Những tiếng khóc uất nghẹn dưới mái nhà: Tổ chức các hoạt động nhóm để hỗ trợ nhau

Diệu Linh (thực hiện) Thứ tư, ngày 26/11/2014 08:32 AM (GMT+7)
“Với mỗi phụ nữ bị bạo lực gia đình (BLGĐ), chúng tôi tư vấn tâm lý, tổ chức các hoạt động nhóm để hỗ trợ nhau, cung cấp kiến thức để phòng tránh, tổ chức dạy nghề…” - bà Phạm Hương Giang (ảnh) - Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và phát triển thuộc T.Ư Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, cho biết. 
Bình luận 0

Tổ chức trợ giúp hàng trăm phụ nữ đến tạm trú và tư vấn cho hàng nghìn người bị BLGĐ thông qua Ngôi nhà bình yên (thuộc Trung tâm Phụ nữ và phát triển), bà nhận định thế nào về tình hình BLGĐ hiện nay?

- Ngôi nhà bình yên đã đón tiếp gần 385 phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, tư vấn trực tiếp và qua điện thoại cho gần 5.000 lượt người, trong đó hơn 80% là về BLGĐ. Có đến 71% chị em bị cả 3 hình thức bạo lực (thể chất, tinh thần, kinh tế), 89% chị em đã kết hôn. Điều này cho thấy một nghịch lý rất đáng buồn, một mặt môi trường hôn nhân hợp pháp bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ nhưng đồng thời lại chính là “gông cùm” kéo theo nhiều ràng buộc khiến phụ nữ cố gắng nín nhịn, chịu đựng, phải gánh chịu cùng lúc nhiều loại bạo lực và kéo dài trong nhiều năm.

img

Bà Phạm Hương Giang - Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và phát triển thuộc T.Ư Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Một nghịch lý khó tin nữa là những phụ nữ thu nhập cao, quan hệ rộng lại hay bị chồng đánh để “chứng minh sức mạnh đàn ông” vì cảm thấy tự ti khi thua kém vợ. Với trẻ em trong các gia đình có bạo lực thì chịu tác động rất xấu, tạo hiệu ứng “Boomerang” - bạo lực sinh bạo lực – khiến nhiều em trở nên hung tợn, dữ dằn và thường giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực, đánh đập các bạn khác…

 

Ngôi nhà bình yên đã làm gì để trợ giúp những phụ nữ đến tạm trú?

img

Nam sinh viên Trường Đại học Bách khoa (Hà Nội) ký cam kết “Nói không với bạo lực gia đình”. Ảnh: Tuấn Kiệt

- Chúng tôi cung cấp nơi ăn chốn ở an toàn cho chị em, khám sức khỏe, trợ giúp pháp lý cho họ... Sau đó tư vấn tâm lý, tổ chức các hoạt động nhóm để hỗ trợ nhau, cung cấp kiến thức để phòng tránh BLGĐ, tổ chức dạy nghề… Để “xử lý” những người gây bạo lực, chúng tôi cũng liên hệ với chính quyền địa phương để họ có các tác động cảnh cáo hoặc xử phạt tùy mức gây BLGĐ. Hết thời hạn 3 tháng, sau khi chị em hồi gia, chúng tôi cũng sẽ sát sao theo dõi trong vòng 24 tháng để bạo lực không tái diễn.

 

Liệu BLGĐ có hoàn toàn chấm dứt sau những sự trợ giúp này không, thưa bà?

- BLGĐ là vấn đề từ nhận thức nên không thể chắc chắn ngay lập tức chấm dứt được bạo lực. Nhưng chị em có kiến thức để bảo vệ mình, người gây bạo lực cũng được tư vấn, được giám sát và nhắc nhở thường xuyên thì sẽ dần dần hạn chế được bạo lực. Hội phụ nữ các cấp cũng có chương trình đào tạo nghề, vay vốn, tạo việc làm cho những phụ nữ khó khăn, trong đó có người bị BLGĐ.

Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là chỉ có 49,4% người tạm lánh làm nghề tự do, thu nhập không ổn định. Còn lại rất nhiều chị em đã có công việc ổn định, kinh tế gia đình tương đối ổn thỏa nhưng vẫn bị BLGĐ. Vì thế, ngoài tạo vốn, tạo việc làm thì công tác giám sát để phòng tránh BLGĐ ở địa phương là rất quan trọng. Hội phụ nữ địa phương có vai trò tích cực trong việc theo dõi sát sao, nắm vững nội tình trong gia đình của chị em để kịp thời phát hiện các trường hợp bị BLGĐ cho dù chị em còn e ngại, sợ hãi chưa dám chia sẻ, tố cáo hành vi BLGĐ. Khi bạo lực vừa xảy ra ở mức độ nhẹ, nếu những người gây BLGĐ được nhắc nhở, cảnh báo và được giúp đỡ cách để xử lý mâu thuẫn gia đình mà không gây BLGĐ thì họ sẽ có chuyển biến tốt. Điều này tốt hơn là các chế tài xử phạt khi có BLGĐ lớn xảy ra. Vì lúc đó, sức khỏe, thậm chí tính mạng phụ nữ và trẻ em bị đe dọa, kinh tế gia đình bị ảnh hưởng, gia đình dễ tan vỡ.

Ngôi nhà bình yên chỉ có thể đón tiếp được chị em ở gần Hà Nội, vậy còn ở các địa phương thì trợ giúp thế nào?

- Hiện có khoảng 20.000 nhà tạm lánh được xây dựng ở các địa phương để kịp thời giúp đỡ chị em bị bạo lực tại cơ sở. Tuy nhiên, mô hình này hoạt động còn chưa hiệu quả. Nguyên nhân là vì chị em không muốn đến vì mặc cảm tâm lý, xấu hổ với họ hàng, làng xã, không muốn bị coi là nạn nhân, là người được trợ giúp.

Mặt khác, nhiều người cho rằng BLGĐ là do phụ nữ cư xử chưa khéo, chưa biết cách làm vui lòng chồng, cho rằng việc gia đình nên “đóng cửa bảo nhau”, vợ nên phục tùng, chồng có đánh vài cái cũng không sao, chỉ cần hòa giải “rút kinh nghiệm”... Các cách hỗ trợ xuê xoa, cầu hòa như vậy khiến người gây BLGĐ không sợ, “nhờn thuốc” còn chị em cảm thấy không được giúp đỡ, thậm chí sau đó còn bị chồng đánh nặng hơn vì dám “bôi xấu” chồng.

Cho dù trong Luật Phòng chống BLGĐ đã quy định rõ trách nhiệm của chính quyền các cấp trong việc phòng chống BLGĐ, vận hành nhà tạm lánh, tuy nhiên hoạt động hiệu quả hay không lại phải trông chờ vào sự quan tâm của lãnh đạo địa phương. Nơi nào lãnh đạo quan tâm, nghiêm túc thì hoạt động phòng chống BLGĐ có hiệu quả, nơi nào coi là “việc nhỏ”, “việc riêng”, thì BLGĐ sẽ tiếp tục xảy ra. Gia đình muốn bình yên không chỉ dựa vào phụ nữ hay hội phụ nữ.

Xin cảm ơn bà!

Bà Phạm Hương Giang cho biết, có tới 83% người gây BLGĐ (của 385 người tạm trú tại Ngôi nhà bình yên) mắc tệ nạn xã hội, như nghiện rượu, cờ bạc, ma túy, hoặc có vấn đề về sức khỏe tinh thần (phần lớn do sử dụng ma túy quá liều), 32% do ghen tuông... Cũng có tới 32% người gây BLGĐ từ 20-30 tuổi, để xảy ra BLGĐ do vợ chồng thiếu kỹ năng trong xử lý xung đột. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem