Những thành tựu nổi bật nhất 2021 trong lĩnh vực blockchain Việt Nam

Trần Đình Đức Thứ tư, ngày 29/12/2021 09:42 AM (GMT+7)
Trong một cuộc khảo sát 42.000 người trên 27 quốc gia của Finder, Việt Nam hiện là quốc gia đứng đầu về tỷ lệ sử dụng tiền mã hóa, vượt qua hàng loạt thị trường khổng lồ khác như Anh, Mỹ, Ấn Độ… Trong nhóm 41% người từng sử dụng tài sản số, có tới 20% người được hỏi cho biết đã thực hiện giao dịch Bitcoin.
Bình luận 0

Có thể nói, 2021 là một năm sóng gió nhưng tương đối thành công đối với thị trường crypto và blockchain tại Việt Nam. Chúng ta không đứng ngoài cuộc chơi và tự hào sở hữu vị thế uy tín trên thị trường tài chính công nghệ.

Kết quả này không hình thành dựa vào số lượng triệu phú, tỷ phú tiền mã hóa xuất hiện trong nước, bản thân chúng ta đang sở hữu nhiều cá nhân, dự án xuất sắc được cộng đồng quốc tế kiểm chứng và ghi nhận.

Vì sao crypto ở Việt Nam phát triển mạnh?

Ngoài số liệu khả quan từ Finder, khảo sát tổng hợp của Chainalysis trên 154 quốc gia cũng đánh gia cao thị trường Việt Nam khi chúng ta dẫn đầu về cả 3 chỉ số là giá trị tiền mã hóa on-chain nhận được; giá trị giao dịch nhỏ lẻ được chuyển on-chain; khối lượng của giao dịch p2p.

Những thành tựu nổi bật nhất 2021 trong lĩnh vực blockchain Việt Nam - Ảnh 1.

Không giống vài năm trước, blockchain và crypto đã và đang trở thành xu hướng đầu tư được nhiều người dùng trong nước đón nhận. Tâm lý FOMO của người chơi dâng cao giúp chúng ta dễ dàng nhận thấy điều đó qua hàng loạt phong trào đầu tư như coin động vật, mua sắm NFT hay hình thức chơi game kiếm tiền (play to earn).

Có nhiều nguyên nhân giúp crypto trở thành từ khóa nổi bật trong năm 2021. Việc giá Bitcoin bất ngờ tăng tốc và lập ATH ở mức giá trên 60.000 USD/đồng, gấp 3 lần mức đỉnh lịch sử cách đây 3-4 năm trước, là một trong những khía cạnh quan trọng giúp tiền mã hóa thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư.

Theo bà Lynn Hoang – Giám đốc Binance khu vực SEA – sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 đã góp phần thúc đẩy quá trình ứng dụng blockchain rộng rãi hơn ở nhiều ngành nghề, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý tài sản số. Khi đại dịch xảy ra, tiền mã hóa cũng được coi như một loại tài sản trú ẩn.

"Nhiều tổ chức tài chính và các tỷ phú thế giới đã quan tâm đến tiền mã hóa, họ xem đây như một loại tài sản và phương tiện thanh toán. Có thể kể đến như quỹ MicroStrategy đã chi hơn 1 tỷ USD để mua và nắm giữ Bitcoin, PayPal hiện cũng cho phép khách hàng của mình giao dịch Bitcoin trực tiếp từ tài khoản PayPal cá nhân", bà Lynn Hoang nhận xét.

Bên cạnh đó, tiền điện tử còn đem lại nhiều góc nhìn khác cho thế hệ khởi nghiệp trẻ tại Việt Nam. Nhiều triệu phú hay tỷ phú trẻ tuổi liên tục xuất hiện. Những dự án blockchain đình đám nối tiếp nhau ra mắt và tạo được sự ảnh hưởng rộng trên thế giới.

Axie Infinity của công ty Sky Mavis là một ví dụ điển hình. Tựa game trên nền tảng blockchain do một người Việt Nam là Nguyễn Thành Trung sáng lập vào năm 2018 đã có sự bùng nổ mạnh mẽ về giá trên thị trường tiền điện tử khi vốn hoá từng đạt mốc cao nhất gần 5 tỷ USD.

Theo dữ liệu trên DappRadar.com, doanh số bán Axie Infinity NFT đã vượt qua con số 1,111 tỷ USD. Doanh số này bao gồm doanh số bán hàng được thực hiện trên cả Axie Marketplace và các nền tảng NFT khác như OpenSea và Rarible.

Đây là tựa game đang rất ăn khách ở thời điểm hiện tại với số lượng người chơi thường xuyên có lúc hơn 1 triệu tài khoản. Những con số không tưởng đến từ bàn tay người Việt nhanh chóng tạo nên vị thế mới cho nền game blockchain Việt Nam trên trường quốc tế.

Nguyễn Thành Trung sau đó đã lọt vào danh sách 10 nhân vật ảnh hưởng nhất năm 2021 trong thế giới tiền điện tử do Coindesk bình chọn. ông hiện đứng cạnh những cái tên đình đám như tỷ phú Elon Musk – CEO Tesla, Sam Bankman Fried – CEO sàn giao dịch FTX, Gary Gensler – Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ…

Sự kiện này chắc chắn là niềm tự hào của người Việt Nam, cũng như đem đến niềm tin vững chắc hơn từ công chúng nước nhà đối với tiền điện tử và sự vươn lên mạnh mẽ của các dự án thương hiệu Việt.

Sự quan tâm của chính phủ

Khi sự chú ý của tiền điện tử len lỏi vào từng ngóc ngách trong xã hội, các cơ quan quản lý ở Việt Nam quyết định nắm bắt xu thế này.

Ngày 16/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 2117/QĐ-TTg ban hành danh mục công nghệ ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó có công nghệ chuỗi khối (blockchain).

Mới đây nhất, Quyết định 1813/QĐ-TTg cũng được Chính phủ ban hành, phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó là nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách về tiền kỹ thuật số quốc gia.

Với sự tiên phong của các nhà quản lý, có thể thấy công nghệ blockchain và tiền điện tử ở Việt Nam tương lai sẽ có những phát triển mạnh mẽ và bền vững, với sự thúc đẩy từ các cơ quan nhà nước.

Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội tiềm năng, vấn đề pháp lý vẫn là thách thức lớn nhất cản trở sự phát triển của thị trường crypto và blockchain.

"Việc xây dựng hành lang pháp lý để bắt kịp với sự phát triển của khoa học và công nghệ là một thách thức không chỉ với Việt Nam mà với nhiều quốc gia trên thế giới. Những năm gần đây, cùng với sự phát triển nhanh chóng vượt bậc của khoa học và công nghệ, nền kinh tế tiền điện tử cũng phát triển không ngừng, trong khi các cơ quan quản lý vẫn chưa bắt kịp được xu thế", bà Lynn Hoàng nhận định.

Theo đại diện Binance, dù đã chứng minh được nhu cầu và tốc độ phát triển, tiền mã hóa tại Việt Nam mới dừng lại ở giai đoạn nghiên cứu. Hiện Nhà nước chưa công nhận bất cứ loại tiền điện tử nào là hợp pháp.

Đồng thời, hoạt động phát hành, mua bán, trao đổi tiền điện tử cũng chưa có đơn vị quản lý chính thức, chưa được quy định trong hệ thống pháp luật hay văn bản hướng dẫn nào.

Chia sẻ tại Diễn đàn Quốc gia Doanh nghiệp Công nghệ số (VFTE 2021), nhà sáng lập Sky Mavis Nguyễn Thành Trung cho rằng "tài sản số vẫn chưa được nhìn nhận đúng ở môi trường trong nước. Đáng nói, đây là lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh và khả năng cạnh tranh trên thế giới".

Những thành tựu nổi bật nhất 2021 trong lĩnh vực blockchain Việt Nam - Ảnh 2.

"Nếu lĩnh vực tài sản số không có bệ phóng vững chắc, được tạo điều kiện phù hợp, những doanh nghiệp vốn đang hoạt động rất năng nổ trên thế giới cũng không đem lại được lợi thế đó về sân nhà Việt Nam", ông nói.

Đối với khung pháp lý, đại diện Sky Mavis cho rằng cần sớm hoàn thiện chính sách thuế và luật sở hữu tài sản. Tài sản số là loại tài sản mới, mang nhiều lợi ích về giao dịch, mua bán và luân chuyển giá trị.

Còn nhiều dư địa phát triển cho startup Việt

Với chất xúc tác từ Axie Infinity, các nhà phát triển blockchain và các Studio Game tại Việt Nam đã bắt tay vào xu hướng mới để củng cố vững chắc vị thế ở thị trường ngách này.

Sau khi Sky Mavis kết thúc vòng gọi vốn SerieB với hơn 150 triệu USD được rót từ các quỹ đầu tư thì một cái tên khác của Việt Nam là Whydah, sáng lập bởi doanh nhân Trí Phạm cũng đã gọi vốn thành công với số tiền 25 triệu USD cho các dự định phát triển nền tảng game blockchain trong tương lai.

Whydah là một cái tên mới nhưng đầy tham vọng, khi gần đây đã cho ra mắt tựa game ăn khách là Thetan Arena. Mặc dù chưa tạo ra được sức ảnh hưởng lớn như Axie Infinity nhưng điều này đang cho thấy nền công nghiệp game blockchain tại Việt Nam đang có hướng đi đúng và bền vững khi có những sự đầu tư nghiêm túc về tiền bạc cũng như chất xám.

Theo thống kê của Newszoo, năm 2021 có gần 3 tỷ người chơi game trên toàn cầu. Con số này tăng 5,3% so với năm 2020. Trong khi đó, con số của App Annie Intelligence cho thấy Việt Nam đứng thứ hai tại Đông Nam Á về thị phần tải game trên các ứng dụng mobile (gồm IOS và Google Play), chiếm 22%, sau Indonesia với 38%.

Năm 2020, thị trường game Việt Nam đã tăng trưởng 10% về lượt tải xuống. Chi tiêu của người dùng chơi game đã tăng 50%.

Trong Top 10 Nhà xuất bản game mobile giữa các quốc gia Đông Nam Á và Australia, New Zealand, Việt Nam có đến 5 nhà phát hành game lọt vào danh sách này gồm: Amanotes, OneSoft, Gamejam, VNG, Arrasol.

Việt Nam cũng là một nền văn hóa "di động đầu tiên". Đây là nơi có 68 triệu chủ sở hữu điện thoại thông minh, 64% trong số đó sử dụng 3G, 4G hoặc 5G. Thời gian trung bình hàng ngày để chơi game là 3,9 giờ – nhiều hơn 10% so với người dùng trung bình ở Mỹ.

Những con số trên cho thấy tiềm năng phát triển ngành game tại Việt Nam là rất lớn, bên cạnh việc kết hợp giữa game và blockchain đang bùng nổ, chúng ta có cơ sở để tin tưởng trong thời gian không xa Việt Nam sẽ thiết lập được vị thế vững chắc trên bản đồ ngành công nghiệp giải trí tỷ đô.

Ngoài những ứng dụng trong lĩnh vực giải trí, bà Lynn Hoang chia sẻ: "câu chuyện ứng dụng blockchain không đơn thuần chỉ đối với tiền mã hoá, mà công nghệ này có thể ứng dụng ở nhiều ngành nghề khác nhau, ví dụ như y tế, nông nghiệp, du lịch, logistic,…"

Những thành tựu nổi bật nhất 2021 trong lĩnh vực blockchain Việt Nam - Ảnh 3.

"Đặc biệt là ngành tài chính, khi hiện tại có hàng triệu người đang không có tài khoản ngân hàng, tương lai DeFi sẽ tạo ra rất nhiều giá trị trong hoạt động cho vay P2P. Công nghệ blockchain hứa hẹn sẽ bùng nổ hơn nữa trong những năm tới", bà Lynn Hoàng kết luận.

Nhìn chung, năm 2021 đã chứng kiến nhiều thành tựu và cột mốc đáng ghi nhận của blockchain và tiền điện tử, trong đó Việt Nam nổi bật khi là quốc gia hoạt động tích cực cho sự phát triển chung của ngành.

Có thể thấy chặng đường một năm bùng nổ chưa thể đánh giá hết toàn cảnh tiềm năng của ngành, tuy nhiên với sự tham gia của hàng loạt tổ chức uy tín hàng đầu, cũng như sự quan tâm sâu sắc từ cơ quan quản lý các quốc gia, chúng ta sẵn sàng chờ đợi những kết quả tích cực hơn nữa trong những năm tới, khi công nghệ đang ngày càng chiếm lĩnh đời sống.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem