Liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi đang là xu hướng tất yếu để đảm bảo sản xuất nông nghiệp bền vững nhất là ở vùng cao của huyện Bát Xát.
Phù hợp trồng ở vùng cao
Sâm đất còn có tên gọi khác là khoai sâm, củ này có lớp vỏ nhẵn, bên trong có màu vàng nhạt, khi ăn có mùi thơm đặc trưng.
Sâm đất có thể ăn sống như món tráng miệng, để giải khát hoặc nó cũng có thể chế biến thành để nấu món sâm đất ninh sương, xào với thịt… Thành phần của loại củ này có chất saponin, là một chất có trong củ sâm Hàn Quốc rất tốt cho sức khỏe con người.
Một khóm sâm đất vừa được nhổ lên.
Loại củ này có giá trị dinh dưỡng cao, có tác dụng bồi bổ sức khoẻ, nhất là phù hợp với người ăn kiêng… Chính vì vậy sâm đất dần được nhiều người biết đến và tìm mua.
Cách đây khoảng 5-6 năm, một số hộ dân ở Y Tý đã trồng loại cây này trong vườn nhà. Tuy nhiên, họ không sử dụng hết nên đã mang ra chợ bán, bất ngờ là sâm đất lại được nhiều người ưa chuộng. Số lượng củ sâm đất bà con thu được không đủ đến bán cho người tiêu dùng.
Từ đó, sâm đất bà con các xã A Lù, Ngải Thầu, Trịnh Tường... và cả Y Tý mạnh dạn đưa loại cây này về trồng đại trà, do đó diện tích sâm đất tăng nhanh chóng. Một đặc điểm của loại cây này đó là trồng ở những nơi có độ cao khoảng 1.800m so với mực nước biển thì củ sẽ ngon ngọt hơn. Mỗi gốc có thể thu khoảng 3 - 5 kg củ, năng suất khoảng 20 - 25 tấn/ha.
Một số thương lái có kinh nghiệm thu mua loại củ này cho biết, chất lượng củ sâm đất ở Bát Xát ngon, thơm, đậm đà và củ to đều hơn so với những nơi khác nên dễ bán.
Ông Lý A Quản ở thôn Chi Chu Lìn (xã Ngải Thầu, Bát Xát) là một trong những hộ có diện tích sâm đất lớn cho biết, gia đình bắt đầu trồng sâm đất từ cách đây 4 năm, nay diện tích trồng lên tới 1,5 ha. Đợt thu hoạch vừa qua, gia đình lãi khoảng hơn 30 triệu đồng.
Người dân phấn khởi được mùa sâm đất.
Cũng như ông Quản, hộ gia đình ông Vàng A Tùng, Trưởng thôn Ngải Thầu Thượng (xã Ngải Thầu) tiên phong trồng loại cây này.
Ông Tùng cho biết, sâm đất hiện được thu mua với giá 8 nghìn đồng/kg và mấy năm nay giá cả đều ổn định nên bà con rất yên tâm. Không những thế, có những doanh nghiệp đã lên tận Ngải Thầu bao tiêu đầu ra nhờ vậy bà con không mất công mang sâm đất xuống chợ để bán. Gia đình ông Tùng đợt thu hoạch vừa qua lãi khoảng 40 triệu đồng.
Liên kết tiêu thụ sản phẩm
Trước đây cũng có thời điểm người nông dân lao đao vì trồng sâm đất bởi do địa bàn các xã xa trung tâm, đi lại khó khăn nên có những thương lái lợi dụng điều đó để ép giá bà con.
Cụ thể, trong năm 2018, giá bán củ sâm đất đầu vụ một số thương lái thu mua 8 - 10 nghìn đồng/kg và giá cứ giảm dần tới mức chỉ còn 3 nghìn đồng/kg, cuối vụ họ không mua nữa. Bị "đánh úp", trong khi bà con nông dân không chủ động tìm đầu ra đã khiến hàng chục tấn sâm đất không bán được.
Chính vì vậy, UBND huyện Bát Xát đã giao cho Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện làm đầu mối tìm biện pháp tháo gỡ. Các cán bộ của trung tâm xuống Hà Nội và một số địa phương khác giới thiệu về loại củ đặc biệt này.
Qua đó, có những đối tác sẵn sàng bao tiêu đầu ra cho bà con nông dân của huyện Bát Xát. Chỉ riêng Cty TNHH Thạch rau câu Long Hải của tỉnh Hải Dương đã cam kết th mua khoảng 200 tấn củ sâm đất mỗi năm.
Công ty này chế biến sâm đất để chiết xuất thành nước uống đóng chai và sản xuất trà nhúng. Công ty cam kết thu mua với giá ổn định 6 - 8 nghìn đồng/kg và giá sẽ tăng theo thị trường. Do đó, dù sâm đất được bán với giá thấp nhất là 6 nghìn đồng/kg thì người trồng vẫn lãi khoảng 80 - 100 triệu đồng/ha/năm. |
Năm 2019, toàn huyện Bát Xát có gần 200 ha cây hoàng sin cô, tập trung ở các xã: Ngải Thầu, Y Tý, A Lù, Trịnh Tường.
Ông Lưu Trọng Dương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bát Xát cho biết, diện tích trồng sâm đất trên địa bàn huyện tăng nhanh qua các năm từ 10 ha vào năm 2015 thì đến nay là hơn 50 ha. Chứng tỏ, hiệu quả kinh tế mà loại cây trồng này mang lại…
Trong khi được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra, thì bà con cũng phải cam kết đảm bảo về mặt chất lượng, số lượng đối với doanh nghiệp. Trong đó, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bát Xát cử cán bộ đến từng thôn, hộ gia đình tuyên truyền, vận động người dân không thu hoạch sâm đất non để giữ ổn định chất lượng của loại củ này, đồng thời phổ biến lợi ích lâu dài của thỏa thuận bao tiêu sản phẩm.
Mặt khác, trung tâm còn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, bảo quản cho các hộ dân tham gia và đứng ra ký thỏa thuận thu mua củ sâm đất với chính quyền 3 xã có diện tích trồng tập trung gồm: Y Tý, Trịnh Tường, Ngải Thầu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.