Nơi Đức Phật chào đời thuộc quốc gia nào hiện nay?
Theo nhiều ghi chép, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chính là hoàng tử Tất Đạt Đa của vua Tịnh Phạn (Suddhodana), người đứng đầu tiểu quốc Thích Ca (Shakya). Kinh thành của tiểu quốc Thích Ca là thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu). Nhưng Đức Phật không sinh ra ở thành Ca Tỳ La Vệ mà chào đời ở vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini). Đại hội Phật giáo Thế giới đã thống nhất cho rằng Tất Đạt Đa sinh khoảng năm 624 trước Công nguyên và qua đời khi 80 tuổi (năm 544 TCN).
Đầu tiên, cần tìm hiểu về thân thế, sự ra đời của Đức Phật. Theo truyền thuyết, vợ chồng vua Tịnh Phạn và Hoàng hậu Ma Da cưới nhau đã 20 năm vẫn chưa có con. Một đêm nọ, hoàng hậu mơ thấy có 4 thiên thần đưa bà đến hồ Anotatta bên dãy Himalaya.
Sau khi tắm trong hồ, bà Ma Da được mặc cho bộ quần áo của thần tiên, xức dầu thơm, trang điểm bằng hoa. Không lâu sau có một con voi trắng dùng vòi nâng hoa sen trắng đi vòng quanh hoàng hậu 3 lần và đi vào bụng bà. Theo quan niệm của người Ấn Độ cổ, voi là loài vật linh thiêng. Chính vì thế sự xuất hiện của voi trong giấc mơ dự báo điềm lành sắp đến với Hoàng hậu Ma Da.
Bên cạnh đó, cũng có truyền thuyết cho rằng hoàng hậu đến hồ Anotatta rồi giẫm phải một dấu chân voi, không lâu sau thì mang thai.
Gần ngày sinh, hoàng hậu trở về quê nhà là tiểu quốc Koliya để sinh nở theo phong tục. Đến vườn ngự uyển Lâm Tỳ Ni của vua Thiện Giác xứ Koliya, bà ra lệnh cả đoàn dừng lại nghỉ ngơi. Nào ngờ khi đang đi dạo thì hoàng hậu đau bụng chuyển dạ, sau đó Thái tử Tất Đạt Đa (Siddhārtha) chào đời.
Trong truyền thuyết, hoàng tử vừa chào đời đã đi 7 bước, mỗi bước lại có một đóa sen đỡ dưới chân. Bước đến bước thứ bảy thì ngài dừng lại, 1 tay chỉ trời, 1 tay chỉ đất: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”.
Vườn Lâm Tỳ Ni là một địa danh có thật, ngày nay thuộc quận Rupandehi trên lãnh thổ Nepal, nằm dưới chân dãy Himalaya, cách Kapilavatthu 25km và cách biên giới Ấn Độ khoảng 36km. Ngày nay vườn Lâm Tỳ Ni vẫn còn tồn tại, chứa rất nhiều chứng tích quan trọng của một trung tâm hành hương Phật giáo từ đầu thế kỷ thứ 3 TCN như di vật khảo cổ của các ngôi chùa, tháp chùa.
Vườn Lâm Tỳ Ni thậm chí còn được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Thế giới vào năm 1997. Nơi đây được đưa vào kế hoạch phát triển thành một thành phố hòa bình của thế giới và là trung tâm học tập Phật giáo. Hàng năm có hàng triệu Phật tử đến khu vườn nơi Đức Phật sinh ra để chiêu bái.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.