Những vụ kiện hy hữu làm khó tòa

Thứ năm, ngày 04/06/2015 09:15 AM (GMT+7)
Người tình của ông Thưởng đồng ý đưa 50 triệu đồng cho vợ ông này để được "chung chồng". Giao kèo có một không hai này được lập biên bản và là căn cứ để "người thứ 3" đi kiện đòi lại tiền khi ông Thưởng không còn mặn nồng.
Bình luận 0
Vụ tranh chấp 50 triệu đồng tiền phí "chung chồng" dù xảy ra đã hơn hai năm nhưng TAND huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang vẫn chưa giải quyết xong do các đương sự không tìm được tiếng nói chung.  

Theo nội dung vụ kiện, ông Thưởng và bà Nhi là vợ chồng, có ba con chung. Năm 2010, ông Thưởng nhận thầu xây nhà cho bà góa phụ Hiên, ngụ cùng xã. Trong thời gian này, hai người nảy sinh tình cảm nên sau khi xây xong nhà, ông Thưởng vẫn thường xuyên qua lại với bà Hiên.

Biết được sự việc, bà Nhi nhiều lần đến đánh ghen, yêu cầu chồng và người tình chấm dứt mối quan hệ. Dù vợ ra "lệnh cấm", ông Thưởng thỉnh thoảng vẫn bất tuân. Bà Hiên sau đó được cho là đến gặp bà Nhi thương lượng, nếu để ông Thưởng qua chung sống với mình thì sẽ giao 50 triệu đồng.

img
Giấy thỏa thuận giữa các đương sự về việc "nhượng chồng".
Ngày 24.5.2010, cả ba người sau đó cùng ký bản thỏa thuận với nội dung bà Nhi đồng ý cho chồng sống chung với bà Hiên. Khoản 50 triệu đồng đưa cho bà Nhi gọi là "tiền vay". “Nay chúng tôi làm tờ thỏa thuận này để làm bằng chứng lúc thuận cũng như lúc nghịch. Kể từ nay không ai xúc phạm tới ai...”, nội dung thỏa thuận ghi. Việc "giao kèo" chung chồng này có có người làm chứng ký tên.

Tuy nhiên, một thời gian sau, ông Thưởng bỏ đi. Bà Hiên tìm gặp bà Nhi đòi lại 50 triệu đồng. Sau nhiều lần UBND xã hòa giải không thành, bà Hiên khởi kiện ra tòa đòi lại tiền.

Ngày 28.6.2013, tại TAND huyện Thoại Sơn, ông Thưởng nhận trách nhiệm về vụ việc và cam kết trả 50 triệu đồng cho bà Hiên trong 60 ngày. Phía nguyên đơn đồng ý và rút yêu cầu khởi kiện nên tòa ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Vài tháng sau, bà Nhi gửi đơn xin ly hôn với ông Thưởng và được tòa chấp nhận.

Sau thời gian dài không thấy ông Thưởng trả tiền, bà Hiên tiếp tục khởi kiện, đưa ra chứng cứ là tờ thỏa thuận và cho rằng số tiền này bà Nhi "mượn" chứ không phải thỏa thuận nhượng chồng. TAND huyện Thoại Sơn sau đó thụ lý và xác định đây là vụ kiện tranh chấp hợp đồng vay tài sản.

Trình bày trước tòa, bà Nhi một mực khẳng định không có chuyện vay mượn. Số tiền này bà Hiên tự nguyện đưa cho để được chấp thuận đồng ý cho "chung chồng". Vì phải lo nuôi ba đứa con cùng mẹ chồng đã ngoài 80 tuổi nên bà đã đồng ý. Bà Nhi cho rằng chồng bà đã ở chung với người tình một thời gian nên coi như cấn trừ hết tiền. Vì thế, bà không đồng ý trả lại. Hơn nữa hiện, bà và ông Thưởng không còn là vợ chồng.

Xem xét chứng cứ, cho rằng hai bên đều thừa nhận có đưa tiền và nhận tiền, TAND huyện Thoại Sơn buộc bà Nhi và ông Thưởng có trách nhiệm trả 50 triệu đồng cùng tiền lãi phát sinh hơn 11 triệu đồng. Không đồng ý, bà Nhi kháng cáo toàn bộ nội dung vụ án. Theo bà, việc tòa thụ lý vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản là không đúng. Trong lần khởi kiện trước đó năm 2013, chồng bà đã nhận trách nhiệm trả tiền và đã được bà Hiên đồng ý nên bà không có nghĩa vụ phải trả nợ...

TAND huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng giải quyết vụ án hy hữu đòi cha bồi thường con gà mái và 18 quả trứng. Theo đơn kiện, trưa một ngày cuối tháng 5.2011, đi tới ổ trứng đang ấp của con trai, bố anh Quyết nắm đầu con gà mái đập xuống đất khiến con vật chết tại chỗ. Chiều hôm đó, sau khi nhậu về, ông này tiếp tục đập vỡ 14 quả trứng trong ổ. Ba ngày sau, người cha lại tới ổ gà kế bên, đập vỡ thêm 4 quả trứng, làm gãy chân con gà trống.

Anh Quyết cho rằng, con gà trống sau sự việc trên đã mất luôn “khả năng sinh sản" nên làm đơn gửi lên xã nhờ phân giải và đòi bố bồi thường 700.000 đồng. Số tiền tương đương với giá trị con gà mái, con gà trống bị què và ổ trứng bị đập vỡ. Mẹ anh Quyết làm nhân chứng cho con trai.

Làm việc với công an xã, người bố nhận có đập vỡ 4 quả trứng, nhưng không đập chết con gà nào nên chỉ đồng ý bồi thường số trứng vỡ. Ông cho rằng vì bực tức việc anh Quyết đổ thừa cho con gái ăn cắp trứng nên mới đập cho bõ tức. Vụ việc được công an, cán bộ tư pháp xã… nhiều lần hòa giải không thành buộc cơ quan chức năng xã phải chuyển hồ sơ lên tòa án huyện giải quyết.

Vụ việc khiến cơ quan tố tụng đau đầu khi thụ lý giải quyết, bởi nhân chứng duy nhất trong vụ án là mẹ anh Quyết chưa thực sự khách quan. Việc người bố đập gà và trứng không được cơ quan, tổ chức nào ghi nhận ngay khi xảy ra nên không có chứng cứ.

Tòa án sau đó đã tìm hiểu nguyên nhân sâu xa việc anh Quyết kiện cha. Trình bày với tòa, anh này thừa nhận thực chất là muốn nhờ sự can thiệp của cơ quan pháp luật để người cha tu tỉnh, thay đổi. Thường ngày, ông hay nhậu nhẹt, chửi mắng vợ con và đập phá đồ đạc.

Mẹ anh Quyết cũng cho hay, nhiều năm liền chồng nhậu nhẹt say xỉn. Ông thường đập phá chuồng gà và nhiều lần dọa chém cả bò của con. Vụ việc đã được chính quyền xã nhắc nhở nhiều lần nhưng chồng bà vẫn không thay đổi dẫn đến tình cảm cha con bất hòa.

Biết được nguồn cơn sự việc, vị thẩm phán thụ lý vụ kiện đã vận động anh Quyết rút đơn để không làm mâu thuẫn gia đình thêm căng thẳng. Đồng thời tòa cũng làm việc, phân tích phải trái với người cha để ông nhận ra, thay đổi cách đối xử với gia đình.

Nhiều năm trước, một nữ Việt kiều đã đâm đơn kiện đòi bác sĩ bồi thường hơn 300 triệu đồng do giải phẫu hỏng nhũ hoa. Cuối năm 2007, sau nhiều lần nâng ngực tại Mỹ tốn kém, bà Hồng vẫn không ưng ý vì kích thước túi ngực quá lớn nên muốn thu nhỏ. Bà đặt tin tưởng vào bác sĩ Hiệp tại TP.HCM với yêu cầu "lấy túi ngực ra, thu nhỏ ngực lại, bỏ túi nhỏ vào và không đụng đến núm vú".

Bác sĩ Hiệp đưa ra mức giá 35 triệu đồng cho tiền phẫu thuật và 3,2 triệu đồng cho nhân viên phụ mổ tại bệnh viện. Đầu năm 2008, bà Hồng về Việt Nam, được bác sĩ đưa đến một bệnh viện tại quận 3 để thực hiện.

Ba ngày sau, nữ Việt kiều phát hiện núm vú bên phải bị sưng và có màu đen. Do vết thương nhiễm trùng nên bác sĩ phải nhiều lần chỉnh sửa nhưng túi ngực vẫn bị hở. Kết quả giám định kết luận, cuộc phẫu thuật thất bại để lại nhiều vết sẹo to tại vùng ngực bà Hồng. Núm vú bên phải của nữ Việt kiều phải cắt bỏ do nhiễm trùng và chịu thương tật vĩnh viễn 16%.

Nhiều lần thương lượng đòi bồi thường không được, bà Hồng đã khởi kiện ra tòa đòi bác sĩ Hiệp bồi thường hơn 330 triệu đồng.

TAND TP.HCM sau đó đã chấp nhận một phần yêu cầu của bà Hồng, tuyên bị đơn phải trả 220 triệu đồng. Tháng 3.2013, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã bác kháng cáo chống án của bác sĩ Hiệp, giữ nguyên quyết định của tòa sơ thẩm. Dù thắng kiện, nhưng tai nạn này đã khiến cuộc sống của nữ Việt kiều bị đảo lộn.

*Tên các nhân vật đã được thay đổi.
(Theo Bình Nguyên/VNE)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem