|
Cuộc họp báo sáng 25-5 tại Hà Nội. |
Hào hứng
Nếu như trước mỗi giải trẻ lứa "U" luôn bị đặt vấn đề về tính trung thực trong hồ sơ mỗi VĐV, thì tại Giải Bóng đá Nông dân lần này, công tác rà soát, xác định rõ thành phần của từng cầu thủ, bảo đảm sự công bằng cho mỗi đội bóng, cũng thu hút được sự quan tâm đặc biệt của cánh báo chí.
Trả lời phóng viên Quang Thái - báo điện tử Zing.vn: "Ban tổ chức làm gì để tránh tình trạng cầu thủ chuyên nghiệp được hợp lý hoá thành nông dân vào sân thi đấu?", ông Dương Nghiệp Khôi - Phó Tổng Thư ký LĐBĐVN, Phó trưởng Ban tổ chức giải nói: "Điều lệ giải đã quy định cầu thủ phải có Thẻ hội viên Hội Nông dân mới được phép đăng ký thi đấu. Và để cấp thẻ hội viên không hề đơn giản, cần hội đủ những điều kiện cần thiết chứ không phải ngày một ngày hai mà làm được, nên rất khó có cơ hội nảy sinh tiêu cực. Ban chỉ đạo, Ban tổ chức giải đã làm việc rất kỹ càng, rà soát từng khâu nhỏ nhất với mỗi bảng đấu, và có thể yên tâm không có chuyện khiếu nại khi bóng lăn".
Tiếp cận giải một cách cụ thể hơn, phóng viên Khương Xuân - báo Tuổi trẻ TP.HCM bày tỏ băn khoăn về việc sử dụng giày thi đấu. Thực tế, rất nhiều cầu thủ nghiệp dư vốn chỉ quen đá bóng bằng giày vải có đế mềm, thậm chí còn đi chân đất chơi bóng... "
Tại giải này, các VĐV sẽ chơi bóng bằng giày đinh cao su. Ngay từ vòng loại, các đội bóng đều phải làm quen với loại giày này, thi đấu 2 hiệp, mỗi hiệp 40 phút, và không có trường hợp ngoại lệ. Sau này, nếu các cầu thủ dần phù hợp với điều kiện thi đấu, Ban tổ chức sẽ nghiên cứu để nâng thời gian mỗi hiệp là 45 phút"- ông Khôi nói tiếp.
Bảo đảm an ninh
Không phải là đấu trường V.League, hạng Nhất quốc gia, nhưng vấn đề an ninh, an toàn sân cỏ cũng được Ban tổ chức đặc biệt lưu tâm.
"Chúng tôi đã đi công tác tại các địa phương và nhận thấy phong trào bóng đá ở nhiều nơi trong cả nước phát triển rất mạnh, đặc biệt là các tỉnh miền Tây. Các giải đấu đôi khi chỉ có phần thưởng rất nhỏ nhưng cũng thu hút được rất đông khán giả. Cầu thủ, CĐV hai đội cũng rất máu ăn thua. Đó là lý do mà ngay từ những bước đi đầu tiên trong quá trình chuẩn, Ban tổ chức giải đã làm việc với chính quyền, công an địa phương để đảm bảo tuyệt đối an ninh trên các khán đài và dưới sân cỏ. BHL mỗi đội bóng cũng phải làm tốt công tác giáo dục tư tưởng cho các cầu thủ với quyết tâm chơi đẹp, cống hiến" - ông Lưu Quang Định - Tổng biên tập Báo Nông thôn Ngày nay, Trưởng Ban tổ chức giải khẳng định.
Giải đáp thắc mắc của nhà báo Khắc Sơn (báo Bóng đá) về công tác trọng tài tại giải, ông Dương Nghiệp Khôi cho biết: "Không chỉ giải chuyên nghiệp, mà ở các giải phong trào, nếu không làm tốt công tác trọng tài thì khó tránh khỏi những sự cố đáng tiếc. Tại Giải Bóng đá Nông dân toàn quốc 2010, chúng tôi sẽ cử những trọng tài có trình độ, đã qua tập huấn tại các giải nằm trong hệ thống thi đấu quốc gia tham gia điều hành, bảo đảm tính trung thực, công bằng cho giải".
Ông Lê Hoàng Minh - Phó Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, Trưởng Ban chỉ đạo giải:
"Ngay trong lần đầu tổ chức, giải đã nhận được sự quan tâm nhiệt thành từ phía nhà tài trợ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA). Đó là động thái rất tích cực vì sự phát triển thể thao quần chúng nói riêng và thể thao VN nói chung. Trong tương lai, giải sẽ được tổ chức 2 năm/lần để tạo ra một sân chơi bổ ích cho người nông dân. Với sự đồng lòng, nỗ lực từ nhiều phía, trong đó có sự góp sức đặc biệt của các cơ quan báo chí, truyền thông, tôi tin rằng giải sẽ thành công tốt đẹp".
Ông Phạm Văn Bảy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) - nhà tài trợ chính của giải:
"Chúng tôi rất tâm đắc với ý tưởng của Ban tổ chức và sẽ tiếp tục ủng hộ tài chính để tổ chức giải trong tương lai. VFA không đặt nặng vấn đề kinh doanh, nên Ban tổ chức có thể vận động thêm các nhà tài trợ khác cùng tham gia để có thêm tài chính, tổ chức giải đấu thành công".
Bà Lê Hồng Diệp Chi - Phó Vụ trưởng Vụ Thể thao quần chúng, Tổng cục Thể dục thể thao:
"Ý tưởng và quyết tâm tổ chức thành công Giải Bóng đá Nông dân của Báo Nông thôn Ngày nay rất đáng trân trọng. Thông qua giải đấu này, phong trào sẽ lan rộng tới từng thôn, xóm, động viên mọi thành phần, lứa tuổi tham gia chơi bóng đá nói riêng, tập luyện các môn thể thao khác nói chung. Khi phong trào phát triển mạnh thì đó sẽ là nơi ươm mầm, cung cấp tài năng cho bóng đá Việt Nam và thể thao thành tích cao. Tới đây, khi được xây dựng thành giải truyền thống sẽ khích lệ hơn nữa phong trào bóng đá ở nông thôn nói riêng và phong trào thể thao nông thôn nói chung".
Lê Đức
Vui lòng nhập nội dung bình luận.