Những vị vua nghèo “hô gió, gọi mưa”

Trần Hiền Thứ năm, ngày 18/02/2021 07:00 AM (GMT+7)
Vua ở đây không phải là “vua, chúa” như chúng ta thường nghĩ. Quyền lực của những ông Vua Lửa này chỉ được thể hiện trong lễ hội cầu mưa. Ngoài ra, những ông vua này cũng lên nương làm rẫy và cũng rất… nghèo.
Bình luận 0

Những ông vua nghèo

Nằm cách trung tâm TP.Pleiku (Gia Lai) khoảng 60km, qua những cung đường đèo ngoằn ngoèo chúng ta có thể thấy một thung lũng xanh tươi lọt thỏm giữa bốn bề núi đá. Thung lũng này có cái tên khá lạ, thung lũng Ayun Pa. Nơi đó có làng Plơi Ơi (làng Vua Lửa, xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, Gia Lai). Ngọn núi Chư Tao Yang nhỏ bé nằm lặng lẽ bên bờ sông Ayun Pa chính là nơi cất giấu gươm thần và cũng là nơi lưu giữ thông tin về 14 đời vua "không ngai". Sở dĩ gọi như vậy, bởi lẽ trừ lễ hội cầu mưa thì các ông vua này không có quyền lực gì, cũng như những người dân bình thường khác, cũng đi làm rẫy…

Chúng tôi đến căn nhà sàn, nơi ở của ông Rơ Lan Hieo vào những ngày trời se lạnh, ngôi nhà chỉ có người già sau khi làm lễ cúng mới dám lên, còn đàn bà con gái và trẻ nhỏ đều phải tránh xa. Ông Hieo năm này ngoài 60, dù chưa trải qua nghi lễ phong vương nhưng với cộng đồng Jrai ở Plei Ơi, ông đã là thế thân của Vua Lửa. Rơ Lan Hieo là phụ tá của Vua Lửa Siu Luynh.

tannien/Những vị vua nghèo “hô gió, gọi mưa” - Ảnh 1.

Rơ Lan Hieo cùng Siu Phơr thực hiện lễ cúng cầu mưa cho dân làng. Ảnh: P.V

Vừa châm tẩu thuốc của các vị vua để lại, ông Rơ Lan Hieo vừa kể: "Khi các vị vua làm lễ cúng sẽ khoác một bộ trang phục là chiếc áo thổ cẩm có viền đỏ, trước ngực có hoa văn màu đỏ-trắng. Chiếc khố đi kèm có cùng chất liệu thổ cẩm và cũng có viền đỏ-trắng. Thường chỉ khi có việc như hội làng, tế lễ cầu mưa hoặc những sự kiện trọng đại thì Vua Lửa mới ăn mặc như vậy. Còn thường ngày, các vị vua cũng ăn mặc như dân làng bình thường. Cứ mỗi lần Vua Lửa thực hiện lễ cúng vừa dứt thì mây đen ùn ùn kéo đến, sấm chớp đùng đùng rồi mưa như trút nước, giải cơn khát để dân làng được mùa màng tốt tươi. Nếu mưa to quá, sấm sét dữ dội quá thì Vua Lửa lại cúng xin cho ngớt mưa để không gây ngập úng, lũ lụt…".

Theo tìm hiểu từ phụ tá của những vị Vua Lửa, có 14 đời vua gồm: Ksor Chlơi, Rơchom Tơrul, Rơchom Anur, Siu Bôm, Siu Djua, Siu Nhong, Siu Blong, Siu Blet, Siu Ji, Siu Y, Siu At, Siu Tú, Siu Nhót, Siu Luynh. Người đặt nền móng cho sự hình thành Vua Lửa phải kể đến vị vua thứ 6 là Siu Nhong. Một hôm trời đang nắng, dân làng bảo nếu Siu Nhoong gõ vào nước mà có mưa, dân làng không đau ốm thì ông là người có thần, có tài, dân làng sẽ cùng góp rượu, góp trâu để cùng tế lễ và cử ông làm vua. Kỳ lạ thay, khi Siu Nhoong đánh 7 lần vào nước thì 7 ngày 7 đêm sau đó mây đen ùn ùn kéo đến che kín bầu trời. Từ đó, Siu Nhoong chính thức trở thành Vua Lửa. Một vị Vua Lửa khác đã làm rạng danh cho cộng đồng dân tộc Tây Nguyên, là Siu At - người kiên quyết chống sự thống trị của thực dân Pháp.

Năm 2015, Bộ VHTTDL đã chính thức công nhận lễ cúng cầu mưa của người Jrai là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Lễ hội cầu mưa với ý nghĩa cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Đây là một lễ hội truyền thống, chúng ta đang bảo tồn, giữ gìn, phát huy và năm 2021 huyện sẽ tổ chức thành lễ hội cấp huyện".

Rời căn nhà sàn của Rơ Lan Hieo, chúng tôi tiếp tục hành trình tìm đến nơi ở của Siu Phơr, người đã từng nói chuyện với 2 vị Vua Lửa là Siu Tú và Siu Nhót. Siu Phơr hiện đang được dân làng đưa lên làm Vua Lửa, nhưng Siu Phơr vẫn chưa dám gánh vác trách nhiệm này. Ngồi trong căn nhà, nơi cúng tế Vua Lửa trong Khu di tích lịch sử Plei Ơi, Siu Phơr trầm ngâm nhớ lại: "14 đời Vua Lửa đều mang họ Siu, trong những đời Vua Lửa thì mình mới tiếp xúc được với 2 vị là Siu Tú và Siu Nhót. Hai vị Vua Lửa này rất giản dị, ngoài việc cúng tế thì người cũng như dân làng, đều đi làm rẫy và vẫn nghèo lắm".

Gươm thần - báu vật của làng

Tương truyền những vị Vua Lửa cùng với quyền năng của gươm thần - là báu vật của làng Plei Ơi có sức mạnh phi thường, có thể liên hệ với thần linh để hô mưa gọi gió, điều khiển thời tiết cho mùa màng tốt tươi, dân làng no ấm. Các Vua Lửa còn liên kết với tộc trưởng các vùng và cùng nhân dân chống lại các thế lực ngoại xâm để bảo vệ bình yên cho buôn làng.

Nói về báu vật gươm thần có khả năng hô mưa gọi gió, trước kia được cất giấu trên Chư Tao Yang, sau đó vì lý do an toàn thanh gươm đã được dân làng chuyển về phía sau nhà Vua Lửa Siu Luynh. Vào năm 2014, được sự đồng thuận của dân làng Plei Ơi, thanh gươm đã được chuyển về nhà giấu gươm tại di tích Plei Ơi theo đúng nghi lễ truyền thống với vật hiến sinh là 1 con trâu, 1 con lợn, 1 con gà và 1 ghè rượu do ông Ralan Hiao thực hiện.

Thanh gươm thần của làng Plei Ơi thì ai cũng biết đến, tuy nhiên người nắm rõ ngọn ngành từ khi còn là một thanh sắt không phải ai cũng biết tường tận như Siu Phơr. "Trước đó, thanh gươm này cũng chỉ là một thanh sắt bình thường nhưng khi vừa rèn vừa nhúng xuống dòng nước thì ngay lập tức dòng suối cạn khô. Còn lưỡi gươm thì vẫn đỏ rực, nóng bỏng. Cho đến khi những giọt máu vô tình nhỏ xuống thì thanh gươm mới nguội lại. Vì sợ nên người rèn gươm vứt xuống con sông Ayun. Nhiều năm sau, người dân làng mò được thanh gươm và gọi đó là gươm thần. Mỗi năm 1 lần, sau khi sửa soạn lễ vật cúng Vua Lửa sẽ đi thăm gươm thần. Các vị Vua Lửa và mọi người đều tin rằng, nhờ có báu vật này mà quanh năm mưa thuận gió hòa, cây cối xanh tốt…"- Siu Phơr cho hay.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Trần Hưng - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Phú Thiện cho biết: "Ngay từ khi có quyết định của Trung ương về việc công nhận Plei Ơi là Khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, huyện đã từng bước đầu tư các công trình, hạng mục nhà dài để lưu trữ và nhà cất gươm của Vua Lửa. Hiện tại, chúng tôi đang phục dựng những câu chuyện, hoạt động liên quan đến Vua Lửa, các lễ cúng… bằng các đồ vật được bố trí ngay tại nhà dài. Toàn bộ thông tin về 14 đời Vua Lửa, tranh ảnh cũng được lữu giữ tại đây. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem