Nợ hơn 3.000 tỷ, Hà Nội đứng đầu cả nước về nợ đọng bảo hiểm

Hoàng Thắng Thứ tư, ngày 19/04/2017 06:15 AM (GMT+7)
BHXH thành phố Hà Nội đã bàn giao 129 đơn vị với tổng số tiền nợ 142,9 tỷ đồng sang Tổ chức công đoàn để tiến hành khởi kiện. Hiện Tổ chức công đoàn đã nộp đơn khởi kiện 24 đơn vị với số tiền nợ 39,7 tỷ đồng.
Bình luận 0

Nợ người lao động trên 3.000 tỷ

Tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức chiều 18.4, xung quanh vấn đề nợ đọng bảo hiểm xã hội của các đơn vị hoạt động trên địa bàn thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội cho biết, dù rất nỗ lực triển khai các biện pháp thu hồi nợ đọng như phối hợp liên ngành thanh tra, thanh tra chuyên ngành, kiểm tra; UBND các quận, huyện, thị xã tích cực chỉ đạo, kiểm tra, phối hợp Tổ chức Công đoàn đẩy mạnh khởi kiện... song nợ đọng bảo hiểm ở Hà Nội vẫn cao nhất cả nước.

img

Hà Nội đứng đầu cả nước về nợ đọng bảo hiểm.

“Tính đến hết tháng 3.2017, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT trên toàn thành phố là hơn 3.166 tỷ đồng với hơn 39.140 đơn vị nợ, chiếm 9,5% kế hoạch thu. Cũng trong quý I.2017, Bảo hiểm xã hội Hà Nội đã thực hiện 72 cuộc thanh, kiểm tra nhưng mới chỉ thu hồi được 7,5 tỷ đồng tiền nợ bảo hiểm xã hội, bàn giao 129 đơn vị với tổng số tiền nợ 142,9 tỷ đồng cho Tổ chức công đoàn để tiến hành khởi kiện. Đến nay, Tổ chức công đoàn đã nộp đơn khởi kiện 24 đơn vị với số tiền nợ gần 40 tỷ đồng”, ông Hòa nói.

Trước đó, trong tháng 3.2017, Liên đoàn lao động quận Đống Đa (Hà Nội) đã chuyển hồ sơ sang TAND quận Đống Đa để khởi kiện 5 doanh nghiệp (DN) nợ đọng BHXH gồm: Cty CP đầu tư xây dựng BDC Việt Nam (tính đến hết tháng 10.2016) còn nợ 1.953.108.936 đồng; Cty TNHH thiết bị Minh Quân (tính đến hết tháng 11.2015) còn nợ 274.664.884 đồng; Cty CP Tài Nguyên (tính đến hết tháng 11.2011) còn nợ 1.316.656.533 đồng; Cty tư vấn xây dựng và kỹ thuật môi trường còn nợ 2.104.831.939 đồng; Cty CP xây lắp dầu khí Hà Nội (nợ từ tháng 11.2012 đến nay) với số tiền 6.666.733.491 đồng.

Gian nan đường khởi kiện

Theo ông Nguyễn Đức Hòa, công tác thu hồi nợ đọng hiện vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, trong Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định người nào trốn đóng hoặc gian lận tiền bảo hiểm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, bộ Luật này đã bị hoãn thi hành và hiện đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung chờ Quốc hội thông qua.

Ông Hòa cho rằng, khi bộ luật này có hiệu lực thì các hành vi vi phạm bảo hiểm xã hội có cả hình thức truy cứu trách nhiệm hình sự, các đơn vị sẽ phải tuân thủ nghiêm túc hơn.

Về vấn đề khởi kiện các doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm, theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Luật Công đoàn, trường hợp đơn vị nợ tiền bảo hiểm, Tổ chức công đoàn sẽ đứng ra khởi kiện, quy định này có sự thay đổi so với trước đây khi Bảo hiểm xã hội là tổ chức đứng ra khởi kiện.

Ông Hòa cho biết, sáng 18.4, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã chủ trì buổi làm việc với Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội về vấn đề khởi kiện đơn vị nợ bảo hiểm. Trong buổi làm việc, đại diện Tòa án Nhân dân Tối cao đã nêu một số khó khăn trong việc khởi kiện như, chưa có quy định rõ đại diện khởi kiện là cá nhân hay tập thể của tổ chức công đoàn.

“Phía Tòa án Nhân dân Tối cao cho biết sẽ họp để xin ý kiến vấn đề khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm. Khi có hướng dẫn, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội sẽ sẽ phối hợp với Tòa án, Liên đoàn lao động để tập huấn quy trình, thủ tục khởi kiện một doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm, gây ảnh hưởng tới quyền lợi người lao động”, ông Hòa nói.

Hiện 24 hồ sơ đã được tổ chức công đoàn đệ đơn khởi kiện vẫn đang có vướng mắc về quy trình để xử. Khi có hướng dẫn, có quy trình khởi kiện, chắc chắn sẽ tác động mạnh đến việc giảm tỷ lệ nợ đọng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem