Quá khứ, Hà Văn Phết (SN 1960) từng làm khuynh đảo giới giang hồ tại bến xe An Đông những năm đầu thập niên 1980 của thế kỷ trước. Thì nay, cũng đôi bàn tay ấy đã chai sần, rát buốt khi mỗi ngày phải bấu vào mỏm đá nóng bỏng gồng mình cõng hàng lên núi.
1. Dưới cái nắng nhức óc sau cơn mưa, những mỏm đá nhọn hoắt xếp lớp trên đường lên núi Bà Đen (Tây Ninh) tưởng như một con trâu đang bị hun khói. Nó nóng ran và trơn trượt. Người phu khuôn mình trần trùng trục, bóng loáng mồ hôi gùi những bao hàng lặc lè bấu vào mỏm đá nhích từng bước một. Nhìn từ dưới lên, cứ ngỡ đó là một cái mai rùa lầm lũi đang chạy đua với thỏ. Thấy cụ ông, cụ bà nào trên đường hành hương mệt mỏi, người phu khuôn sẵn lòng cõng luôn một đoạn.
Hơn 20 năm như thế, trên cung đường đá dốc thẳng đứng trên 1.000 mét từ dưới đất lên đỉnh núi Bà Đen, dáng người phu khuôn đã trở thành cái "mai rùa" quá quen thuộc và gần gũi với người dân bản địa và khách hành hương. Phải khó lắm chúng tôi mới khơi lại chuyện xưa trong tâm khảm của Hà Văn Phết, cũng khó lắm giang hồ hoàn lương này mới thanh thản trải lòng về ký ức mà ông thề rằng đã chôn lại ở cánh cửa trại giam ngày ra tù.
Hà Văn Phết không thôi ám ảnh về quá khứ.
Phết sinh ra trong một gia đình nghèo đông anh em tại Đức Hòa (Long An). Vừa biết được mặt chữ thì Phết đã phải bỏ học ở nhà phụ ba mẹ công việc đồng áng. 16 tuổi, gom vài bộ quần áo nhàu nhĩ nhét vào chiếc túi vải, Phết một mình lên Sài Gòn nuôi mộng đổi đời. Thế nhưng, phải bắt đầu từ đâu, phải làm những gì thì Phết không hề biết, Phết như chú chim nhỏ lạc bầy giữa chốn thị thành náo động.
Lang thang một ngày, Phết dừng chân ở bến xe An Đông (khu vực đường Lê Hồng Phong, quận 10, TP.HCM bây giờ). Thuở ấy, mọi đầu mối giao thông gần như đều tập trung tại bến xe An Đông. Bởi vậy, đây không chỉ là cửa ngõ giao thông ở thành phố mà còn trở thành một trong những lãnh địa kiếm cơm lí tưởng nhất của nhiều tay anh chị. Những đứa trẻ choai choai bằng tuổi Phết nhưng vẻ mặt đã đầy "xương xẩu". Giữa lúc chông chênh trước muôn vàn ngã rẽ, Phết được một đàn anh có máu mặt tại bến xe thâu nhận làm đệ tử. Từ một đứa trẻ bơ vơ, bỗng chốc Phết có hơn trăm người anh em… "đầu trâu mặt ngựa".
Bắt đầu buổi sáng của một đứa trẻ bụi đời, Phết theo gót đám đàn anh trong bang hội đi kiếm ăn. Đêm tối tụ tập lại cùng nhau chia chác chiến lợi phẩm rồi ăn chơi, đập phá. Thành phố những năm đầu thập niên 80, người tứ xứ khắp nơi đổ về bến xe rất nhiều. Lợi dụng tình trạng nhốn nháo, canh me lúc "con mồi" sơ sẩy là anh em của Phết giở nghề "hai ngón" (móc túi) ngay.
Phết được đàn anh dạy cho vài chiêu "hai ngón" quen thuộc mà hiệu quả. Vì thế không cần bỏ nhiều sức, chỉ cần chút tài lanh là Phết đã có tiền rủng rỉnh trong túi. Đêm về, Phết nằm nghĩ: "Ở đây kiếm tiền dễ quá, không cần cực khổ ra đồng như ba mẹ. Cuộc đời còn gì sung sướng hơn". Và thế là, con đường "kiếm ăn" của Phết mỗi ngày một dài hơn. Vốn là một đứa trẻ lanh lợi, lém lỉnh Phết "lĩnh hội" đầy đủ các chiêu "hai ngón" của đàn anh và ngày càng trưởng thành hơn. Ngoài việc "cuỗm" đồ của hành khách một cách chuyên nghiệp, Phết kiêm luôn việc đánh giày, bán vé số, bốc vác nhưng thực chất là làm "tai mắt" cho đại ca trong việc quản lý đàn em và thâu tóm hoạt động.
Hễ có ai đụng vào "miếng cơm" thì Phết sôi máu lên, trợn mắt, bặm môi sẵn sàng nghinh chiến. Đây được xem như thế giới ngầm khắc nghiệt. Sống trong nó luôn có những luật lệ nhất định. Muốn tồn tại, một là phải phục tùng đàn anh, hai là hạ gục đối phương để ngoi lên. Trong mắt nhiều người, Phết trở thành đứa trẻ lưu manh ngoại tỉnh dạt nhà đi hoang đầy liều lĩnh và manh động. Cuộc sống bầy đàn nơi cửa ngõ bến xe khiến những đứa trẻ đi bụi như Phết phải nanh nỏ, lưu manh để tồn tại. Đó chính là môi trường dẫn đến hành vi phạm tội nhanh nhất.
Đường lên núi Bà Đen hiểm trở.
Trong một lần đấu đá với băng nhóm khác, đàn anh của Phết bị trọng thương, hoàn toàn mất hết uy lực để lãnh đạo. Hơn trăm đàn em bỗng chốc như rắn mất đầu, hoang mang, hốt hoảng. Giữa tình thế nguy cấp ấy, Phết ngạo nghễ đứng lên trấn an mọi người, thề sẽ trả thù cho đàn anh và giữ vững được lãnh địa. Một cuộc họp bất thường diễn ra, tất cả thống nhất tôn Phết lên làm thủ lĩnh bang hội. Từ đây, đứa trẻ dạt nhà đi hoang bắt đầu cuộc sống hoàng kim, dưới trướng luôn có đám đàn em sẵn sàng chết vì đại ca. Khi ấy, Phết mới ngoài 20 tuổi.
Để thị uy và bành trướng địa bàn, Phết chỉ huy đàn em "đụng độ" với các băng nhóm khác, sẵn sàng "đao búa" để giành lợi ích. Vào thời điểm đó, nhiều người nhận xét Phết là đứa trẻ tài không đợi tuổi. Từ ngày lên làm đại ca, Phết không còn phải lăn lộn mưa gió bên ngoài mà chỉ ngồi một chỗ "chỉ tay bắt việc". Phết sống như ông trời con, ăn chơi vô độ, muốn gì có đó. Trong người Phết luôn giắt sẵn dao, khi cần thì "chọc" luôn.
Tiếng tăm tới mức cánh tài xế, xe ôm vốn là dân chợ búa, sống bất cần, cũng phải e dè. Chiến lợi phẩm thu được từ nghề "hai ngón" và đâm thuê chém mướn, Phết và đàn em ném vào những cuộc ăn chơi, mua sắm hết veo. Phết luôn có suy nghĩ: "Tiền ở dưới chân khi nào thích thì cúi xuống nhặt cần gì phải mua két đựng". Và Phết xem cái nghề của mình đang làm là chính đáng. Việc Phết làm nghề cướp giật ở thành phố đã lan về tận quê, cha mẹ Phết vô cùng choáng váng. Ông bà lặn lội lên khuyên con quay về quê làm ăn lương thiện, nhưng Phết bỏ ngoài tai tất cả. Bởi, Phết đã và đang sống cuộc đời của một "ông vua", có chết, Phết cũng không bao giờ rũ bỏ "ngai vàng".
Bến xe An Đông được ví như "mỏ vàng" là nơi kiếm ăn dồi dào lại chẳng mấy khó khăn. Ngoài băng nhóm của Phết thì mỗi ngày rải rác các băng nhóm từ quận, huyện khác cũng kéo đến tranh giành lãnh địa. Một là phải thanh trừng loại bỏ đối phương, hai là sáp nhập băng nhóm. Chính điều này đã xảy ra những cuộc thanh toán đẫm máu. Tình hình an ninh trật tự ngày càng rối loạn khi các băng nhóm vươn ra những địa bàn bên cạnh. Băng hội của Phết nằm trong tầm ngắm của công an. Trong một lần "tung lưới", Phết và đồng bọn đã phải tra tay vào còng, kết thúc quãng đời huy hoàng nhất của đại ca tỉnh lẻ. Phết bị kết án ba năm tù giam.
2. Ngần ấy thời gian làm bạn với bốn bức tường, Phết tĩnh tâm và nghiệm lại quá khứ của mình. Phết nhớ ba mẹ, anh chị em ở quê nhà. Nhiều đêm, Phết ôm mặt vào tường khóc ông ổng như đứa trẻ bị cha mẹ đánh. Ngày ra tù, Phết lẻ loi, cô độc. Không một ai đến đón, Phết lặng lẽ tìm về bến xe An Đông. Đám đàn em năm xưa giờ không còn gặp được ai, tất cả tan tác. Không còn chỗ đứng, Phết thất vọng ê chề. Vậy là bao nhiêu năm đổ máu "xông pha", cuối cùng Phết quay về vạch xuất phát, giống như cái ngày một mình bước chân lên thành phố. "Cái kết cục của giang hồ là thế, nhân quả nhãn tiền". Phết lẩm bẩm một mình.
Nơi cửa Phật, Phết đang từng ngày gội rửa lỗi lầm.
Phết quyết tâm "vác mặt" về nhà, để ba mẹ nguyền rủa, mắng nhiếc đứa con hư hỏng này. Nhưng ngày trở về, ngôi nhà vắng tanh, ba mẹ Phết đang "ngồi" trên bàn thờ. Họ hàng nói với Phết rằng, ông bà đau buồn chuyện con trai đi ăn cướp nên đổ bệnh qua đời. Phết gầm lên một tiếng, chạy ra bờ sông Vàm Cỏ, định lao đầu xuống tự tử. Bóng Phết nhục nhã, đau khổ in hằn dưới lòng sông, nỗi ân hận không gì xóa nhòa được. Gặp người nông dân đang chài lưới, ông ta nhận ra Phết, buông một câu: "Sao phải chết nhục. Sống hiên ngang thế mà". Khóc một hồi, Phết quên luôn ý định tự vẫn.
Phết xách túi ra đi, ngày làm cửu vạn tối về ngả lưng ngẫm nghĩ cuộc đời. Sống trong giang hồ quen nay đây mai đó, Phết không ở yên một nơi nào quá lâu. Phết bắt đầu một hành trình lang bạt từ Bắc chí Nam. Từ lơ xe, bán hàng dạo, thợ hồ… chỉ cần có tiền sống. Quá khứ tội lỗi luôn ám ảnh Phết khôn nguôi, đã cố quên nhưng lại càng nhớ, Phết giận dữ với chính bản thân mình, ân hận nhất là bất hiếu với ba mẹ, đã không còn cơ hội trả hiếu nữa.
"Con ngựa chạy mãi cũng chùn chân", sau một đêm trăn trở, Phết quyết định lên núi Bà Đen nép mình nơi cửa Phật. Phết nhận khuân vác đồ dùng cho nhà chùa và khách hành hương. Sức vóc vạm vỡ, rắn rỏi, thấy cụ ông cụ bà nào khó nhọc bước lên núi, Phết xin được cõng. Lúc đầu họ tưởng đó là chiêu moi tiền của "cò" nên dè chừng. Hiểu được ý, Phết nói luôn: "Làm giúp thôi, không lấy tiền đâu". Nhiều người cảm kích dúi vào túi vài đồng, Phết chối phăng.
Những ngày làm phu khuôn, Phết gặp được người vợ bây giờ. Cuộc sống của Phết trở nên ý nghĩa hơn khi những đứa con ra đời. Phết càng chăm chỉ lao động, làm việc cật lực để đêm về mệt nhoài, giấc ngủ sẽ đến nhanh hơn, không có thời gian suy nghĩ về quá khứ.
Rít một hơi thuốc thật dài, Phết trầm ngầm: "Tôi giờ thoải mái rồi. Ở đây ai cũng quý, công việc nặng nhọc vất vả nhưng tôi làm riết cũng quen. Ngày nào không mang vác cái gì trên vai, không đổ mồ hôi, không lên núi vài lần là thấy khó chịu. Hình như tôi nghiện mùi khói hương và nghiện luôn tiếng chuông chùa rồi thì phải".
Ngọc Thiện (Cảnh sát Toàn cầu)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.