Những "thùng thuốc nổ" đằng sau sự xuống thang giữa Iran và Mỹ

Việt Anh - BBC Thứ tư, ngày 15/01/2020 06:25 AM (GMT+7)
Dù đã có những dấu hiệu "xuống thang", song sự căng thẳng trong mối quan hệ giữa Mỹ và Iran khó có thể chấm dứt.
Bình luận 0

img

Tranh biếm họa tượng Nữ thần Tự do đặt bên ngoài trụ sở cũ của Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Tehran (Ảnh: AP)

Rất may, cuộc khủng hoảng giữa Mỹ và Iran sau cái chết của tướng Qasem Soleimani đã không leo thang thành một cuộc chiến toàn diện.

Nếu hiểu theo cách trên, dường như 2 nước đã có sự xuống thang. Nhưng thực tế, trang tin BBC đã phân tích 5 yếu tố cơ bản khiến mâu thuẫn giữa 2 nước còn lâu mới chấm dứt.  

1) Việc xuống thang chỉ mang tính tạm thời

Theo BBC, Những gì một số nhà phân tích cho là một sự xuống thang đều không hoàn toàn đúng.

Giới lãnh đạo của Iran, choáng váng đến cùng cực sau cái chết của tướng Soleimani, đã tìm mọi cách để trả thù. Một trong những động thái cho việc này là bắn hàng loạt tên lửa vào các căn cứ của Mỹ tại Iraq.

Tuy nhiên, vẫn có những hạn chế mang tính thực tiễn và chính trị về hành động này. Nó cho thấy Iran đang mất cân bằng, muốn giải quyết nhanh mọi thứ, và không muốn bắt đầu một cuộc chiến toàn diện, dù người phát ngôn của nước này nhiều lần nói rõ ràng mọi thứ sẽ không dừng lại ở đây.

Cũng có ý kiến ​​cho rằng việc Iran sẵn sàng nhận trách nhiệm về việc bắn hạ máy bay chở khách của Ukraine là một nỗ lực khác nhằm giảm căng thẳng với Mỹ. Đây cũng là một nhận định sai lầm.

img

Người Iran giơ biểu ngữ chống Mỹ khi đưa tang tướng Qassem Soleimani tại Tehran (Ảnh: AP)

Phản ứng tự nhiên của Iran ban đầu là từ chối bất kỳ sự liên quan đến vụ tai nạn. Chỉ đến khi Mỹ tuyên bố nguồn tin tình báo của nước này chứng minh điều ngược lại, chỉ khi các nhà điều tra Ukraine tìm thấy bằng chứng về một cuộc tấn công tên lửa và chỉ khi các nhà điều tra độc lập chứng minh tính xác thực của video quay lại cảnh chiếc máy bay bị bắn hạ, Iran có rất ít sự lựa chọn nào khác ngoài việc thừa nhận.

Thật vậy, khi đưa những máy ủi đến dọn dẹp đống đổ nát từ nơi xảy ra vụ tai nạn, rõ ràng Iran biết chính xác những gì vừa xảy ra. Nếu đó chỉ đơn thuần là một vụ tai nạn, thì không có lý do để chính quyền Tehran gây ảnh hưởng đến các mảnh vỡ tại hiện trường.

Chính quyền của nhà nước Hồi giáo này còn đau đầu với các vấn đề nội bộ. Chỉ vài tháng trước, một làn sóng phản đối tình trạng tham nhũng và nền kinh tế suy sụp đã bùng nổ. Những vấn đề trong nước mới khiến Iran trở nên thất thế, chứ không phải nước này thực sự muốn xuống thang với Mỹ.

2) Chính sách của Mỹ không thay đổi

Tại sao Mỹ lại sát hại tướng Soleimani và cố gắng ám sát một quan chức cấp cao khác của Iran ở Yemen? Để đưa ra lời giải thích mang tính pháp lý, nước này cho rằng hành động trên nhằm ngăn chặn một cuộc tấn công nghiêm trọng sắp xảy ra nhằm chống lại các lợi ích của Mỹ.

Lập luận này đã không thuyết phục được nhiều nhà phân tích hoặc những người chỉ trích Tổng thống Donald Trump.

Nhiều khả năng các cuộc tấn công là một nỗ lực để thiết lập lại một lằn ranh răn đe rõ ràng. Trong ngắn hạn, điều này có thể sẽ phát huy hiệu quả. Iran sẽ phải điều chỉnh các động thái trong tương lai của mình một cách cẩn trọng.

img

Mỹ vẫn đang tăng cường sự hiện diện quân đội của mình ở Trung Đông (Ảnh: AP)

Tuy nhiên, dù vẫn gửi lời đe dọa gây tàn phá đối với Iran, Tổng thống Donald Trump cũng đồng thời đánh tiếng muốn rời khỏi Trung Đông, vì ông chỉ coi đây là vấn đề của các nước trong khu vực. Điều này chắc chắn sẽ làm giảm trọng lực của bất kỳ thông điệp răn đe nào của Mỹ được gửi đi.

Mỹ vẫn sẽ tiếp tục làm tê liệt nền kinh tế Iran. Nhưng điều này sẽ không đưa Iran ngồi vào bàn đàm phán, mà chỉ thôi thúc Tehran tiếp tục tấn công bằng cách thực hiện một chiến dịch gây áp lực tối đa của riêng nước này.

Vì vậy, dù Mỹ muốn cắt giảm nguồn lực triển khai cho khu vực Trung Đông, nhưng đồng thời vẫn muốn tăng gấp đôi áp lực đối với Tehran, nước này khó có thể đạt được cả 2 mục đích trên.

3) Các mục tiêu chiến lược của Iran vẫn được bảo toàn

Dù nền kinh tế của Iran có thể đang ọp ẹp và nhiều công dân của họ có thể ngày càng trở nên bất mãn, nhưng bối cảnh cho một cuộc cách mạng dường như là điều không tưởng. Chế độ thần quyền tại Iran hiện tại vẫn khó có thể suy yếu. Các tổ chức vũ trang như Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) còn quá mạnh.

Mục tiêu chiến lược của Iran là đẩy lui Mỹ ra khỏi khu vực Trung Đông, ít nhất là tại Iraq, và điều này càng trở nên rõ ràng hơn so với trước thời điểm tướng Qassem Soleimani bị sát hại.

Ít nhất, từ quan điểm của chính quyền Iran, chính sách của nước này vẫn có một số thành công đáng chú ý, như bảo vệ được chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad ở Syria và cho phép mở ra một mặt trận mới để chống lại Israel. Điều này đã gây ảnh hưởng đáng kể đối với nước láng giềng Iraq.

Do những mâu thuẫn trong chính sách của Tổng thống Trump, các đồng minh của Mỹ trong khu vực đang cảm thấy ngày càng bị cô lập. Ả rập Saudi gần đây đã phải mở một số kênh cuộc đối thoại cấp thấp với Tehran, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ đang đi theo con đường riêng của mình và thiết lập mối quan hệ mới với Nga. Chỉ có chính phủ Israel dường vẫn nghĩ rằng vụ sát hại Soleimani thể hiện cam kết mới của Tổng thống Trump trong khu vực.

Họ có thể sẽ thất vọng.

Những bất đồng trong vấn đề ​​nội bộ và một nền kinh tế suy sụp chỉ càng thúc đẩy IRGC gia tăng áp lực lên Mỹ theo thời gian. Iran dù vừa phải chịu 2 cú đánh chí mạng, nhưng nước này vẫn có đủ khôn ngoan để thực hiện các hành vi trả đũa.

4) Mâu thuẫn trong vị thế của Iraq

img

Quốc hội Iraq trong tuần trước đã bỏ phiếu thông qua dự luật yêu cầu rút các binh sĩ ngoại quốc ra khỏi nước này (Ảnh: Getty)

Dấu hiệu chỉ ra lối thoát cho quân đội Mỹ ở Iraq giờ đây lại rõ ràng và sáng sủa hơn bao giờ hết.

Chính phủ lâm thời của Iraq đang gặp khủng hoảng khi phải hứng chịu làn sóng phản đối từ người dân. Nhiều người không hài lòng với cả sự hiện diện của Mỹ và ảnh hưởng của Iran tại quốc gia này.

Một cuộc bỏ phiếu không ràng buộc của Quốc hội Iraq đã đặt vấn đề rút quân Mỹ vào chương trình nghị sự. Để đáp trả, Tổng thống Trump đe dọa sẽ đóng băng các quỹ của chính phủ Iraq trong các ngân hàng Mỹ nếu họ buộc lính Mỹ phải rời đi.

Vấn đề ở đây là sự can dự của Mỹ vào tình hình tại Iraq. Khi các lực lượng của nước này và các đồng minh nhận nhiệm vụ truy quét các tay súng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Iraq, đây luôn được coi là một nhiệm vụ dài hơi. Kể cả khi IS bị tiêu diệt hoàn toàn, các ​​lực lượng Mỹ dự kiến vẫn sẽ còn ở lại trong nhiều năm nữa.

Nếu Mỹ rút quân, điều này không chỉ gây nguy cơ hồi sinh của IS, mà còn làm cho sự hiện diện của Mỹ ở phía đông Syria trở nên khó khăn hơn, vì phần lớn sự hỗ trợ cho các lực lượng Mỹ tại khu vực này đến từ các căn cứ tại Iraq. Cuộc tranh luận về sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Trung Đông dù mới chỉ bắt đầu, nhưng nếu Mỹ thua, Iran sẽ là nước giành phần thắng.

5) Thỏa thuận hạt nhân đang gặp rắc rối thực sự

Nguồn gốc của cuộc khủng hoảng mới nhất này bắt đầu từ tháng 5.2018, khi chính quyền Tổng thống Trump đơn phương từ bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran.

Kể từ đó, Mỹ đã áp dụng tối đa áp lực lên nền kinh tế của Iran, và nước này đã theo đuổi một chiến dịch gây áp lực lên khu vực của riêng mình bằng việc né tránh các chế tài trong thỏa thuận hạt nhân bằng nhiều cách khác nhau.

Thỏa thuận này rất quan trọng, vì trước đó, nguy cơ chiến tranh trở nên hiện hữu hơn khi Israel được cho là sẽ tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran.

Iran sẽ cố gắng giữ các bên ký kết khác ở lại thỏa thuận càng lâu càng tốt. Nhưng đây là một cuộc khủng hoảng mang tính dây chuyền. Bất chấp những nỗ lực của châu Âu, dường như không còn cách nào khác để giảm bớt áp lực kinh tế đối với Tehran. Cuối cùng, thỏa thuận có thể sụp đổ và trong thời gian đó, Iran có thể tiến gần hơn đến việc chế tạo thành công bom hạt nhân

Nhưng dù bất cứ điều gì xảy ra với thỏa thuận này, BBC nhận định các chính sách của Tổng thống Trump sẽ càng kéo Mỹ trở lại Trung Đông bất chấp việc giới chức an ninh Mỹ đang cố gắng tránh xa khu vực này.

Binh sĩ Mỹ kể khoảnh khắc bị Iran nã ”mưa tên lửa”: Tôi đã 100% sẵn sàng để chết

Akeem Ferguson là một trong số các binh sĩ Mỹ trốn trong căn hầm từ thời Saddam Hussein khi nhận được thông tin lạnh người....

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem