Tủi hổ và đau buồn, nhưng chị vẫn nổi bật trên đường ra ruộng lúa cùng với bao ánh mắt ghen tuông của những người phụ nữ cũng có con như chị mà ngực xệ, lưng dày. Đàn bà một thân một mình... Cổng nhà chị đêm đêm có tiếng chân đàn ông ngừng lại, để rồi sáng ra hai tai chị đong đầy lời ong tiếng ve chửi chó mắng mèo... Thương chị vì hoàn cảnh mà bị tai tiếng oan, bà hàng xóm khuyên chị chọn lấy một người đàn ông tử tế mà gật đầu cho yên ổn. Chị lắc đầu, ngậm lại câu nói trong miệng là chị vẫn còn phập phồng hy vọng, biết đâu chồng chị hồi tâm quay về.
Suốt mười năm, nỗi chờ đợi trôi qua trong mỏi mòn. Bà hàng xóm thở dài: “Có thương ai thì gật đầu nhanh đi, con bé lớn hơn nữa thì khó”.
Giữa những ong ve, chị có để ý một người. Chị đã thầm tưởng tượng cuộc sống của mình khi có người đó, hẳn là bớt vất vả, hẳn là đầm ấm, hẳn là con gái chị được có cha. Nhưng đúng như bà hàng xóm nhiều kinh nghiệm, trên đường đi học, nghe ngóng biết được mẹ mình có tình ý với người ta, con gái quăng cặp sách lao về nhà khóc lóc nức nở đòi bỏ học. Ti vi và báo chí hay kể về những đứa nhỏ hư hỏng vì hoàn cảnh gia đình, chị sợ.
Nuốt nước mắt vào lòng và lau nước mắt cho con, chị dỗ dành thủ thỉ là mình sẽ ở vậy suốt đời, chỉ hai mẹ con với nhau là đủ rồi.
*****
Ngày con gái chuẩn bị về thành phố để học đại học, bà hàng xóm thân tình nửa đùa nửa thật “Hồi đó cháu không chịu cho mẹ lấy chồng, bây giờ cháu đi học xa để mẹ ở nhà một mình”. Con gái ngạc nhiên mở to mắt, không nhớ ra cơn khóc nức nở của thời thơ dại, thậm chí không nhớ nổi gương mặt người đàn ông nhòe nước mắt khi mẹ mình cương quyết nói lời từ chối. Còn chị thì ngắm nhìn con gái càng lớn càng xinh đẹp và kín đáo quan sát đứa con trai cùng thôn cũng đang chuẩn bị lên đường học đại học. Ừ, đợi hai đứa học xong thì người lớn sẽ nói chuyện, chị sẽ xin bắt rể.
Nhà bên đó thích con gái chị nết na hiền lành nên thông cảm cho hoàn cảnh của chị, việc làm dâu hay ở rể không thành vấn đề. Rồi chị sẽ có một gia đình đông đủ như ai, khi nhà dột có con rể trèo lên mái trám trít lại, khi trồng bầu bí có con rể chặt tre làm giàn... và những đêm trăng sáng chị sẽ cùng con cháu quây quần ngoài sân hóng gió mát như nhà hàng xóm, chứ không còn là chiều tối vừa buông xuống đã vội vàng gài chốt cửa.
Bốn năm con gái đi học xa nhà, rất nhiều lần chị mơ tới ngày đó. Thậm chí chị đã âm thầm tìm cách xin một chân làm việc ở ủy ban huyện cho con gái ngay sau khi ra trường. Nhưng con gái chị và chàng trai cùng thôn không đi tới đâu, người mà con gái chị đưa về nhà ra mắt mẹ là một chàng trai con nhà ở phố.
Chàng trai phố vừa vui vẻ xắn tay áo giúp chị sơn lại cái hàng rào, vừa khoe ba má mình đã xin được việc làm cho cả hai đứa, điều mà các bạn mới ra trường còn phải chạy vạy khắp nơi mà chưa được.
Trong khi chàng trai cố tỏ cho chị biết gia thế nhà mình đủ sức lo cho hai đứa một tương lai tốt đẹp, thì con gái rơm rớm nước mắt rụt rè hỏi: “Hồi đó... đúng là con khóc lóc không chịu hả mẹ?”. Giọng hối hận của con khiến chị thấy thương quá chừng. Lần khác, con gái lại rụt rè nhắc chuyện cũ và hỏi: “Người ta... người mà thương mẹ đó..., bây giờ... có còn không?”.
Nghe là biết con gái thấu hiểu sự cô đơn của mẹ. Nghe là biết con gái đang tự trách mình biết thương mẹ quá muộn màng. Chị cười: “Mẹ quen rồi mà, không sao đâu”, nói với con như vậy mà chị không giấu nổi cái rùng mình. Suốt bốn năm con gái đi học, chị đủ sức chống chọi với sự đơn độc nhờ giấc mơ về cuộc sống có con cháu quây quần. Bây giờ thì...
“Hàng ngày tụi con sẽ về nhà với mẹ”, con gái nói quả quyết.
****
Thành phố phát triển về hướng thôn xã của chị, khiến con đường đất được mở rộng và tráng nhựa phẳng lì, giúp cho khoảng cách năm mươi cây số từ phố về nhà chị trở nên dễ dàng. Chiều nào con rể cũng bon bon chở con gái chị về nhà ăn cơm và ngủ lại, sáng sớm hôm sau chị nấu xôi sớm cho hai đứa kịp về phố để đi làm.
Cuối tuần, con rể hào hứng vác cuốc đi theo sau chị ra vườn. Vóc dáng thư sinh cầm cái cuốc khiến hàng xóm bật cười, còn chị thì thấy hồ hởi trong lòng, biết là con gái mình được yêu thương nhiều lắm.
Bà hàng xóm tặc lưỡi: “Cứ tận hưởng đi, được ngày nào hay ngày ấy”. Chị cười buồn ngước nhìn trời, mùa mưa sắp tới rồi, chị thật là có tội nếu cứ để hai đứa phải chạy xe trong mưa, ngay cả đẹp trời đi nữa mà ngày nào cũng phải chạy xe đi về hàng trăm cây số thì làm sao được. Không nên đợi tới lúc con rể nói mệt quá rồi, con gái sẽ phải khóc... Và nếu ngay cả điều đó không xảy ra thì chị cũng không thể tiếp tục để con cái vì nỗi hiu quạnh của mình mà phải vướng bận.
Chị phải sớm tự quyết định thôi.
****
Tôi gặp chị trong một chuyến hành hương do nhà chùa tổ chức, đi tới nơi nào thì ăn ở tại chùa nơi đó. Chùa có phòng ốc rộng rãi thì chúng tôi ngủ trên giường riêng lẻ từng người, chùa nhỏ thì trải chiếu dưới nền và nằm sát bên nhau. Vui vui là, chính kiểu ngủ nằm trên nền chật chội lại khiến những câu chuyện tâm tình dễ dàng thổ lộ, tôi được nghe chị tâm sự từ những đêm nằm bên nhau như vậy.
Chị nói chuyến đi này là chị muốn tìm một ngôi chùa thích hợp với mình. Nói tìm một ngôi chùa cho mình mà giọng chị buồn rầu đến nỗi khiến tôi chạnh nhớ tới câu cô con gái hỏi chị: “Người ta... người mà thương mẹ đó... bây giờ... có còn không?”.
Chắc là không. Lâu quá rồi. Người ta đã quên hoặc có nhớ thì cũng chỉ trong ký ức. Nếu còn thương thì hẳn người ta đã tìm lại, bởi vì bao nhiêu năm trời chị vẫn ở đó, một mình, ai cũng biết.
Nhưng còn người khác, người nào đó mà chị sẽ gặp trên đường đời còn lại. Ngay tôi đây, mấy ngày cùng ăn ở với nhau, biết tính tình chị hiền hậu dễ thương, tôi đã muốn mai mối chị cho ông anh họ góa vợ, chỉ sợ chị chê anh tôi thô thiển mà thôi. Nghe tôi nói, chị bật cười. Tiếng cười buồn như không dám tin điều tôi nói có thể thành sự thật.
Kết thúc chuyến đi, tôi hẹn sớm gặp lại chị ở một nơi nào đó chứ không phải ở chùa.
Chị đỏ mặt, mỉm cười.
(Theo PNO)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.