Những vũ khí giả của Liên Xô từng khiến phương Tây "sập bẫy"
Những vũ khí giả của Liên Xô từng khiến phương Tây "sập bẫy"
Thứ bảy, ngày 02/01/2021 06:30 AM (GMT+7)
Trong cuộc chạy đua vũ trang vào những năm 1960, hai siêu cường Mỹ và Nga đã phải dùng mọi cách để “hù dọa” nhau, tuy nhiên, vào thời điểm đó, ít ai biết, bằng vũ khí “giả”, Liên Xô cũng “ra đòn” rất lão luyện.
Trên Quảng trường Đỏ, năm 1965, các tên lửa khổng lồ với đầu đạn hạt nhân từ từ đi qua trước các khán giả, bao gồm cả các đại sứ nước ngoài. Chỉ riêng kích thước khủng của chúng cũng đủ để gây sự sợ hãi đối với người Xô viết và những người nước ngoài tham dự. Trên đài phát thanh của Liên Xô, sau đó, các nhà bình luận đọc một bài phát biểu được chuẩn bị trước: “Cuộc biểu dương sức mạnh quân sự được kết thúc bằng các tên lửa phòng thủ khổng lồ. Việc bảo trì của chúng được thực hiện hoàn toàn tự động và không có giới hạn cho những gì những tên lửa này có thể làm…”.
Đây chắc chắn là một thắng lợi khác của công nghệ quân sự Liên Xô, ít nhất là ở cách thể hiện. Các loại vũ khí khổng lồ với tên lửa đạn đạo có thể vươn tới bất cứ đâu, "vũ khí răn đe hạt nhân từ không gian" - ngay khi các vũ khí này được đưa vào Quảng trường Đỏ, chúng đã xuất hiện trên các tiêu đề báo chí quốc tế. Ít người biết rằng, không có loại vũ khí như vậy vào ngày hôm đó mà chỉ toàn là đồ giả.
Tại sao Liên Xô cần những vũ khí giả?
Sau khi Liên Xô tan rã, câu hỏi này đã được ông Vladimir Semichastny - Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB) trả lời. “Tên lửa đã khơi dậy mối quan tâm lớn trong những năm 1960. Bề ngoài của chúng khiến mọi người đều dán mắt vào, trầm trồ, nín thở…”, Semichastny viết trong cuốn hồi ký “Lực lượng đặc biệt của Liên Xô trong cuộc chiến bí mật” của mình.
“Thường xuyên, khoảng một, hai hoặc ba lần mỗi năm, chúng tôi tuyên bố chính thức đã làm chủ một số công nghệ tên lửa mới. Sau những thông báo đó, chúng tôi trình diễn chúng trên Quảng trường Đỏ, trong các cuộc duyệt binh. Chỉ có một số rất ít người dân nhận ra được số tên lửa mới này chỉ đơn giản là “hàng giả”, chúng hoàn toàn không có khả năng bay. Các mô hình được kéo bởi máy kéo không phải là tên lửa - chúng chỉ là bản sao”, ông thú nhận.
Về lý do tại sao các “hàng giả” lại cần thiết, Semichastny giải thích rằng các cơ quan tình báo phương Tây không thể dễ dàng đánh giá được tiềm năng của quân đội Liên Xô vào thời đó, vì đó là một bí mật được bảo vệ nghiêm ngặt. Tất cả những vũ khí uy lực nhất đều được bảo quản trong các nhà chứa máy bay dưới lòng đất và không một vệ tinh do thám nào có thể trinh sát được. Không ai biết đó là những vũ khí gì và số lượng là bao nhiêu.
Cách duy nhất để “mục sở thị” chúng là tại các cuộc duyệt binh ngày 1/5, ngày 7/11 - Ngày Cách mạng Tháng Mười vĩ đại, khi quảng trường chính của đất nước chứng kiến những gì mới nhất và tốt nhất mà tổ hợp công nghiệp-quân sự Liên Xô đã cung cấp (cuộc diễu hành quân sự ngày 9/5 sẽ chỉ được tổ chức vào những năm chẵn). Các vũ khí trình diễn trước “tai mắt” Phương Tây được lựa chọn và thực hiện khi chắc rằng họ không thể làm gì để xác minh điều gì đang thực sự diễn ra.
Chiến dịch thông tin sai lệch hàng loạt
Mọi việc đều được lên kịch bản đến từng chi tiết nhỏ nhất. Bản thân chiến dịch do đích thân Bí thư thứ Nhất Khruschev chỉ đạo. Một phần của buổi biểu diễn là bài phát biểu sắc lạnh của ông vào năm 1962, tại Cung điện Kremlin, công bố về GR-1 - "tên lửa toàn cầu". Khái niệm tên lửa toàn cầu thực sự lấy ý tưởng từ Mỹ, phiên bản chưa bao giờ thành hiện thực, bởi nó không thực sự cần thiết, do với các quốc gia NATO gần Liên Xô, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tầm ngắn hơn hẳn là đã đủ tốt.
Tuy nhiên, Liên Xô không có lợi thế ở đó và quyết định phát triển phương tiện đưa một đầu đạn hạt nhân lên quỹ đạo với khả năng tấn công theo ý muốn bất kỳ mục tiêu nào trên Trái Đất, bất kể bao xa. “Tên lửa toàn cầu khiến mọi biện pháp răn đe khác trở nên lỗi thời. Các tên lửa toàn cầu không thể được phát hiện kịp thời để thực hiện bất kỳ biện pháp ngăn chặn nào”, ông Khruschev sau đó nói về GR-1 như thể dự án đã thành công.
Trên thực tế, vị quan chức này đã không nói sự thật, vì tại thời điểm phát biểu, văn phòng thiết kế thậm chí còn chưa chuẩn bị một đề xuất nghiên cứu nào. Điều đó không ngăn cản bài phát biểu đạt được hiệu quả cần thiết, với việc tình báo nước ngoài bắt đầu nghiêm túc tìm kiếm thông tin về GR-1, đặt cho nó mật danh “SS-X-10 Scrag”. Khi nguyên mẫu hoạt động được cho là đã được tung ra Quảng trường Đỏ vào năm 1965, người Mỹ không còn nghi ngờ gì việc Liên Xô đã làm được điều đó.
Bên cạnh đó, bất kỳ sự bí hiểm nào cũng luôn được ngụy tạo như một vở kịch nhiều cảnh. Sau cuộc diễu hành, bản sao sẽ được đưa đến một trong những ga xe lửa của Moscow, nơi có các nhân viên đại sứ quán nước ngoài theo dõi, săn tin, để phán đoán vũ khí mới sẽ đi về hướng nào, tức là nó được dùng để "củng cố" phần nào đất nước. Ga xe lửa Kievsky có nghĩa là vũ khí có thể được điều về các căn cứ ở phía Đông.
“Nghe các cuộc trò chuyện qua điện thoại giữa các tùy viên quân sự và tìm hiểu về bất kỳ chuyến công tác dự kiến nào của họ để theo sát hành tung tên lửa, chúng tôi có thể xác định được kế hoạch của mình đã thành công như thế nào. Bằng cách này, các đặc vụ nước ngoài cho chúng tôi biết điều gì hiệu quả và không hiệu quả”, Semichastny viết.
Những dự án không bao giờ thành hiện thực
Tên lửa toàn cầu chỉ là một ví dụ về chiến dịch đánh lừa của Liên Xô. Câu chuyện tương tự cũng liên quan đến tên lửa RT-15 và RT-20. Vũ khí tự hành mang một tên lửa 18m đã tạo cho người ta nỗi sợ hãi chỉ bằng vẻ ngoài của nó. Nhưng nó đã thất bại trong các cuộc thử nghiệm và không bao giờ được đưa vào kho vũ khí.
Pháo hạng nặng tự hành 2B1 - “Oka” cũng tương tự. Pháo xe kéo khổng lồ có tầm bắn gần 50km, nhưng độ giật quá mạnh đã làm vô hiệu hóa động cơ và hộp số; bản thân xích không thể chịu được trọng lượng và phải được thay cứ sau mỗi 20km. Do những thiếu sót này, cối hạt nhân hầu như không thể kiểm chứng được. Tháng 5/1961, chỉ có sáu hệ thống pháo khủng này được trình diễn trên Quảng trường Đỏ, sau đó bị tháo rời lặng lẽ vào tháng 7 cùng năm.
Trong cuộc duyệt binh năm 1954, máy bay ném bom M-4 đã được giới thiệu với thế giới, được cho là có khả năng mang vũ khí hạt nhân và sở hữu khung gầm đặc biệt, cho phép cất cánh từ băng ở quận Chukotka – sát nách Mỹ. Tuy nhiên, do có nhiều điểm hạn chế, chiếc máy bay đã được chuyển đổi để làm máy bay tiếp nhiên liệu.
Đối với GR-1, đã có sự chậm trễ trong quá trình sản xuất động cơ và một loạt lỗi không thể khắc phụ được để có thể phóng. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, các “vố” lừa đã thành công khi điều này được chứng tỏ qua việc Washington đồng ý ký Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPNW). Sứ mệnh của GR-1 đã hoàn thành và dự án cũng kết thúc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.