Ngày 14/10/1987, cô bé 18 tháng tuổi Jessica McClure Morales rơi xuống một chiếc giếng tại sân sau nhà người thân ở thành phố Midland, bang Texas, Mỹ. Trong 56 tiếng sau đó, lực lượng cứu hộ đã chạy đua với thời gian để giải cứu cô bé khỏi miệng giếng rộng 20 cm, sâu gần 7 m.
Câu chuyện đã thu hút quan tâm trên toàn thế giới và trở thành đề tài cho bộ phim truyền hình do kênh ABC phát hành năm 1989 mang tên Em bé của tất cả mọi người: Cuộc giải cứu Jessica McClure.
Kế hoạch mà đội cứu hộ vạch ra giống như phương án của hầu hết các cuộc giải cứu người mắc kẹt dưới giếng khác. Họ sẽ khoan một lỗ song song với cái giếng nơi Jessica rơi xuống, rồi đào một đường hầm ngang dẫn tới vị trí của cô bé.
Một kỹ sư khai khoáng được điều đến giúp giám sát và điều phối nỗ lực cứu hộ. Nhà chức trách đã dùng đến công nghệ cắt phá bằng tia nước, tương đối mới vào thời điểm đó, để cắt xuyên qua đá.
45 tiếng sau khi Jessica gặp nạn, hố liền kề và đường hầm ngang đã hoàn thành. Trong quá trình khoan, lực lượng cứu hộ có thể nghe thấy Jessica ngân nga bài hát "Winnie the Pooh".
Thử thách với lực lượng cứu hộ lúc này là tìm một người phù hợp để thả xuống miệng hố khoan mới và tìm cách tiếp cận Jessica. Ban đầu, một tình nguyện viên tên là Ron Short xung phong đi xuống hố. Anh sinh ra đã không có xương quai xanh và có thể thu gọn cơ thể lại để xoay trở trong không gian chật hẹp.
Nhóm cứu hộ đã cân nhắc lời đề nghị của anh, nhưng cuối cùng đã chọn lính cứu hỏa Robert O'Donnell thực hiện nhiệm vụ. O'Donnell có hình thể nhỏ con và đôi tay dài, giúp anh dễ xoay trở trong không gian hẹp.
Khi được thả xuống hố, O'Donnell nằm ngửa, tìm cách trườn qua đường hầm ngang chật hẹp, rồi nhìn lên và thấy Jessica mắc kẹt ngay phía trên. Sử dụng chân đỡ máy ảnh của một phóng viên, O'Donnell tìm cách kéo Jessica xuống đáy hố. Sau hơn một giờ vật lộn, O'Donnell cuối cùng giải cứu thành công Jessica và đưa em lên mặt đất vào ngày 16/10/1987.
Các bác sĩ khi đó lo sợ rằng họ sẽ phải cắt bỏ bàn chân của cô bé vì chân em bị mắc kẹt suốt 58 tiếng trong tư thế gác qua đầu, khiến máu không thể lưu thông. Họ quyết định thử liệu pháp cao áp nhằm tránh phải cắt cụt chi hoàn toàn. Cuối cùng, bác sĩ phẫu thuật chỉ phải cắt bỏ một ngón chân do hoại tử.
Jessica mang một vết sẹo trên trán do đầu em cọ vào thành giếng. Dù vậy, cô bé không có bất kỳ ký ức nào về vụ tai nạn.
Gần đây hơn, tại Ấn Độ, Rahul Sahu, cậu bé 10 tuổi bị khiếm thính, rơi xuống hố khoan sâu 24 m trong lúc chơi gần nhà ở làng Pihrid, huyện Janjgir-Champa, bang Chhattisgarh, vào ngày 10/6/2022.
Giới chức Ấn Độ đã huy động hơn 500 người từ Lực lượng Phản ứng Thảm họa Quốc gia, lực lượng cứu hộ bang và quân đội để giải cứu cậu bé. Chiến dịch cứu hộ gặp nhiều khó khăn vì thời tiết xấu, địa hình nhiều đá và sự xuất hiện của những loài rắn độc và bọ cạp tại hiện trường.
Sahu duy trì sự sống trong thời gian mắc kẹt nhờ nguồn oxy truyền từ mặt đất, cùng những quả chuối được các nhân viên cứu hộ đưa xuống.
Lực lượng cứu hộ sử dụng máy xúc và robot để khoan lỗ sâu 21 m song song với hố khoan mà Sahu mắc kẹt, sau đó đào đường hầm dài gần 5 m để tiếp cận vị trí cậu bé. Nỗ lực giải cứu kết thúc sau 104 giờ, cậu bé được đưa lên mặt đất rạng sáng 14/6 trong tình trạng tỉnh táo, khiến nhiều người hò reo ăn mừng.
Nhưng không phải nỗ lực cứu hộ nào cũng thành công. Rayan Aourram, 5 tuổi, rơi xuống giếng ở ngôi làng Ighra thuộc tỉnh Chefchaouen, phía bắc Morocco, ngày 1/2/2022. Gia đình phát hiện bé bị mắc kẹt sau khi nghe tiếng nức nở và Rayan liên tục gào khóc "hãy cứu con lên với".
Miệng giếng chỉ rộng 45 cm, khiến nhân viên cứu hộ không thể chui xuống giải cứu cậu bé. Nỗ lực khoét rộng miệng giếng quá rủi ro do khu vực này chủ yếu là đất pha cát, lẫn nhiều đá, gây nguy cơ sạt lở cao, nên cơ quan chức năng quyết định sử dụng 5 máy xúc đào dọc sườn đồi song song với giếng để tìm cách cứu cậu bé.
Có nhiều lý do để mọi người tin vào phép màu trong suốt quá trình giải cứu. Ngày 3/2, camera được lực lượng cứu hộ hạ xuống giếng cho thấy Rayan đang cử động yếu ớt. Lực lượng cứu hộ cũng chuyển oxy và nước cho bé.
Sau 4 ngày 5 đêm làm việc cật lực với mọi biện pháp can thiệp, lực lượng cứu hộ tiếp cận được Rayan dưới giếng sâu 32 m, nhưng em đã tử vong. Hàng nghìn lời chia buồn đã được gửi đến gia đình Ryan sau khi nỗ lực giải cứu em gặp thất bại.
Quốc vương Morocco Mohammed VI đã gọi điện thoại cho cha mẹ Rayan để bày tỏ niềm tiếc thương. "Tôi muốn nói với gia đình bé Rayan và người dân Morocco rằng chúng tôi chia sẻ nỗi đau với các bạn", Tổng thống Pháp Emmanuel Macron viết trên Facebook.
Hồi tháng 1/2019, cuộc giải cứu bé trai Julen Rosello, hai tuổi, tại thành phố Totalan, tỉnh Malaga, miền nam Tây Ban Nha, cũng gây chú ý trên khắp nước này.
Rosello biến mất vào ngày 13/1 trong lúc chơi đùa tại nhà một người thân. Lúc bấy giờ, Vicky, mẹ em, đang gọi điện cho nhà hàng burger nơi cô làm việc để xin nghỉ làm, còn Jose, che em, đang chuẩn bị thức ăn và nhặt củi.
Họ sau đó phát hiện Rosello rơi xuống một chiếc hố sâu 107 m, đường kính khoảng 25 đến 30 cm. Một doanh nhân muốn tìm kiếm nước ngầm trong khu vực đã khoan cái hố từ tháng 12/2018, song không được chính quyền cho phép.
Khi con rơi xuống hố, Jose ban đầu nghe thấy tiếng cậu bé khóc nhưng không lâu sau, anh không còn thấy bất kỳ phản ứng nào từ dưới hố. Những người qua đường gần đó nghe thấy tiếng la hét của họ và nhanh chóng gọi trợ giúp.
Một chiến dịch giải cứu lập tức được thực hiện, thu hút hơn 100 lính cứu hỏa, cảnh sát và chuyên gia tham gia.
Nền đất quanh khu vực nơi Rosello rơi xuống rất không ổn định và các chuyên gia xác định rằng bất kỳ hoạt động nào cũng phải được thực hiện hết sức cẩn thận để tránh sạt lở. Nỗ lực ban đầu để tiếp cận Rosello không thành công, do chiếc hố bị đá chắn ngang một phần ở độ sâu 71 m.
Nhà chức trách đưa một máy khoan cọc 75 tấn cùng với các máy móc hạng nặng khác đến hiện trường để đào song song với chiếc hố mà Rosello đang mắc kẹt. Họ cũng phải sử dụng cả thuốc nổ do không thể đào qua được địa hình nhiều đá.
Thời gian giải cứu ngày một kéo dài khiến người thân và tất cả những người theo dõi vô cùng nôn nóng, đau buồn.
Chính quyền Tây Ban Nha đã nhận được đề nghị hợp tác tìm kiếm từ hàng chục đơn vị quốc tế, trong đó có công ty Thụy Điển Stockholm Precision Tools AB, đơn vị đã tham gia giải cứu 33 thợ mỏ bị mắc kẹt trong 69 ngày ở miền bắc Chile vào năm 2010.
Một giờ sáng ngày 26/1, lực lượng cứu hộ tiếp cận được Rosello nhưng không thể cứu sống em. Khám nghiệm tử thi cho thấy cậu bé bị "chấn thương nặng ở đầu" sau cú ngã và qua đời ngay lập tức.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.