Nơi chiến tranh còn ở lại: Trường Sơn thánh địa

Thứ ba, ngày 24/07/2012 19:41 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Không chỉ với những người lính Đoàn 559, mà với toàn thể người dân Việt, Nghĩa trang Trường Sơn là thánh địa. Nơi ấy yên nghỉ hơn 1 vạn linh hồn bất tử của những người lính Trường Sơn huyền thoại.
Bình luận 0

Thầm lặng giữa Trường Sơn

Tháng 7, ngập nắng nhưng dòng người đổ về Trường Sơn đông nườm nượp. Dù đến đây bao lần cũng khó có ai cầm lòng được trước hàng vạn ngôi mộ trắng san sát, tít tắp dưới những hàng cây dài. Lặng lẽ giữa những ngôi mộ là những người quản trang ngày lại ngày cần mẫn chăm lo các phần mộ liệt sĩ như chăm sóc mộ phần của gia đình mình.

img
Một góc Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn.

Ông Nguyễn Tài Anh – Phó ban quản lý Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn cho biết, cả chục người làm quản trang ở đây có chung hoàn cảnh như chồng là thương binh, vợ là thanh niên xung phong. Khi chiến tranh kết thúc, họ tình nguyện ở lại Nghĩa trang Trường Sơn, với những người đồng đội năm xưa, thay gia đình của anh em, giữ yên bình cho giấc ngủ ngàn thu của người nằm lại.

Những năm 1980, nghĩa trang mới hình thành; điều kiện kinh tế còn khó khăn nên rất ít người biết mà đến nơi này. Mùa mưa sũng nước, mùa khô nắng, gió cháy cả lá cây, khu nghĩa trang biệt lập giữa núi rừng như một thế giới riêng, lặng lẽ, cô độc. Đêm ngủ, những quản trang còn nghe cả tiếng hổ gầm, ngày đi phát cỏ va cả vào hoẵng. Ngày đó không ngoa khi nói rằng, ở đây ngày, đêm những người quản trang chỉ biết bè bạn với những linh hồn liệt sĩ. Ông Nguyễn Tài Anh kể: “Ở nghĩa trang thời ấy còn khổ hơn thời chiến tranh, lúc còn cuộc chiến, còn anh em qua lại hàng ngày, còn được gặp người, giờ chỉ có mười mấy con người sống giữa rừng cây và rừng mộ”.

Không biết bao nhiêu mồ hôi của những người quản trang đã đổ xuống khu nghĩa trang này, chỉ riêng việc tưới cho hàng vạn cây xanh trong mùa khô đã thực là một kỳ công. Không có điện cho máy bơm, anh em gánh nước tưới cây, nắng, gió Lào, nước đổ xuống kêu xèo xèo, ẩm mặt được vài phút lại khô don. Nước tưới rau không có nhưng nước tưới cây bên mộ liệt sĩ thì không thể thiếu.

Chợ xa, rau không trồng nổi nên bữa ăn của anh phần lớn… như thời chiến, với rau rừng, cá mắm. Nghĩa trang có cây cóc, anh em coi như cây đặc sản, khi nào bí hay có khách mới được hái lá để ăn và đãi khách. Có lúc thèm rau ăn cả quả bồ đề non chấm muối “như thời trẻ con ra đình vặt quả đa, quả đề ăn”. Cũng nhờ những gian khổ ấy mà nghĩa trang gây dựng được cảnh quan kỳ vĩ vào bậc nhất của cả nước.

Cây Phật và những chuyện thật không dễ tin

Ông Nguyễn Tài Anh cho rằng, ở Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn mọi thứ đều linh thiêng, nhưng linh thiêng nhất là cây bồ đề ở tượng đài Tổ quốc ghi công. Ông và những người quản trang ở đây không biết chính xác là cây bồ đề trên mọc thời điểm nào. Chỉ nhớ năm 1980 cây bằng bắp tay mọc chính giữa vách sau tượng đài, ở độ cao hơn 1m. Mùa mưa năm 1980, rễ tỏa xuống lòa xòa bám đến đất, cây lớn nhanh như thổi.

Đến năm 1990 đã có vóc dáng của cây bồ đề cổ thụ, tán tròn vươn lên trời xanh che cho tượng đài. Anh em bảo buổi chiều nắng đẹp tán cây như vòng hào quang ngũ sắc vây quanh tượng đài. Năm 2005, tượng đài được xây mới, những người xây dựng quyết tâm giữ lại cây bồ đề. Nhiều người bảo cây bồ đề ấy là cây của Phật gửi xuống che chở cho những linh hồn yên nghỉ trong nghĩa trang. Cũng có người bảo cây ấy do linh khí của những người lính trong trong nghĩa trang này tụ nên thành cây Phật.

Quản trang Nguyễn Tất Quang kể: Nhiều khách đến thăm nghĩa trang cố nhặt, mang một lá bồ đề rụng về để làm kỷ niệm, thậm chí đặt lên bàn thờ để trừ tà, cầu phúc. Bên cạnh cây bồ đề, “linh vật” ở Nghĩa trang Trường Sơn còn được kể đến là cái hồ nước nhỏ phía tây. Hồ không bao giờ cạn dù trời Quảng Trị có nắng hạn đến mức nào. Anh em kể những năm đại hạn như năm 1998, hàng vạn cây trồng trên khu mộ sống được cũng nhờ có nước tưới lấy từ hồ này.

Đã có nhiều thân nhân của liệt sĩ lo lắng chồng, cha, con, em mình phải nằm nơi heo hút định đến đưa mộ về quê nhà. Đến đây thấy người thân nằm giữa đồng đội, mát mẻ và thực sự ấm áp thì đồng ý để các anh ở lại.

Những quản trang và những người từng ở lại Nghĩa trang Trường Sơn khẳng định: Mỗi buổi sáng trong tỏ mờ sương núi, họ vẫn thường nghe tiếng hô thể dục buổi sáng rất rõ ràng. Rồi bóng những hàng quân rầm rập đi, cả tiếng hát mở đường chập chờn của các cô thanh niên xung phong, lúc xa lúc gần…

Con đường đến Nghĩa trang Trường Sơn hôm nay dù đi từ Bắc vào hay từ Đông Hà lên đều rất thuận tiện. Đã có một xóm nhỏ ven nghĩa trang bán đồ lưu niệm cho du khách. Đến với nghĩa trang không chỉ có nước mắt của những thân nhân liệt sĩ, những đồng đội.

Nghĩa trang nay đã thành điểm dừng chân của du khách trong và ngoài nước trong chặng đường tìm hiểu về lịch sử đất nước và những kỳ tích Việt Nam. Cũng đã có không ít đôi trai gái chọn nơi này là điểm đến trong ngày cưới, tưởng nhớ những người đã nằm xuống để bắt đầu cho cuộc sống lứa đôi.

Bài 3: Nghĩa trang một nấm mộ chung

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem