Cuối năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt. Đến nay, những nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao Bộ LĐTBXH đang được bộ này và ngành LĐTBXH, các địa phương… tích cực thực hiện, đạt được những kết quả rõ rệt.
Theo chỉ thị của Thủ tướng, Bộ LĐTBXH phải chủ trì, phối hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Công an và các cơ quan liên quan thúc đẩy việc triên khai chi trả qua tài khoản (bao gồm tài khoản ngân hàng, ví điện tử, tài khoản mobile money và các hình thức hợp pháp khác) cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội, thực hiện chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội…
Thuận lợi cho người có công, người hưởng trợ cấp…
Lãnh đạo Sở LĐTBXH Vĩnh Phúc cho biết, phấn đấu hết năm 2023, khu vực đô thị đạt 25% số người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH qua phương thức không dùng tiền mặt.
Từ ngày 1/7/2023, tỉnh Bắc Giang chi trả trợ cấp cho người có công (NCC), thân nhân NCC và người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng bằng hình thức không dùng tiền mặt. Theo Sở LĐTBXH Bắc Giang, hàng tháng tỉnh này có hơn 93.200 người hưởng trợ cấp an sinh xã hội (ASXH). Để thực hiện việc chi trả ASXH không dùng tiền mặt, thời gian qua, các cơ quan chuyên môn, UBND các cấp trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền về tiện ích của việc chi trả không dùng tiền mặt cho NCC, thân nhân NCC, người nhận bảo trợ xã hội tại cộng đồng. Cùng đó rà soát, lập danh sách những trường hợp đăng ký sử dụng dịch vụ; phối hợp với các ngân hàng mở tài khoản cho người hưởng hoặc người được ủy quyền nhận trợ cấp.
Qua rà soát TP.Bắc Giang có hơn 4.000 trường hợp đăng ký dịch vụ trả tiền qua tài khoản ngân hàng. Lãnh đạo UBND phường Mỹ Độ cho biết, phường đã tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, gặp NCC, người thuộc diện bảo trợ xã hội để phổ biến về lợi ích của việc chi trả trợ cấp ASXH không dùng tiền mặt. Kết quả, 143/143 người đang hưởng trợ cấp hàng tháng đều đăng ký nhận tiền qua tài khoản.
Tại Vĩnh Phúc, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và thực hiện hiệu quả chỉ đạo của UBND tỉnh về việc chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); phối hợp với BHXH tỉnh triển khai việc chi trả hỗ trợ BHTN cho người lao động theo phương thức không dùng tiền mặt. Đến nay, 100% đối tượng hưởng trợ cấp BHTN đều được BHXH tỉnh chi trả qua tài khoản cá nhân.
Từ tháng 6/2022, trung tâm thực hiện tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo hình thức trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Từ đầu năm 2023 đến nay, trung tâm cũng thực hiện chi trả hỗ trợ cho người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo Nghị quyết số 07 của HĐND tỉnh theo hình thức không dùng tiền mặt.
Quý I/2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tiếp nhận 2.203 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, có 1.533 trường hợp đã có quyết định thụ hưởng với tổng số tiền chi trả hơn 31,7 tỷ đồng. Tất cả các trường hợp được hỗ trợ, BHXH tỉnh đều thực hiện chi trả theo hình thức chuyển tiền vào tài khoản cá nhân. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cũng thực hiện chi trả không dùng tiền mặt đối với 144 hồ sơ hỗ trợ xuất khẩu lao động với tổng số tiền hơn 1,7 tỷ đồng.
Chị Nguyễn Minh Nguyệt (trú xã Minh Quang, huyện Tam Đảo) sau khi xin nghỉ làm ở công ty tại Khu công nghiệp Thăng Long 3 hồi tháng 3/2023, đã đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. "Tôi đã được thanh toán chế độ qua tài khoản cá nhân, việc chi trả theo hình thức này rất nhanh chóng, thuận tiện" – chị Nguyệt cho biết.
Hỗ trợ hạ tầng để nhận, chi tiêu không dùng tiền mặt
Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Văn Hồi cho biết, thực hiện Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐTBXH đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành, các đơn vị liên quan để thay đổi cách thức và phương thức chi trả đối với các lĩnh vực ASXH.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi, đây là mảng việc rất lớn, ngoài đối tượng NCC, người được hưởng lương hưu còn có 3,5 triệu người đang hưởng trợ cấp xã hội. Bên cạnh đó, địa bàn rất rộng, có miền núi, nông thôn, đô thị. Mặt khác, hiện nay có nhiều chính sách như trợ cấp bằng tiền mặt, lương hưu, tử tuất và các chế độ khác.
Lãnh đạo Bộ LĐTBXH cũng cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay là tính đồng bộ, bởi có được ID và làm ID xác thực điện tử rồi nhưng người dân vùng nông thôn nếu nhận được tiền chuyển vào tài khoản thì đi đâu để sử dụng tài khoản đó mua hàng, hay nếu là người già, người khuyết tật… thì sử dụng thẻ tài khoản ra sao? Vì vậy, quan trọng là đồng bộ thanh toán không dùng tiền mặt từ hệ thống siêu thị, hệ thống mua sắm, tham gia các phương tiện giao thông đến chi tiêu đời sống hằng ngày. Phát triển và hoàn thiện hạ tầng công nghệ phục vụ cho việc thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, cần đồng bộ nhận tiền và quản lý tiền mặt trên hệ thống tài khoản...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.