Niềm vui của những nông dân trồng tỏi Lý Sơn khi lần đầu tiên có doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu dài hạn

Ngọc Lê Thứ hai, ngày 03/07/2023 14:10 PM (GMT+7)
Nghề trồng tỏi ở Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã có từ nhiều năm nay, chính cây tỏi làm nên thương hiệu cho Lý Sơn, nhưng người dân trồng tỏi vẫn luôn thấp thỏm với nỗi lo bấp bênh về giá cả. Được sự hỗ trợ của tỉnh Quảng Ngãi và huyện Lý Sơn, ngày 1/7 vừa qua, một hợp đồng cung ứng tỏi dài hạn đã được ký kết.
Bình luận 0

Hợp đồng "Cung ứng tỏi dài hạn tỏi Lý Sơn để chế biến nước mắm Nam Ngư ớt tỏi Lý Sơn" được ký kết giữa "3 bên", gồm: Nhà nước (UBND huyện Lý Sơn)- Doanh nghiệp (Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan) và nhà cung ứng (đại diện cho nông dân trồng tỏi) được thực hiện đã mở ra tiềm năng "Nâng tầm tỏi Lý Sơn" đúng với ý nghĩa của buổi Lễ ký kết.

Niềm vui của những nông dân trồng tỏi Lý Sơn khi lần đầu tiên có doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu dài hạn - Ảnh 1.

Nông dân thu hoạch tỏi Lý Sơn.

Mong muốn có giá cả ổn định, đầu ra thông suốt

Có lẽ, đây là lần đầu tiên những người nông dân trồng tỏi Lý Sơn được chứng kiến một sự kiện "nâng tầm" cây tỏi của mình hoành tráng như thế. Với họ, bao năm nay họ chỉ biết đến trồng tỏi, thu hoạch lên thì bán cho tư thương, việc làm thương hiệu, bán chác tỏi thế nào là việc của... người khác. Cũng bởi vậy, sự kiện này đã thu hút gần 60 hộ trồng tỏi trực tiếp đến tham dự và chứng kiến lễ ký kết hợp đồng bao tiêu tỏi dài hạn để dùng chế biến thực phẩm, giúp hình ảnh, thương hiệu của tỏi Lý Sơn vươn xa hơn cả trong nước và thế giới.

Có mặt sớm trước lễ ký kết cả hơn 1 giờ đồng hồ, ông Nguyễn Cả (70 tuổi) ở thông Đồng Hộ- An Hải (Lý Sơn), được coi là một "đại gia" trồng tỏi ở xứ đảo nơi đây không giấu nổi sự vui mừng. Nhà ông Cả hiện có tới 15 sào (mỗi sào 500m2) trồng tỏi, cả đời ông gắn với mảnh đất tiền tiêu của Tổ quốc và nói về trồng tỏi ông đã có mấy chục năm "thâm niên", ông yêu cây tỏi như yêu mảnh đất mà cả đời ông sinh sống.

Trò chuyện với PV Dân Việt, ông Cả tâm sự: "Mọi người cứ nhìn vào những túi tỏi được sơ chế rồi tưởng giản đơn nhưng cũng cơ cực lắm. Năm thì được mùa nhưng mất giá, năm thì mất mùa, như năm ngoái giá tỏi tươi trung bình được 120.000 đồng/kg, loại 1 nhưng cũng có những năm rớt xuống chỉ còn 50.000-60.000 đồng/kg, nói chung người nông dân chúng tôi không quyết định được giá cả, giá thế nào do các tư thương họ xuống ấn định".

Theo ông Cả, thời vụ trồng tỏi ở Lý Sơn bắt đầu từ tháng 9 âm lịch năm trước (bắt đầu xuống giống) và tới tháng 2-3 âm lịch năm sau thì được thu hoạch, tính ra mất 6-7 tháng mới được thu, năm nào năng suất cao thì được 600-700kg/sào, còn nếu mất mùa có khi chỉ được 200-300kg. Nếu được giá thì còn đỡ, giá xuống là không đủ tiền vốn đầu tư, cũng như nhân công thuê mướn. "Từ lâu chúng tôi đã muốn có một nhà thu mua ổn định, để không còn phải lo về giá cả, đầu ra để tập trung trồng trọt, chăm sóc cây tỏi thật tốt. Nay được biết có doanh nghiệp là một công ty lớn đến ký cam kết thu mua, chúng tôi rất yên tâm"- ông Cả nói.

Cách không xa nhà ông Cả, ông Nguyễn Tấn Minh ở thôn Đông- An Vĩnh sở hữu diện tích khiêm tốn hơn với 5 sào tỏi, trong đó có 4 sào đi thuê lại chia sẻ: Tỏi Lý Sơn tuy có thương hiệu tốt nhưng giá cả bấp bênh lắm, không cố định một giá, năm cao thì có khi tới 160.000 đồng/kg, thấp thì chỉ 60.000 đồng/kg. Thực tình chúng tôi cũng không muốn lúc giá lên cao thì cao quá, thấp thì thấp quá, mà mong muốn có một mức giá, đầu ra ổn định. Bởi thế, việc một công ty lớn đến ký kết bao tiêu tỏi dài hạn, chúng tôi cho rằng đây là điều rất tốt và phù hợp đúng với mong muốn của tôi và người dân nơi đây".

Theo anh Minh, đây là lần đầu tiên những người nông dân trồng tỏi Lý Sơn mới được một doanh nghiệp lớn đến ký hợp đồng thu mua tỏi dài hạn, còn lại lâu nay đều bán cho tư thương. "Tất nhiên, tư thương họ thu mua cho cũng rất tốt, nay có thêm doanh nghiệp vào càng tốt hơn, góp phần nâng tầm tỏi Lý Sơn"- ông Minh nói.

Ở mảnh đất Lý Sơn này, bà Nguyễn Thị Bình, thôn Đồng Hộ- An Hải cũng được coi là có thâm niên lâu năm trong nghề trồng tỏi. Nhà bà hiện có 7 sào tỏi, từ bao năm nay những người trồng tỏi như bà đều lo lắng nhất là hai chuyện: Mất mùa và mất giá. "Thực sự mà nói, người trổng tỏi Lý Sơn như chúng tôi không được quyết định về giá cả, mà giá cả do tư thương ấn định, nay có hợp đồng ký kết, bao tiêu, nông dân chúng tôi mới có thể được quyết định về vấn đề giá cả cây tỏi do chính mình làm ra"- bà Bình nói.

Chung niềm tin tưởng, bà Nguyễn Loan ở thôn Đồng Hộ, có 6 sào đất để trồng tỏi Lý Sơn nói: "Việc có đơn vị, nhất là một doanh nghiệp lớn ký kết bao tiêu sản phẩm (tỏi), chúng tôi rất mừng và yên tâm. Bởi giá cả tỏi ở đây nhiều khi rất dao động, người nông dân chỉ cần có sự đảm bảo đầu ra mới yên tâm sản xuất". Nhà bà Loan trung bình mỗi năm thu được 2,5 tấn tỏi tươi, nếu giá cả thuận lợi có thể thu được 200-300 triệu đồng, trừ chi phí cũng còn lãi 100-150 triệu đồng, nhưng đấy là thuận lợi. Ngược lại, có thể rơi vào cảnh thua lỗ, nên bà chỉ mong có một mức giá để có thể tính toán sản xuất sao cho hợp lý.

Nâng tẩm tỏi Lý Sơn- nâng tầm thương hiệu Việt

Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Đặng Tấn Thành- Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết: "Hiện Lý Sơn đang có 325ha diện tích đất trồng tỏi với sản lượng hàng năm đạt trên 2.000 tấn. Tỏi Lý Sơn được dùng để làm quà, biếu tặng đã trở thành phổ biến. Nhưng việc tỏi Lý Sơn được đưa vào chế biến thành thương hiệu Nam Ngư tỏi ớt Lý Sơn, đây là lần đầu tiên". Theo ông Thành, hợp đồng bao tiêu lần này của Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan có điểm khác biệt là "cung ứng lâu dài', do đó huyện rất tin tưởng việc hợp tác lần này.

Là một trong hai nhà phân phối tham gia lễ ký kết lần này và đứng ra thu gom tỏi Lý Sơn để cung ứng dài hạn tỏi Lý Sơn để chế biến Nam Ngư tỏi ớt Lý Sơn, ông Phạm Văn Công- Giám đốc Công ty Cổ phần DORI cho biết: "Thực tế cho thấy, nghề trồng tỏi Lý Sơn có rất nhiều tiềm năng nhưng cũng còn rủi ro về thời tiết, sâu bệnh và nhất là giá cả. Với việc được Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan ký hợp đồng cung ứng dài hạn tỏi Lý Sơn, chúng tôi sẽ cam kết thu gom sản phẩm đúng chất lượng, đảm bảo giá cả luôn có lợi cho người nông dân, đó là neo theo giá thị trường một cách hợp lý".

Tại lễ ký kết lần này, có 2 đơn vị được tham gia cung ứng đó là Công ty Cổ phần DORI và Công ty Cổ phần Phúc Sinh, đây đều là những công ty khởi nghiệp (startup đầu tiên trên huyện đảo Lý Sơn).

Nói về lý do thực hiện việc ký kết cung ứng dài hạn tỏi Lý Sơn để chế biến Nam Ngư ớt tỏi Lý Sơn, bà Lê Thị Nga- Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan, chia sẻ: "Với tầm nhìn và chiến lược phát triển bền vững, nâng tầm giá trị đặc sản địa phương của các vùng miền đất nước, Masan Consumer (nhãn hàng Nam Ngư) đã tập trung nghiên cứu và phát triển các sản phẩm nổi bật sử dụng nguyên vật liệu đặc sản Việt Nam. Định hướng này nhằm mang đến cho hàng triệu người tiêu dùng Việt Nam cơ hội thưởng thức những món ngon kết hợp với đặc sản ở nhiều vùng miền trên đất nước, trong đó có tỏi Lý Sơn.

Nâng tầm tỏi Lý Sơn qua hợp đồng cung ứng dài hạn đầu tiên giữa doanh nghiệp, chính quyền và nhà cung cấp - Ảnh 2.

Lễ ký kết hợp đồng cung ứng dài hạn tỏi Lý Sơn để chế biến sản phẩm Nam Ngư Ớt Tỏi Lý Sơn diễn ra dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ NNPTNT.

Theo bà Nga, không chỉ dừng ở việc khai thác thương hiệu nông sản là tỏi Lý Sơn, tới đây Masan Consumer sẽ còn tiếp tục khai thác các loại nông sản đặc thù có giá trị khác như gừng, me, sả, tiêu... để ngày càng nâng tầm các thương hiệu nông sản Việt.

Phát biểu tại Lễ ký kết, ông Phùng Đức Tiến- Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ: Tỏi Lý Sơn đã trở thành đặc sản nổi tiếng đã trở thành thương hiệu và nhãn hiệu của vùng, năm 2017, tỏi Lý Sơn đã lọt vào danh sách "Top 10 đặc sản quà tặng nổi tiếng Việt Nam" của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam; Tỏi Lý Sơn được cấp chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo Quyết định số 2421/QĐ-SHTT của cục sở hữu trí tuệ năm 2020.

Nhắc đến Lý Sơn là nhớ đến Tỏi, nói tới tỏi cô đơn là nhớ đến Lý Sơn, bất cứ ai khi đến với Lý Sơn đều mang tỏi Lý Sơn về làm quà cho gia đình và bạn bè. Năm 2022, huyện Lý Sơn đã phát triển được hơn 300ha đất trồng tỏi, cho sản lượng hơn 2.000 tấn mỗi năm, đem lại thu nhập đáng kể cho người dân trồng tỏi trên đảo.Tuy nhiên, sản xuất tỏi có xu hướng giảm dần do ảnh hưởng đến môi trường đất, áp lực chuyển đổi đất nông nghiệp sang phát triển đô thị, phục vụ du lịch và điều kiện thời tiết, khí hậu thay đổi.

Niềm vui của những nông dân trồng tỏi Lý Sơn khi lần đầu tiên có doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu dài hạn - Ảnh 2.

Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tham dự và phát biểu tại Lễ ký kết.

Chính vì thế, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến lưu ý: "Việc bảo tồn và khai thác giá trị của cây tỏi Lý Sơn một cách bền vững, nâng tầm tỏi Lý Sơn, để tỏi Lý Sơn không chỉ là củ tỏi đơn thuần mà chính là thương hiệu của Lý Sơn, là hồn cốt của đất và người Lý Sơn là việc làm cấp bách và thiết thực".

Ông Tiến cũng chia sẻ và đánh giá cao buổi lễ ký kết cung ứng dài hạn tỏi Lý sơn để chế biến Nam Ngư ớt tỏi Lý sơn- giữa Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan và các đối tác thương mại cùng sự đồng hành của UBND huyện Lý Sơn. Đây là hành động, một bước đi thiết thực, giúp người nông dân trồng tỏi nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo ra thương hiệu tỏi Lý Sơn.

Đánh giá về hướng đi của Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan khi thực hiện bước đi "bao tiêu" sản phẩm tỏi Lý Sơn, ông Phùng Đức Tiến cho biết: "Việc chính quyền và các hộ canh tác tỏi sẽ đồng hành với nhãn hàng nước mắm Nam Ngư của Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan để thực hiện nhiều hoạt động đa dạng trong nỗ lực thúc đẩy thương mại hoá, góp phần đưa đặc sản tỏi Lý Sơn trở thành thương hiệu tỏi quốc gia cũng như được biết đến rộng rãi hơn nữa trên thế giới. Rõ ràng, nếu thành công, đây sẽ là tiền đề và là một mô hình tốt để duy trì và tạo cơ hội phát triển bền vững cho ngành nghề nông nghiệp tại nhiều địa phương có các loại đặc sản quý, hiếm…

Lý Sơn là huyện đảo duy nhất của tỉnh Quảng Ngãi, chỉ rộng 10km2 nhưng có tới 7 miệng núi lửa trên cạn và 3 miệng núi lửa dưới lòng biển. Không chỉ nổi tiếng với những danh lam thắng cảnh như núi Thới Lới, Cột cờ Tổ quốc, Hang Câu… những bãi biển tuyệt đẹp được bao bọc vởi những vách đá nham thạch kỳ vĩ mà còn được biết đến với những cánh đồng tỏi bạt ngàn.

Sự đặc biệt về thổ nhưỡng từ dung nham núi lửa đã tạo nên vùng đất màu mỡ chứa nhiều khoáng chất quý kết hợp với kinh nghiệm canh tác lâu đời của người dân địa phương, bổ sung một lớp đất đỏ bazan núi lửa cùng với một lớp cát san hô che phủ trên bề mặt đã tạo nên hương vị tuyệt vời của giống tỏi quý ở hòn đảo này.

Mùa trồng tỏi ở Lý Sơn bắt đầu từ tháng 9 (âm lịch) năm trước, kéo dài khoảng 5-6 tháng, thu hoạch từ tháng 2-3 (âm lịch) năm sau, tỏi là loại nông sản chính được người dân Lý Sơn ví von như "vàng trắng" vì giá trị kinh tế mang lại cao.

Tỏi Lý Sơn nổi tiếng bởi có mùi thơm, vị cay nhưng vẫn dịu ngọt, củ tỏi nhỏ, trắng, tép đều, hàm lượng tinh dầu có trong tỏi Lý Sơn khá cao nên được người tiêu dùng ưa chuộng dùng làm gia vị và nguồn dược liệu vô cùng quý giá dùng trong y học.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem