Mới chỉ là bước đề nghị nghiên cứu
Bộ Tài chính mới đây đã có công văn số 14648/BTC-CST gửi các Bộ: Xây dựng, Công Thương, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường. Trong đó, Bộ Tài chính đề nghị xây dựng đề án thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải, bao gồm đối tượng chịu phí, mức thu phí, cách thức tính phí, cơ chế thu nộp phí, quản lý và sử dụng phí...
Đi ô tô, xe máy sẽ phải chịu phí khí thải (Ảnh minh họa)
Theo Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), việc đề nghị các bộ ngành liên quan nghiên cứu đề xuất thu phí bảo vệ môi trường (BVMT) đối với khí thải ngày 26.11.2018 của Bộ Tài chính là xuất phát từ kiến nghị của cử tri tỉnh Lào Cai (do Ban dân nguyện - UBTVQH chuyển đến Bộ Tài chính tại văn bản số 251/BDN ngày 15.6.2018) và UBND thành phố Hà Nội (tại công văn số 3977/UBND-ĐT ngày 28.8.2018) đề nghị trình cấp có thẩm quyền quy định phí BVMT đối với khí thải.
Theo lý giải của Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính), trước sự gia tăng ô nhiễm không khí của phương tiện giao thông đã ở mức báo động, tình hình ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn Hà Nội có xu hướng tăng, ảnh hưởng đến chất lượng môi trường sống của nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội, UBND TP. Hà Nội đã báo cáo Thủ tướng về việc lập Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn Thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào”.
Đề án này nhằm mục tiêu thực hiện các giải pháp vừa lâu dài, vừa cấp bách, cụ thể để tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu đi lại và nâng cao chất lượng sống của nhân dân trên địa bàn Thành phố Hà Nội với tầm nhìn dài hạn đến năm 2030.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho biết, công văn số 14648/BTC-CST mới chỉ là một bước đề nghị nghiên cứu, xây dựng phương án thu phí BVMT đối với khí thải, để thực hiện kiến nghị của UBTVQH, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, đồng thời, phù hợp với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật phí và lệ phí, Luật BVMT.
Trên cơ sở góp ý của các Bộ về phương án thu phí đối với khí thải, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp, hoàn thiện phương án thu phí theo nguyên tắc: Mức thu phí phải phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch, bình đẳng.
Đề xuất thu phí phát thải nhìn từ góc độ đi tìm nguồn thu cho ngân sách
Nhìn nhận đề xuất “đi ô tô, xe máy chịu phí khí thải” của Bộ Tài chính từ góc độ thu-chi ngân sách, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, tương tự đề xuất nâng khung chịu thuế bảo vệ môi trường, sửa đổi 5 Luật thuế trước đó, đề xuất “đi ô tô, xe máy chịu phí khí thải” xuất phát từ câu chuyện đi tìm nguồn thu.
“Nguồn thu từ xuất nhập khẩu sẽ giảm hẳn do chúng ta đã ký một loạt FTA, khiến mức thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng vào thị trường Việt Nam sẽ giảm dần theo lộ trình về 0%. Thu từ dầu thô, công nghiệp khai khoáng cũng giảm hẳn. Trước kia, dầu thô chiếm 24% thu ngân sách, hiện nay chỉ còn 3-4%. Ngân sách buổi phải tăng thêm nguồn thu để bù đắp trong bối cảnh áp lực trả nợ tăng. Ngoài ra, ngân sách chưa tái cơ cấu được, chi thường xuyên quá lớn, vượt quá sức chịu đựng của nền kinh tế. Các khoản chi phục vụ mục đích giao lưu, chiêu đãi, và cho khoảng vài nghìn đoàn đi học hỏi nước ngoài mỗi năm... Hiệu quả ra sao, chúng ta cần xem xét kỹ lưỡng”, TS. Lê Đăng Doanh nói.
|
Theo đó, bài toán cân đối ngân sách nằm ở việc giảm chi, đặc biệt chi thường xuyên. Trong đó, có việc thực hiện nhiệm vụ tinh giản, cải tạo bộ máy. Song việc giảm số chi được các chuyên gia kinh tế đánh giá là một việc rất khó, trừ khi Chính phủ thực hiện cực kỳ quyết liệt. Nếu làm nửa vời, cố gắng cân bằng giữa các phe nhóm thì không có cách nào để giảm số chi.
“Ai cũng cần chi tiêu, năm nay tiêu 1 đồng thì năm sau phải tiêu 1,2 đồng, rất khó giảm xuống. Khi không cắt giảm được số chi và các khoản chi, bắt buộc phải tăng số thu để cân đối ngân sách. Ở đây có một câu chuyện là anh không giảm chi được thì phải tăng thu, tăng thu không được thì buộc phải tăng vay. Nhưng vay nhiều lại vướng trần nợ công do Quốc hội quy định, Chính phủ hiện tại cũng đang tìm cách mở rộng mẫu số - tăng GDP để giảm trần nợ công”, một chuyên gia cho biết.
Chia sẻ về các khoản nợ và nghĩa vụ trả nợ của Việt Nam, TS. Vũ Đình Ánh - chuyên gia kinh tế, cho biết: “Theo thông lệ, báo cáo và cách thức quản lý nợ, Việt Nam đang siết khá chặt chuyện phát sinh nợ mới. Đồng thời, chúng ta cũng tập trung xử lý các khoản nợ cũ và thực hiện nghĩa vụ trả nợ gồm các khoản nợ gốc, nợ lãi. Trong đó, phần trả nợ lãi được hạch toán vào chi ngân sách hàng năm”.
Đồng thời, ông Ánh cũng đề xuất, nên bỏ nhận định “thâm hụt NSNN năm 2018 ở mức thấp”, bởi để đánh giá chính xác các con số thâm hụt NSNN năm 2018, phải đợi tới năm 2020.
“Tôi đoán chắc số thâm hụt ngân sách - bội chi năm 2018 không hề thấp. Bản thân tôi đã quan sát số quyết toán và số thực hiện lần 1, lần 2 mà chúng ta dự kiến công bố vào năm 2019, đều cách rất nhau rất nhiều", ông Ánh nói.
Về tình hình tài khóa của Việt Nam, TS. Vũ Đình Ánh tiếp tục chia sẻ thông tin, từ năm 2017, Việt Nam đã bỏ phần trả nợ gốc khỏi thâm hụt NSNN.
TS. Vũ Đình Ánh phân tích: “Nếu trước đây, mỗi năm chúng ta bỏ từ 1,5 - 2% GDP để trả nợ gốc thì riêng hai năm 2017 và 2018, chỉ tính riêng khối lượng trả nợ, bao gồm trả nợ lãi cộng thêm các khoản nợ gốc đã tăng gấp hơn 2 lần so với năm trước đó.
Nói cách khác, việc trả nợ đang bước vào giai đoạn căng thẳng, nghĩa vụ trả nợ ngày một lớn. Trong bố trí NSNN, trước đây, chúng ta đi vay để có thêm tiền chi đầu tư thì nay phải dừng không tiếp tục vay nữa. Còn phần ngân sách vốn dùng để chi đầu tư nay phải dùng cho chi trả nợ”.
TS. Vũ Đình Ánh
Song hành cùng gánh nặng chi NSNN chính là câu chuyện tăng số thu và nguồn thu cho NSNN trong những năm tiếp theo.
“Cách đây ít ngày, xuất hiện thêm đề xuất thu phí phát thải. Nhìn từ góc độ đi tìm nguồn thu sẽ thấy, dù thu năm nay chắc chắn vượt dự toán, nhưng khá nhiều địa phương không thực hiện nổi con số dự toán tăng 10-15% sau mỗi năm bởi không có nền tảng bảo đảm cho số tăng thu này. Điều này dẫn tới phát sinh những khoản thu mới không hợp lý”, TS. Vũ Đình Ánh nói.
"Bộ Tài chính có phân loại được lượng khí thải với từng sản phẩm ô tô, xe máy không?"
Bày tỏ sự cảm thông đối với đề xuất “Đi ô tô, xe máy chịu phí khí thải” của Bộ Tài chính, song PGS. TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng, mỗi phương tiện giao thông, mỗi doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh đều đang phải gánh nhiều loại thuế phí. Xăng dầu đang phải gánh thuế xuất nhập khẩu, thuế GTGT, thuế BVMT, thuế TTĐB và thuế TNDN. Nếu thêm các loại thuế, phí mới sẽ gây phí chồng phí, vắt kiệt sức dân.
Trong khi đó, thu nhập của người dân không tăng mà phải gánh đủ các loại thuế sẽ rất khó khăn, đặc biệt khi bước sang 2019, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu sẽ tăng kịch khung.
PGS. TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính)
“NSNN ở trong tình trạng thâm hụt trong 6 năm liên tục, chúng ta không kiểm soát được số chi, nhu cầu chi rất lớn nên dẫn tới thu ngân sách năm sau luôn cao hơn năm trước. Trong bối cảnh nguồn thu hạn hẹp nên Bộ Tài chính mới đây đề xuất thu thêm phí phát thải. Đề xuất của Bộ Tài chính là đúng theo Luật phí và lệ phí có hiệu lực từ 1.1.2017.
Song trong trường hợp cụ thể, việc ô tô, xe máy chịu phí khí thải, chúng ta phải xem xét thận trọng. Trước và trong quá trình một chiếc ô tô, xe máy lăn bánh trên đường, chúng đều phải gánh một số tiền thuế, phí rất lớn. Trong đó, đã có thuế BVMT với xăng dầu. Nên liệu đề xuất thu phí khí thải có trùng với thuế BVMT với xăng dầu đã thu không?
Tiếp đó, hiện có khoảng 50 triệu chiếc xe máy, 2 triệu chiếc ô tô đang lưu thông trên đường mỗi ngày. Bộ Tài chính có phân loại mức độ độc hại và lượng khí thải đối với từng sản phẩm ô tô, xe máy không? Nếu đánh đồng tất cả cùng chịu một mức phí là không công bằng, trong khi áp dụng một sắc thuế, phí, người làm chính sách phải tính toán tới yếu tố công bằng”, ông Ngô Trí Long nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.