Thông tin về kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm nay, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, chưa bao giờ điều hành chính sách của NHNN)lại khó khăn nhiều chiều như vậy. Doanh nghiệp rất khó khăn, thiếu đơn hàng, tồn kho lớn, trong khi nguồn tài chính đứt đoạn, giá cả nguyên vật liệu nhiều mặt hàng tăng làm ảnh hưởng tới giá thành sản xuất, sức mua trong và ngoài nước đều suy giảm,... tất cả đều ảnh hưởng đến điều hành chính sách tiền tệ.
Mặc dù trong điều kiện phức tạp nhưng vẫn đạt được một số kết quả.
Về điều hành lãi suất: Trong hơn 2 tháng đầu năm 2023, NHNN giữ nguyên các mức lãi suất điều hành trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao, diễn biến lạm phát trong nước và quốc tế vẫn khó lường. Để tiếp tục thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân, từ tháng 3/2023 đến tháng 6/2023, NHNN đã điều chỉnh giảm liên tục 04 lần các mức lãi suất với mức giảm 0,5-2,0%/năm. Đồng thời, NHNN tiếp tục khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Với các biện pháp điều hành và chỉ đạo của NHNN, đến nay, về cơ bản mặt bằng lãi suất đã ổn định, lãi suất tiền gửi và cho vay mới có xu hướng giảm dần. Lãi suất tiền gửi bình quân của các NHTM ở mức khoảng 5,8%/năm (giảm 0,7% so với cuối năm 2022); lãi suất cho vay bình quân VND ở mức khoảng 8,9%/năm (giảm 1,0%/năm so với cuối năm 2022).
Trong định hướng điều hành, Phó Thống đốc cho biết, NHNN sẽ điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; tiếp tục khuyến khích các ngân hàng tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
"Một vài ngày tới NHNN tiếp tục làm việc với các NHTM tiếp tục giảm cả mặt bằng lãi suất huy động và cho vay", Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Về điều hành tỷ giá: NHNN tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường để điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, phối hợp đồng bộ các công cụ CSTT để ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Thị trường ngoại tệ trong nước và tỷ giá diễn biến tương đối ổn định, thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ. NHNN mua được ngoại tệ từ TCTD bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước.
"Tỷ giá ổn định, trạng thái ngoại tệ của nền kinh tế được cân đối hợp lý, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mua USD tăng dự trữ ngoại hối nhà nước. Tin vui mới đây là Việt Nam tiếp tục không nằm trong danh sách giám sát về thao túng tiền tệ của Hoa Kỳ", Phó Thống đốc thông tin thêm.
Trong điều hành tín dụng: NHNN đã điều hành tín dụng hợp lý, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Năm 2023, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 khoảng 6,5% và lạm phát khoảng 4,5% được Quốc hội, Chính phủ đặt ra, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế; điều hành tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Đối với chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022-2023 thông qua hệ thống các NHTM đối với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, NHNN và các NHTM đã tích cực triển khai đồng bộ với tinh thần quyết liệt và khẩn trương (thông qua các Hội nghị, văn bản chỉ đạo, giải đáp, hướng dẫn, thông tin, truyền thông… liên tục từ khi chính sách được ban hành tới nay). Các TCTD vẫn đang dành nguồn lực từ chính TCTD để giảm lãi suất, hỗ trợ khách hàng khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh. Trên cơ sở nhận diện các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình dẫn đến kết quả thực hiện thấp, NHNN đã kịp thời tổng hợp, đánh giá, đề xuất kiến nghị và báo cáo Chính phủ.
Đến 15/6/2023, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,32 triệu tỷ đồng, tăng 3,36% so với cuối năm 2022, tăng 8,94% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP cả nước. Tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát.
Theo Phó Thống đốc, thanh khoản hệ thống dồi dào, điều này cho thấy vốn cho các doanh nghiệp, nền kinh tế là không thiếu. Đối với room tín dụng, ngay từ đầu tháng 2/2023, NHNN đã phân bổ tới các ngân hàng với mức hạn mức 11% trên định hướng năm nay là 14 - 15%, tùy theo điều kiện thực tế có thể tăng cao hơn hoặc thắt chặt hơn.
"Đến nay, dự kiến 14 - 15% vẫn được xác định là định hướng tín dụng của năm nay. Đến 15/6, tăng trưởng tín dụng đạt 3,36%, trong khi được giao là 11%. Điều này chứng minh hạn mức cho vay của các ngân hàng là thoải mái", Phó Thống đốc nói và đặt vấn đề "Vì sao vốn của doanh nghiệp chững lại?".
Theo ông Tú, có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Trong đó, chủ quan bao gồm cả 2 phía là từ ngân hàng và doanh nghiệp. Khách quan là từ thị trường, từ nền kinh tế thế giới đối với doanh nghiệp và ngân hàng.
"Hạn mức tín dụng đã được phân bổ vào đầu năm nhưng sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục giao thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng để các NHTM chủ động. Việc cấp tín dụng này tùy thuộc vào từng ngân hàng", ông Tú nhấn mạnh.
Bên cạnh kết quả đạt được, Phó Thống đốc cũng lưu ý: Nợ xấu do yếu tố khách quan đang "nhe nhóm" tại một số ngân hàng. "Có thể nợ xấu nội bảng chưa cao nhưng nợ có nguy cơ tiềm ẩn ở một số ngân hàng đang nhe nhóm. Điều này luôn đặt ra vấn đề cho an toàn hệ thống", Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Thông tin thêm về định hướng điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong thời gian tới, Phó Thống đốc thường trực cho biết, NHNN tiếp tục điều hành nghiệp vụ thị trường mở linh hoạt, chủ động, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống TCTD. Tái cấp vốn đối với TCTD để hỗ trợ thanh khoản, cho vay các chương trình đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hỗ trợ quá trình cơ cấu lại TCTD và xử lý nợ xấu; Điều hành công cụ dự trữ bắt buộc phù hợp với diễn biến kinh tế, tiền tệ, các biện pháp điều hành chính sách tiền tệ khác để thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ;
Tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường để điều hành tỷ giá phù hợp với điều kiện thị trường, phối hợp đồng bộ các biện pháp và công cụ CSTT để bình ổn thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô;
Điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 theo chỉ đạo của các cấp.
Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng và hoạt động TTKDTM, đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin, ngân hàng số, thanh toán số. Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán và chuyển đổi số.
Tiếp tục triển khai kết nối, khai thác thông tin dân cư tại Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, thẻ CCCD gắn chip, tài khoản định danh điện tử (VNeID) phục vụ dịch vụ công, nghiệp vụ thông tin tín dụng và phòng chống rửa tiền; phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong ngành ngân hàng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.