Nỗ lực "phủ sóng" vắc xin Covid-19 (bài 3): Chờ vắc xin vẫn cần ý thức "5K"

Diệu Linh Thứ sáu, ngày 21/05/2021 08:32 AM (GMT+7)
Bộ Y tế dự kiến cuối năm 2021 sẽ cố gắng có được 110 triệu liều vắc xin Covid-19 để "phủ sóng" cho người dân. Đồng thời, vắc xin Covid-19 của Việt Nam cũng dự kiến thử nghiệm thành công. Tuy nhiên, người dân vẫn cần tuân thủ "5K" để phòng dịch hiệu quả.
Bình luận 0

Dự kiến cuối năm 2021 có vắc xin Covid-19 Việt Nam

Cuối tháng 4 vừa qua, vắc xin Covid-19 Nano Covax của Công ty Nanogen đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2. Hiện nhóm nghiên cứu đang hoàn thiện đề cương thử nghiệm giai đoạn 3 để trình tới Hội đồng Đạo đức Bộ Y tế xem xét phê duyệt.

Trong giai đoạn 2 đã có 554 người thử nghiệm, chia làm 4 nhóm ở 3 mức liều 25mcg, 50mcg, 75mcg và 1 nhóm tiêm giả dược. Kết quả cho thấy cả 3 mức liều đều đảm bảo độ an toàn. 100% người được tiêm 3 mức liều kể trên đều sinh miễn dịch ở các mức độ khác nhau. Tuy nhiên, liều 25mcg có kết quả bảo vệ cao nhất, 100% người tiêm sinh miễn dịch.

Nỗ lực "phủ sóng" vắc xin Covid-19 (bài 3): Chờ vắc xin vẫn cần ý thức "5K" - Ảnh 1.

Tiêm thử nghiệm vắc xin Covid-19 Nano Covax

Sau khi tiêm mũi 2 giai đoạn 2 vắc xin Covid-19 Nano Covax, các tình nguyện viên có triệu chứng như sốt nhẹ, đau chỗ tiêm tự hết, đau cơ, đau khớp, mệt mỏi… nhưng hết nhanh, không cần can thiệp y tế.

Ở giai đoạn 3, nhóm nghiên cứu sẽ báo cáo Bộ Y tế, đề nghị thử nghiệm trên nhóm lớn người tình nguyện từ 10.000 - 15.000 người cả ở Việt Nam và nước ngoài. Giai đoạn này chỉ sử dụng 1 mức liều hiệu quả nhất là liều 25mcg, mỗi người tiêm 2 mũi cách nhau 28 ngày.

Trước đó, tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, đại diện Bộ Y tế cho biết, vắc xin Nano Covax sẽ được nghiên cứu giai đoạn 3 từ tháng 5-9/2021 và được nghiệm thu kết quả vào khoảng tháng 9/2021.

Về việc bao giờ có vắc xin Covid-19 Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: "Nếu các điều kiện thuận lợi thì cũng phải hết quý 3, đầu quý 4/2021 chúng ta mới có vắc xin Covid-19 do Việt Nam sản xuất. Vì vậy, trước mắt chúng ta vẫn phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch như từ trước đến nay chúng ta vẫn làm. Đó là thông điệp 5K + vắc xin".

Ngoài ra, vắc xin Covid-19 Covivac do Viện Vắc xin và sinh phẩm IVAC (thuộc Bộ Y tế) nghiên cứu đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, dự kiến kết thúc vào tháng 7/2021, giai đoạn 2 bắt đầu vào tháng 12/2021 và giai đoạn 3 sẽ tiến hành vào đầu năm 2021.

Tấn công bằng "5K+vắc xin"

Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 ngày 19/5 đã nhấn mạnh: "Chúng ta phải nhận thức đúng đắn, đầy đủ và thực hiện tốt việc kết hợp hài hòa, hợp lý,  hiệu quả giữa phòng ngừa và tấn công dịch bệnh, lấy tấn công là chính; phòng là thường xuyên, cơ bản, quyết định.

Tấn công là thực hiện tốt yêu cầu 5K + vắc xin. Đồng thời xét nghiệm sàng lọc trên diện rộng (cần tích cực huy động các nguồn lực để tăng năng lực xét nghiệm, bảo đảm yêu cầu xét nghiệm nhanh, chính xác, hiệu quả); thực hiện hiệu quả chiến lược vắc xin (tiếp cận đa dạng các nguồn vắc xin, nhận chuyển giao công nghệ, đầu tư nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước, tổ chức tiêm vắc xin hiệu quả và an toàn)...

Nỗ lực "phủ sóng" vắc xin Covid-19 (bài 3): Chờ vắc xin vẫn cần ý thức "5K" - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu từng người dân phải có trách nhiệm với chính mình, chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân và vì sức khỏe của cộng đồng, góp phần vào công cuộc phòng, chống dịch của cả hệ thống chính trị và góp phần bảo vệ lợi ích của quốc gia, dân tộc.

Gần đây có một số người cho rằng việc xét nghiệm nhiều đang được khuyến khích, thậm chí có người còn đề nghị thực hiện "5K+vắc xin+xét nghiệm".

Về việc này GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ tưởng Bộ Y tế khẳng định, hiện tại chúng ta chỉ có chủ trương tăng cường năng lực xét nghiệm tại các tỉnh, thành phố và tại các cơ sở y tế để chủ động tấn công bằng xét nghiệm trong trường hợp cần thiết nhằm tăng cường truy vết.

Chủ trương của Bộ Y tế không khuyến khích người dân tham gia xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2, bởi lẽ nếu xét nghiệm có kết quả âm tính sẽ gây ra tâm lý chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch.

"Chúng tôi nhắc lại, Bộ Y tế không có quan điểm 5K+vắc xin+xét nghiệm mà tuyệt đối tuân thủ theo phương châm, nguyên tắc mà Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã đề ra là 5K+vắc xin", Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết.

Các ngành, các cấp, các địa phương chú trọng kêu gọi, huy động nhân dân tham gia, hợp tác, ủng hộ và tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; có cơ chế, chính sách kêu gọi sự đóng góp của người dân, doanh nghiệp đối với công tác phòng, chống dịch, nhất là việc kêu gọi đóng góp của toàn dân, doanh nghiệp trong việc đóng góp tài chính cho việc mua vắc xin.

Bao giờ vắc xin Covid-19 được "phủ sóng" trên diện rộng?

Hiện nay không ít người dân muốn được bỏ tiền mua vắc xin Covid-19 để tiêm. Về điều này, PGS.TS Dương Thị Hồng – Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Trưởng Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia cho biết, để đảm bảo công bằng về sử dụng vắc xin Covid-19 và đảm bảo phòng chống dịch hiệu quả, Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ đã quy định cụ thể các nhóm đối tượng ưu tiên được tiêm chủng vắc xin miễn phí.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế đã và đang nỗ lực tìm kiếm nguồn cung ứng vắc xin với mong muốn tăng độ bao phủ vắc xin ngày càng nhiều người dân Việt Nam.

Nỗ lực "phủ sóng" vắc xin Covid-19 (bài 3): Chờ vắc xin vẫn cần ý thức "5K" - Ảnh 4.

"Việc tiêm chủng vắc xin phòng bệnh bao phủ được nhiều đối tượng và đạt tỷ lệ cao thì càng hiệu quả. Để đảm bảo việc tiếp cận công bằng cho người dân, bên cạnh nguồn vắc xin được các tổ chức Quốc tế hỗ trợ, nguồn mua từ ngân sách nhà nước thì trong Nghị quyết Chính phủ (số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021) cũng đã nêu rõ khuyến khích các đơn vị, cá nhân tiêm chủng tự nguyện và tự chi trả. Tuy nhiên cho tới nay, việc cung ứng vắc xin Covid - 19 vẫn là hạn chế trên quy mô toàn cầu", PSG Hồng chia sẻ.

Về đợt tiêm vắc xin Covid-19 thứ 3, PGS Hồng cũng cho biết, Bộ Y tế sẽ sớm phân bổ số lượng vắc xin này sau khi có kết quả kiểm định chất lượng để các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai tiêm chủng phòng, chống dịch Covid-19.

"Trong thời gian tới, tùy theo tiến độ cung ứng vắc xin và loại vắc xin Covid-19, Bộ Y tế sẽ có quyết định phân bổ và hướng dẫn cụ thể cho các tỉnh thành phố triển khai để đảm bảo sử dụng vắc xin chống dịch kịp thời, đảm bảo công bằng và bao phủ được nhiều đối tượng", PGS Hồng nói.

Mới đây, ngày 16/5, Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia – Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã tiếp nhận 1.682.400 liều vắc xin Covid-19 của AstraZeneca. Hiện Bộ Y tế chuẩn bị đợt tiêm chủng vắc xin Covid-19 lần thứ 3.

Trong khi chờ có vắc xin Covid-19 để tiêm trên diện rộng, các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân cần tuân thủ 5K để phòng dịch. 

"Diễn biến dịch tại Việt Nam hiện nay là số ca nhiều, lây lan ở nhiều địa phương trên cả nước, tuy nhiên, về cơ bản, Việt Nam đang kiểm soát được nguồn lây ở từng ổ dịch. 

Mầm bệnh đã có trong cộng đồng và có thể có những “ổ bệnh lẩn khuất”, do vậy, việc thực hiện nghiêm thông điệp 5K (“Khẩu trang-Khử khuẩn-Khoảng cách-Không tập trung-Khai báo y tế”) có vai trò quan trọng trong công tác phòng bệnh.

“Thực hiện tốt 5K có thể cắt đứt chuỗi lây nhiễm, chuỗi dịch tễ trong cộng đồng. Cùng với đó, chiến lược “phát hiện sớm, truy vết, cách ly, khoanh vùng dập dịch, điều trị hiệu quả” của Việt Nam vẫn chính xác, ổn định, cần tiếp tục duy trì”, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam nhận định. 

Về Đề án nhập khẩu, sản xuất, tổ chức tiêm vắc xin Covid-19 và bố trí, huy động nguồn lực để thực hiện (Tờ trình số 158/TTr-BYT ngày 16 tháng 5 năm 2021): Giao Bộ Y tế chuẩn bị kỹ lưỡng, nghiêm túc, khoa học, đúng thẩm quyền của Chính phủ và sớm nhất có thể trình Thủ tướng Chính phủ Đề án về mua vắc xin đáp ứng yêu cầu theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2021;

Tiếp tục nghiên cứu, chuẩn bị Đề án chung về nhập khẩu, sản xuất, tổ chức tiêm vắc xin Covid-19 và bố trí, huy động nguồn lực để thực hiện, xin ý kiến các Bộ, cơ quan liên quan, hoàn thiện trước khi trình Chính phủ xem xét, quyết định, chậm nhất vào cuối tháng 5 năm 2021.

(Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 ngày 19/5)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem