Nhược điểm xe Toyota Wigo mà người dùng cần biết trước khi mua
Nhược điểm xe Toyota Wigo mà người dùng cần biết trước khi mua
Hữu Đăng
Thứ bảy, ngày 14/08/2021 08:21 AM (GMT+7)
Dù được kỳ vọng lớn, nhưng Toyota Wigo lại gây thất vọng sau gần 3 năm xuất hiện tại Việt Nam với nhiều nhược điểm mà người dùng chỉ ra sau thời gian sử dụng.
Gia nhập thị trường Việt Nam vào tháng 9/2018, Toyota Wigo được kỳ vọng sẽ là chiếc xe đầu tiên phá vỡ thế thống trị của đế chế xe Hàn trong phân khúc hạng A tại Việt Nam.
Những tín hiệu tích cực của Toyota Wigo khi khởi đầu như mơ với tháng đầu tiên mở bán vượt qua Hyundai Grand i10 với hơn 1.500 xe được bàn giao. Đó cũng là phút huy hoàng rồi vụt tắt của Toyota Wigo và chưa từng một lần lặp lại.
Không chỉ vậy, người dùng còn chỉ thẳng mặt những nhược điểm của Toyota Wigo khiến xe Hàn luôn là lựa chọn và giờ là VinFast Fadil.
Nội, ngoại thất Toyota Wigo như xe cổ
Với nội, ngoại thất có thiết kế bảo thủ, đậm chất xe Nhật, Toyota Wigo bị đánh giá thấp nhất trong phân khúc xe hạng A ở Việt Nam. Nhiều người còn cho rằng, mẫu xe này phù hợp khi bán từ 10 năm trước hơn là hiện hành.
“Năm 2018, tôi mua xe Toyota Wigo bởi ít thông tin, không có người tư vấn nên cứ theo số đông chọn Toyota. Đến nay, khi nhìn lại, thấy chiếc xe của mình thực sự không hợp mắt, thiết kế cục mịch, tay nắm cửa xe tải. Nhiều khi tặc lưỡi, chạy thời gian nữa rồi bán nên cố thu hồi vốn. Tuy nhiên, giờ bán cũng lỗ nặng bởi tầm giá ấy người ta chọn VinFast Fadil chứ ít người mua Wigo cũ”, anh Hoàng Anh Tân, Thái Nguyên chia sẻ.
Quả thực, khi đặt cạnh các đối thủ, Toyota Wigo là chiếc xe có thiết kế lỗi thời nhất hiện nay. Riêng yếu tố này, rõ ràng Morning, Grand i10 hay Fadil bắt mắt hơn hẳn.
Toyota Wigo tốn xăng chứ đâu có tiết kiệm?
Những tưởng Toyota Wigo sử dụng động cơ bé sẽ tiết kiệm nhiên liệu, nhưng khi vận hành thực tế, chiếc xe này bộc lộ nhiều nhược điểm.
Theo đó, khi chạy Toyota Wigo ở tốc độ khoảng 60km/h, vòng tua đã lên 2.000 vòng/phút và ở tốc độ 100 km/h là hơn 3.000 vòng/phút. Trong khi đó, với VinFast Fadil ở tốc độ 120 km/h xe mới đạt 2.000 vòng/phút.
Vòng tua cao ở ngay dải tốc độ thấp khiến Toyota Wigo tiêu thụ nhiên liệu cao hơn so với các đối thủ cùng phân khúc. Do đó, người dùng đã bị hớ khi mua Toyota Wigo, cứ nghĩ sẽ tiết kiệm, nhưng hóa ra “ăn” xăng hơn cả xe máy dung tích xi-lanh lớn.
Hệ thống an toàn sơ sài
Toyota Wigo 2018 chỉ được trang bị phanh ABS, cảm biến/camera lùi… Thực sự với nhiều người, đây là chiếc xe ít công nghệ chẳng khác gì xe tải cả dù bỏ ra đến gần 500 triệu đồng để lăn bánh bản cao cấp nhất thời điểm cách đây 3 năm trước.
Việc thiếu nhiều công nghệ an toàn khiến người lái xe luôn trong tình trạng thiếu tự tin khi chạy đường dài. Nhiều người chia sẻ, chạy cao tốc mà chẳng khác gì đi trong phố, bởi khi chạy tốc độ cao, xe có cảm giác bay, tay lái rung bật bật. Còn khi trời mưa, không có cân bằng điện tử nên phải chạy rón rén.
Tựa đầu ghế cố định
Người dùng Hoàng Long chia sẻ: “Tựa đầu xe Toyota Wigo cố định chẳng khác gì đánh đố người có thân hình nhỏ hoặc cao to quá bởi không thể điều chỉnh phù hợp với tư thế ngồi. Tôi cao hơn 1,8m, lái xe gần như không có tựa đầu, đi đường xa là cực hình, nhưng tiền ít nên đành dùng thôi chứ muốn đổi xe lắm rồi”.
Ở cả bản nâng cấp mới nhất, hãng xe Nhật Bản vẫn không lắng nghe người dùng mà thay đổi thiết kế này. Hơn nữa, dù là phiên bản số tự động cao cấp nhất, nhưng ghế xe vẫn bọc nỉ.
Số sàn giật cục
“Chạy Toyota Wigo luôn phải đệm côn xe mới ở trạng thái bình thường, không thì xe cứ giật giật. Đặc biệt, khi chạy trong phố tốc độ thấp, phải đệm côn suốt khi lái nên rất khó chịu, mệt mỏi”, anh Long nói thêm.
Động cơ yếu, tốn xăng và bản số sàn vận hành chưa mượt mà là những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình vận hành, an toàn của người dùng Wigo. Mẫu xe này thực sự đang thiếu và yếu so với các đối thủ hiện hành.
Như vậy, với sức ép lớn đến từ các đối thủ, Toyota Wigo đang ngày càng tỏ ra không phù hợp với thị hiếu của người dùng Việt. Nếu không thay đổi, số phận của mẫu xe này sẽ hẩm hiu chẳng khác gì Toyota Innova mới lọt top xe ế, Fortuner, Altis… không còn là "trùm" phân khúc như trước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.