa thu cách mạng 1945, vẫn vẹn nguyên những ký ức khó quên...
Bình luận 0

Không chỉ là người thả lá cờ đỏ sao vàng vĩ đại 45m2 phủ kín mặt trước Nhà hát Lớn trong cuộc mít tinh lịch sử ngày 17-8-1945, ông Trần Lâm còn là người được Bác Hồ giao trọng trách xây dựng Đài Tiếng nói Việt Nam ngay sau ngày Quốc khánh...

Lá cờ đỏ sao vàng vĩ đại

Chúng tôi đến nhà số 5 đường Trần Phú (Ba Đình, Hà Nội) để tìm ông Trần Lâm, khi mà không khí kỷ niệm 65 năm Quốc khánh 2 - 9 đang tràn ngập khắp phố phường. Tiếp chúng tôi, bà Trần Thị Ý - vợ ông Lâm - cho biết chồng bà bị bệnh nặng đã nằm liệt một chỗ gần 1 năm nay. Hiện tại ông Lâm phải ăn uống bằng ống xông và không còn tỉnh táo để tiếp những người khách liên tục tìm đến để được nghe ông kể về những phút giây hào hùng của dân tộc.

img
Vợ chồng ông Trần Lâm

Không giấu nổi nỗi buồn trong đôi mắt, người phụ nữ đã tóc bạc da mồi này ngậm ngùi nhớ về những người bạn chiến đấu năm xưa giờ phần lớn đã trở thành người thiên cổ. Bà bảo, lịch sử thì còn mãi nhưng đời người hữu hạn, những nhân chứng sống rồi dần mất đi theo dòng chảy thời gian. Nhắc lại sự kiện thả cờ tại Nhà hát Lớn ngày 17 - 8 - 1945, khuôn mặt hiền hậu của bà Ý bừng sáng như đang được sống lại trong những giây phút tự hào của dân tộc Việt Nam.

Ông Trần Lâm tên thật là Trần Quảng Vận, sinh năm 1922. Ngoài 43 năm liên tục phụ trách Đài Tiếng nói Việt Nam, ông còn từng được giao các trọng trách như Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam và là Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1976 - 1981. Từ 1982 - 1986, ông là Uỷ viên chính thức Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ngày 17 - 8 - 1945, cuộc mít tinh do Tổng hội Công chức tổ chức đã bắt đầu ở quảng trường Nhà hát Lớn. Kế hoạch đã định, Việt Minh huy động hàng vạn quần chúng dự mít tinh. Ngay sau khi đại diện Ban tổ chức của Tổng hội Công chức tuyên bố lý do thì từ giữa đám đông bên trái Nhà hát Lớn bất ngờ nhô lên một lá cờ đỏ sao vàng lớn, quần chúng hò reo vang dậy: Cờ Việt Minh! và đổ xô về phía lá cờ. Lập tức ở phía bên phải lại nhô lên một lá cờ đỏ sao vàng nữa. Tiếp đó nhiều lá cờ đỏ sao vàng cỡ nhỏ xuất hiện ở nhiều điểm trong cuộc mít tinh, các đội viên thanh niên xung phong tay giương cao cờ, lách rẽ đám đông chạy từ chỗ này sang chỗ khác. Biển người náo động, hô vang các khẩu hiệu: “Hoan hô Việt Minh”, “Ủng hộ Việt Minh”.

Giữa lúc đó, anh em tự vệ chĩa súng dồn Ban tổ chức vào một góc, chiếm lấy diễn đàn. Cờ “quẻ ly” của chính quyền bù nhìn, từ trên “kỳ đài” dựng giữa quảng trường rơi phịch xuống đất. Người thanh niên ái quốc Trần Lâm lúc đó được một công nhân (người quản lý Nhà hát Lớn) dẫn đi và mở cửa cho lên gác hai treo lá cờ đỏ sao vàng ở khung cửa của Nhà hát Lớn. Lá cờ đỏ sao vàng rất lớn, từ bao lơn tầng gác buông xuống phủ kín cả một khoảng của mặt trước nhà hát. Đó là lá cờ đại rộng 45m2 được bà Lê Thị Tý - một nữ sinh Đồng Khánh, vợ của ông Nguyễn Dực - thành viên nhóm Hướng đạo sinh, may suốt đêm 16 - 8 bằng chiếc máy khâu quay tay của gia đình.

Thấy tình hình diễn biến thuận lợi, lại được bầu không khí cách mạng cực kỳ sôi nổi lúc đó thúc đẩy, đội Danh dự Việt Minh bất chợt nảy ra sáng kiến biến lễ mít tinh thành cuộc biểu tình tuần hành ủng hộ Việt Minh. Quần chúng xếp thành hàng ngũ, đi từ Nhà hát Lớn qua nhiều tuyến phố chính, vừa đi vừa hô các khẩu hiệu: “Ủng hộ Việt Minh!”, “Đả đảo bù nhìn!”, “Việt Nam hoàn toàn độc lập!”. Về đến Cửa Nam, đoàn người chia thành nhiều đoàn nhỏ, tốp nhỏ đi về các ngả trong thành phố, các cửa ô và ngoại thành. “Đêm giao thừa” lịch sử của dân tộc, cả Hà Nội không ngủ mà thức để tập hát "Tiến quân ca".

Nhiệm vụ đặc biệt sau ngày Quốc khánh

Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ngay khi vừa giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có chỉ thị phải gấp rút xây dựng ngay một đài phát thanh để tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ, đồng thời phản ánh tình hình thời sự trong nước và quốc tế đến người dân. Ông Trần Lâm đã được Bác giao cho trọng trách này. Lúc này ông Lâm mới 23 tuổi và vừa tốt nghiệp chuyên ngành Luật.

Lúc bấy giờ, dù chưa có một khái niệm gì cụ thể về đài phát thanh, thế nhưng bằng sự nhiệt huyết, tận tâm của những người cách mạng đang hồ hởi trong không khí của một dân tộc vừa giành được độc lập tự do, ông Lâm cùng cộng sự đã tìm hiểu và gấp rút lo máy phát sóng, xây dựng studio và tổ chức tòa soạn, sản xuất nội dung.

Song song với những công việc ấy, các ông còn phải lo việc đặt tên đài, chọn lời xướng và nhạc hiệu, những chi tiết sẽ gắn liền với Đài phát thanh Quốc gia trong suốt chiều dài của lịch sử. Sau 15 ngày kể từ khi nhận nhiệm vụ, đúng 11 giờ 30 ngày 7 - 9 - 1945, 5 ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời ra mắt quốc dân đồng bào, Đài Tiếng nói Việt Nam chính thức chào đời bằng việc cất lên tiếng nói đầu tiên: “Đây là tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem