Đại ca xứ Nghệ "thích là chém"
Xuất thân trong gia đình có văn hóa, bố là cán bộ nhà nước, Lại Thế Sơn học hết cấp 3 cũng thi vào Trường trung cấp Hóa chất Lâm Thao ở Phú Thọ. Sơn mong muốn con chữ sẽ giúp mình trở thành công chức nhà nước như bố. Thế nhưng kể từ khi bước chân đến mảnh đất Phú Thọ, Thế Sơn rẽ vào bước ngoặt cuộc đời.
Lại Thế Sơn kể về quá khứ "đình đám" của mình.
Thuở sinh viên, sống trong khu ký túc với bạn học cùng trường, chàng thanh niên xứ Nghệ vốn hiền lành, ít nói bị bạn bè bắt nạt. Những trận đánh hội đồng khiến Sơn ê ẩm khắp người, mỗi lúc đặt lưng xuống giường nằm là cơ thể nhói đau. Ban đầu Sơn còn cắn răng chịu đựng, nhưng mọi chuyện lại tái diễn, Thế Sơn quyết một phen ăn thua để "dằn mặt" lại.
Sơn tập trung đồng hương xứ Nghệ, tất cả cùng đến đánh cho đám sinh viên kia một trận nhớ đời. Từ đó, Sơn không còn bị bắt nạt nữa, nhưng cái suy nghĩ kẻ mạnh là có quyền khiến Thế Sơn bước sai con đường. Sơn tiếp tục giao du với đủ loại thanh niên, kết nối bè cánh và dần trở thành một tay anh chị từ lúc nào không hay.
Những chuyện bạn bè đồng lứa làm gì không vừa ý, Sơn sẽ cho "đàn em" đi giải quyết hộ. Để thể hiện bộ mặt "đàn anh", Thế Sơn dính vào ma túy và trở thành con nghiện "có tiếng" trong giới sinh viên đất Phú Thọ bấy giờ.
Ngày trở về quê, Sơn tiếp tục lập hội và "xưng hùng, xưng bá", trở thành đại ca nổi tiếng trên đất Diễn Châu. Bên dưới luôn có mấy chục đàn em sẵn sàng "ra tay" sau câu mệnh lệnh của Thế Sơn. Chẳng thế mà chỉ cần có xích mích nhẹ, động chạm đến lòng tự ái là Sơn cho đàn em cầm kiếm đến "xử đẹp".
Có thời điểm đá đỏ Quỳ Châu đang thành cơn sốt, Sơn tham gia đi đào vàng và kiếm được một số tiền. Có người gạ bán lại cho cái xe máy, ưng con "bạch bạch" Sơn chấp nhận mua sử dụng. Xe đi ít hôm hư lên hư xuống, Sơn cùng đàn em tay lăm lăm hung khí đến chém. Nạn nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch, còn Sơn vướng lao lý.
Cuối tháng 12.1992, khi đi qua trạm gác chắn đường sắt đoạn ngã ba Yên Lý (xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu), Sơn bị nhân viên đường sắt chặn lại không cho đi vì tàu sắp đến. Chuyện chỉ có thế, nhưng gã giang hồ với bản tính hung hãn đã rút kiếm “tẩn” cho nhân viên nhập viện.
Ra tù, vào tội cũng chỉ vì bản tính thích là chém, "ngứa mắt" là đánh, "sổ đen" của công an ghi tên Thế Sơn được liệt vào tốp trên.
Có người con lỳ lợm, bố Sơn và gia đình buồn lòng, khuyên nhủ bao nhiêu cũng không được. Để không phải nghe những lời khuyên nhủ của gia đình, Sơn bỏ đi lang bạt cùng đàn em và bành trướng thanh thế hơn. Các phương tiện bắt khách qua lại trên QL1A đoạn qua địa bàn huyện Diễn Châu đều bị nhóm của Sơn "làm luật".
Tài xế nào chống đối thì khỏi phải nói, làm ăn luôn bị nhóm anh quấy phá. Dần các xe "đi vào khuôn khổ", "phí" chi đều đặn hàng tháng nên tiền nong đối với anh là không thiếu. Kiếm tiền dễ dàng bằng "luật rừng", gã giang hồ lún sâu vào con đường hút chích, nghiện ngập nặng, lần lượt 2 người vợ đến với Sơn rồi ra đi.
Tuyến QL1A đoạn qua địa bàn huyện Diễn Châu.
Kẻ giang hồ thức tỉnh nhờ tình yêu
"Con ngựa bất kham" khiến cánh lái xe trên QL1A khiếp sợ ấy lại bị cảm phục trước một nữ y tá đã có một đời chồng và 1 người con.
Hôm đàn em của Sơn bị chém, Sơn đưa đệ tử vào Bệnh viện Đa khoa huyện Diễn Châu cấp cứu với thái độ ngông cuồng, yêu cầu phải bác sĩ khẩn trương khâu vá. Lúc đó vào ban đêm, chị Đinh Thị Oanh vừa xử lý vết thương cho bệnh nhân vừa sợ hãi trước sự hung hãn của đại ca xứ Nghệ.
Theo quy định bệnh viện, những ca nhập viện do đánh nhau sẽ bị phạt 200 ngàn đồng, nhưng cô nữ y tá không biết mở lời như thế nào với gã giang hồ.
Khâu vá xong, chị Oanh nói với Thế Sơn: "Chú ơi, đây là ca đánh nhau đưa vào cấp cứu, tôi đã khâu vết thương giúp em chú, chú đóng tiền cho tôi để tôi nộp cho bệnh viện”. Không như chị lo nghĩ, Thế Sơn đã thanh toán viện phí đầy đủ.
Sau lần đó, người ta thấy Thế Sơn lui tới bệnh viện thường xuyên hơn. Không phải là đến cấp cứu hay đưa người đi cấp cứu, Sơn vào chỉ để trò chuyện ít câu với những y, bác sĩ, trong đó có chị Oanh rồi vội vàng bỏ đi. Mỗi lần như thế, Thế Sơn thể hiện hình ảnh khác hoàn toàn, ăn mặc chỉn chu, ăn nói có duyên và còn tếu táo hài hước.
Rồi thế nào mà chị Oanh lại xiêu lòng trước gã giang hồ ngang ngược, bất chấp sự phản đối của gia đình, chị quyết đi bước nữa với anh.
"Ai nghĩ là cưới ông ấy làm chồng đâu, một con người nhà nước lại đi cưới với kẻ giang hồ. Nhưng cách nói chuyện và khiếu hài hước khiến tôi không kìm nén được tình cảm. Ông ấy còn tuyên bố, tôi là của ông ấy, ai mà léng phéng đến gần ông ấy 'thịt'. Hôm nghe tin tôi đồng ý làm người yêu của đại ca khét tiếng xứ Nghệ, bạn bè đồng nghiệp, gia đình kịch liệt phản đối. Bảo thiếu gì người sao phải đi yêu kẻ giang không nghề nghiệp, tính tình ngang ngược thích chém ai làm chém. Biết thế, nhưng trước mặt tôi chưa bao giờ ông ngang tàng, thậm chí quan tâm và chiều chuộng hết mức. Cái quan trọng nhất, gặp ông tôi thấy vui, hôm nào ông ấy không đến tôi cảm thấy thiếu vắng" - chị Oanh kể lại.
Khi yêu, chị không hề hay biết Sơn bị nghiện, đến lúc biết điều này thì tình cảm nữ y tá dành cho gã giang hồ kia đã quá nhiều. Bất chấp tất cả, hai người đến với nhau và sinh hạ thêm được 2 người con.
Từ bỏ giang hồ, anh Sơn hạnh phúc bên vợ.
Tuy nhiên, lấy vợ xong bản tính của đại ca ngày nào vẫn không thay đổi, Sơn bỏ mặc vợ con để cùng đàn em ngang dọc rồi cuối cùng vướng vào vòng lao lý.
Sau cú sốc này, nữ y tá không bỏ cuộc mà bền bỉ vào thăm chồng trong trại giam cùng những lời những lời thỉnh cầu mong anh quay đầu lại, tu chí lo tương lai. Nhận ra tình cảm chân tình mà vợ con đã dành cho mình, Sơn quyết tâm từ bỏ giang hồ và cai nghiện, bù đắp lại những gì thời gian qua đã sống uổng phí.
Bây giờ về Diễn Hồng, người ta thấy một Thế Sơn đã hoàn toàn đổi thay. Mảnh đất của gia đình ngay mặt đường QL1A cạnh Cầu Lồi, anh tận dụng để kinh doanh, hai vợ chồng có cửa hàng buôn bán đủ loại. Kinh tế gia đình đã đi vào quỹ đạo phát triển ổn định.
(Theo VTC News)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.