Nở rộ lò luyện thi đánh giá năng lực: Chuyên gia chỉ cách ôn thi hiệu quả

Mộc An Thứ sáu, ngày 03/02/2023 18:00 PM (GMT+7)
Ôn thi đánh giá năng lực như thế nào để đạt hiệu quả giữa "ma trận" lò luyện? Những chia sẻ của các chuyên gia sẽ giúp thí sinh có bí quyết ôn thi dễ dàng hơn.
Bình luận 0

Nở rộ lò luyện thi đánh giá năng lực

Bắt đầu từ tháng 1, cổng đăng ký thi đánh giá năng lực của một số trường đại học đã được mở. Việc ôn luyện cũng được thí sinh gấp rút khi chỉ còn hơn một tháng nữa các kỳ tuyển sinh riêng bắt đầu. Tuy nhiên, giữa "ma trận" lò luyện trên mạng xã hội, học sinh khá hoa mắt và không biết ôn thi như thế nào cho hiệu quả, có cần học qua các trung tâm hay không.

Nở rộ lò luyện thi đánh giá năng lực: Chuyên gia chỉ cách ôn thi hiệu quả - Ảnh 1.

Nở rộ lò luyện thi đánh giá năng lực: Chuyên gia chỉ cách ôn thi hiệu quả - Ảnh 2.

Nhan nhản trang ôn thi đánh giá năng lực. Ảnh: CMH

Chia sẻ với Dân Việt, Nguyễn Thị Bảo Thanh, học sinh lớp 12 trường THPT Việt Trì (Phú Thọ) cho biết, em dự định đăng ký thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội vào đợt thi của tháng 3 tại Hà Nội. Dù đã có nhiều năm là học sinh giỏi toàn diện nhưng Thanh vẫn băn khoăn về kỳ thi sắp tới và tìm cách để ôn thi sao cho đạt kết quả tốt nhất.

Nữ sinh bày tỏ: "Hiện trên các trang mạng xã hội, em thấy khá nhiều "trung tâm" luyện thi online, nhiều nơi cam kết 100% đỗ nhưng không biết có nên tin hay không, nhiều mức giá được các trung tâm đưa ra. Có nơi cho biết khoảng gần 800.000 đồng/khóa, có nơi hơn 1 triệu đồng, nhưng cũng có lò luyện đưa ra mức giá khoảng vài triệu đồng cho một khóa học".

Nở rộ lò luyện thi đánh giá năng lực: Chuyên gia chỉ cách ôn thi hiệu quả - Ảnh 1.

Thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: HUST

Hoàng Huy, học sinh lớp 12 trường THPT Lê Chân (Hải Phòng) thì chia sẻ: "Em có tìm hiểu thông tin về các khóa ôn luyện thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội trên mạng internet nhưng khá mơ hồ về việc trung tâm ôn nào luyện chính thức và có hiệu quả nhất. Có một số anh chị nói ôn qua lò luyện thi đã chia sẻ rằng nên ôn, người khác lại nói không. Em băn khoăn không biết bắt đầu từ đâu".

Không học tủ, không cần lò luyện

Nỗi niềm của Thanh và Huy cũng là băn khoăn của nhiều thí sinh có ý định tham dự kỳ tuyển sinh riêng (đánh giá năng lực, đánh giá tư duy) của các trường đại học trong năm 2023.

Về vấn đề này, đại diện các trường đại học đã có những chia sẻ rất hữu ích.

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, bài thi giá năng lực sẽ theo hiện đánh giá đa chiều, đánh giá theo tư duy, năng lực và thí sinh chỉ cần học tốt, nắm chắc kiến thức THPT là có thể tham gia bài thi đánh giá năng lực.

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo khuyến cáo: "Việc các em cố gắng ôn luyện ở trung tâm hoặc nơi khác, người ta dựa vào đề của các trường để tham khảo mình thấy na ná giống nhưng kho đề thi đánh giá năng lực cao năm nay rất cao, khoảng 10.000 đến 12.000 câu hỏi, nên các em ôn luyện ở trung tâm không mang lại hiệu quả".

Còn PGS.TS Nguyễn Phong Điền – Phó Hiệu trưởng Đại học Bách khoa khẳng định kỳ thi đánh giá tư duy của trường được tổ chức bài bản với mục tiêu tìm kiếm các thí sinh có khả năng tư duy tốt, vốn được rèn luyện và trau dồi trong quá trình học tập. Ông không khuyến khích học sinh học tủ, học lệch, và ôn luyện thông qua các lò luyện thi truyền thống.

Một kỳ thi khác trong năm nay cũng gây sự chú ý là thi đánh giá năng lực của Đại học Sư phạm Hà Nội. GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chia sẻ, thi đánh giá năng lực của trường có 8 môn thi gồm: Toán, Văn, Anh, Lịch sử, Địa lý, Hóa, Lý, Sinh. Đề thi mỗi môn có 2 phần, 1 phần trắc nghiệm, 1 phần tự luận.

Theo GS Minh, thí sinh sẽ không quá lạ lẫm với đề, đề thi môn Ngữ văn phần trắc nghiệm 30%, tự luận 70%. Các môn còn lại phần trắc nghiệm chiếm 70%. Ông cho biết, kiến thức đề thi nằm trong chương trình phổ thông. Song, mức độ nhận biết về cơ bản sẽ được nâng cao hơn.

Trước "ma trận" ôn thi đánh giá năng lực mọc lên "như nấm", GS Nguyễn Văn Minh khẳng định thí sinh không cần học thêm, luyện thi vẫn hoàn toàn có thể hoàn thành tốt kỳ thi này.

Đại diện các trường đều cho biết không có trung tâm luyện thi của trường, mà đó chỉ là những trung tâm "trôi nổi" trên mạng xã hội, ra đề thi chưa được kiểm chứng, có khả năng quá khó, quá dễ, hoặc sai…

Vậy làm thế nào để bài thi đánh giá năng lực được điểm cao?

TS Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng, Đại học Quốc gia TP.HCM cho hay, học theo cách nhớ để đạt điểm cao thì không phải là tốt nhất, mà nên hiểu rõ các vấn đề, cần hệ thống hóa kiến thức lớp 11, 12, có sự kết nối giữa các khoảng kiến thức, hiểu về khái niệm, bản chất, ứng dụng… Đọc kỹ bài học, trao đổi với bạn bè và tìm hiểu về những ứng dụng. Kinh nghiệm giúp các thí sinh đạt điểm cao là khả năng đọc hiểu, đọc đọc tốt, xử lý tốt, logic hóa tốt sẽ có một phần kết quả khá cao.

"Đa phần thủ khoa chia sẻ đều có cách học tập nhẹ nhàng, không ai học lệch mà đạt điểm cao", Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng, Đại học Quốc gia TP.HCM chia sẻ.

Gợi ý về cách ôn luyện hiệu quả, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo cho biết: "Nếu tham gia ôn luyện, tôi vẫn nhấn mạnh quan điểm về thời gian học, học không tập trung thì học nhóm, nhưng phải có thời gian biểu rõ ràng. Các em cứ đi ôn luyện mà không tập trung học như vậy không hiệu quả".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem