Nhược điểm xe Toyota Rush khiến người Việt e dè "xuống tiền"
Nhược điểm xe Toyota Rush khiến người Việt e dè "xuống tiền"
Hoàng Vũ
Thứ tư, ngày 05/05/2021 10:38 AM (GMT+7)
Toyota Rush là mẫu xe bán chạy thuộc hàng top tại khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên khi về Việt Nam, mẫu xe đa dụng này gặp khó khăn trong việc tìm được chỗ đứng.
Toyota Rush là mẫu xe đa dụng nhỏ gọn thuộc hàng top xe bán chạy tại thị trường Đông Nam Á. Tại thị trường Indonesia, tổng kết năm 2020, Rush bán được 29.361 chiếc, tăng 5,6% so với năm trước, đứng thứ 4 trong top 10 xe bán chạy xếp trên cả Mitsubishi Xpander (26.362 chiếc). Trước đó năm 2019, mẫu xe này cũng thăng hạng từ vị trí từ 13 lên vị trí 6 trong top xe bán chạy nhất khu vực Đông Nam Á.
Mệnh danh "tiểu Fortuner" - Toyota Rush được ra mắt chính thức tại Việt Nam từ cuối năm 2018, mẫu xe này từng được kỳ vọng sẽ tạo được sự đột phá về doanh số cho hãng xe liên doanh Toyota Việt Nam trong phân khúc MPV 7 chỗ. Tuy nhiên, đến thời điểm này, nhiều người chỉ nhớ về Rush khi nó thường xuyên có mặt trong danh sách những mẫu xe bán chậm nhất phân khúc.
Tính đến hết năm 2020, doanh số của Rush chỉ dừng lại ở con số 4.241 xe, không quá tệ nhưng kém xa người dẫn đầu là Mitsubishi Xpander 16.844 chiếc. Dù doanh số có sự cải thiện rõ rệt trong trong năm 2020, nhưng nhìn chung là không có sự đột phá.
Theo kinh nghiệm mua bán xe ô tô, có nhiều lý do để giải thích vì sao nhiều người không mặn mà gì với mẫu xe này. Đầu tiên xét về giá bán, Rush có giá bán tương đối cao, giá trước khi điều chỉnh tương đương Xpander Cross (670 triệu đồng).
Sau điều chỉnh, giá của mẫu xe này còn ở mức 633 triệu đồng. Mặc dù vậy, giá xe vẫn còn cao hơn rất nhiều so với các đối thủ khác như Suzuki XL7 (589 triệu), Kia Rondo (559 triệu đồng), Mitsubishi Xpander (555 triệu đồng),...
Thứ hai về mặt thiết kế, mẫu xe này có thiết kế quá an toàn, không có tính phá cách. So với các đối thủ như Mitsubishi Xpander Cross, Suzuki XL7,... thì mẫu xe lai SUV này thiếu sự trẻ trung, tươi mới. Nội thất tương đối "lỗi thời" khi màn hình giải trí vẫn sử dụng kiểu thiết kế chìm, cần số kiểu cũ và ghế bọc nỉ, trong khi các đối thủ khác đã bọc da hoàn toàn.
Thứ ba, do là mẫu xe duy nhất trong phân khúc sử dụng khung gầm rời kiểu Body On Frame và dẫn động cầu sau nên điều này đã khiến không gian hàng ghế thứ 3 khá hẹp, nhiều người nhận xét không cảm thấy thoải mái khi đi đường dài. Thêm vào đó, hệ thống treo kém hiệu quả và khả năng cách âm kém cũng làm khách hàng chán nản.
Thứ tư, động cơ không quá mạnh mẽ, vòng tua máy cao, ăn xăng hơn các đối thủ. Trong phân khúc MPV 7 chỗ, các mẫu xe đều sử dụng mô hình động cơ 1.5L nên sức mạnh không có sự khác biệt quá nhiều. Tuy nhiên, điểm trừ của động cơ Rush là có vòng tua máy cao và có độ trễ nhất định, điều này sẽ khó khăn khi leo dốc. Cũng theo trải nghiệm của nhiều người dùng, Rush ăn xăng hơn các đối thủ từ 0,8 - 1,2L.
Cuối cùng về mặt thị trường, ngay khi về Việt Nam, mẫu xe này đã nhận nhiều điều tiếng xấu về cách thức bán hàng theo kiểu "mua bia kèm lạc" của một số đại lý. Cộng thêm việc thiếu nguồn cung liên tục, vì vậy khách hàng phải chờ trong một thời gian dài mới được nhận xe. Điều này ảnh hưởng không ít đến tâm lý của người mua cũng như uy tín của doanh nghiệp.
Mặc khác, vì đưa về muộn nên Rush khó có lợi thế cạnh tranh được các tên tuổi đã đứng vững trong lòng người tiêu dùng Việt như Mitsubishi Xpander hay chính người anh em Innova. Điều này được giải thích là do sự thiếu nhạy bén và không định hình rõ ràng được phân khúc nên mẫu xe này liên tiếp nhận "trái đắng" khi tham chiến ở thị trường Việt.
Gần đây, có nhiều nguồn tin cho biết, mẫu xe này nhiều khả năng sẽ bị khai tử vào cuối năm nay. Thay vào đó là sự ra mắt của hai người anh em là Toyota Avanza chuyển sang nền tảng khung gầm mới với hệ dẫn động cầu trước và Toyota Yaris Cross ở phân khúc SUV cỡ B.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.