Nơi lưu giữ "bằng chứng thép" chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam

Nam Cường Thứ ba, ngày 21/04/2020 16:16 PM (GMT+7)
Với hơn 300 tài liệu, hiện vật..., Nhà trưng bày Hoàng Sa (Đà Nẵng) được xem là kho "bằng chứng thép" khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam.
Bình luận 0

Trong khi Chính phủ Trung Quốc ngang ngược tuyên bố thành lập cái gọi là "khu Tây Sa" (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và "khu Nam Sa" (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại "thành phố Tam Sa", tại Nhà trưng bày Hoàng Sa nằm trên đường Hoàng Sa (Sơn Trà, Đà Nẵng) hiện nay là nơi lưu giữ hơn 300 tài liệu, hiện vật được xem là "tàng thư" chứng cứ về chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

img

"Tàng thư" Nhà trưng bày Hoàng Sa, nơi gìn giữ những bằng chứng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa. Ảnh: Nam Cường

TS Lê Tiến Công - Phó Giám đốc phụ trách Nhà trưng bày Hoàng Sa cho biết, Nhà trưng bày Hoàng Sa được UBND huyện đảo Hoàng Sa (TP.Đà Nẵng) tổ chức khởi công xây dựng vào ngày 7/12/2015. Nhà trưng bày xây dựng trên khu đất có tổng diện tích 1.296m², trong đó diện tích xây dựng là 412m², có 1 trệt, 3 tầng nổi, cao 18m với diện tích sàn 1.824m² do Công ty Kiến trúc WRIGHT (Nhật Bản) tư vấn thiết kế. 

Trải khắp 3 tầng, hàng trăm tài liệu, hiện vật đều được gìn giữ cẩn thận và là bằng chứng sống động, chặt chẽ về chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Du khách trong và ngoài nước có thể dễ dàng tiếp cận, đọc và nghiên cứu tài liệu. Đó là những tấm bản đồ xưa, những giấy báo tử, những hình ảnh quân đội Việt Nam Cộng hòa... trên các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa. Hàng trăm ngàn bài báo, đầu sách, các hiện vật được lưu giữ, tất cả đều minh chứng một điều quá rõ ràng: Hoàng Sa - Trường Sa đã thuộc chủ quyền của Việt Nam từ xưa tới nay.

img

Trên bản đồ India Orientalis do nhà địa lý người Hà Lan Hondius I vẽ năm 1963, 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được vẽ nối liền với nhau...

Theo TS Công, một trong những hiện vật quan trọng mà bảo tàng tiếp nhận cách đây không lâu, cũng như lưu giữ được bản gốc là "giấy báo tử" (trích lục khai tử) của một trung sĩ đã hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa ngày 19/1/1974. "Có thể nói, đây là một trong những chứng cứ quan trọng liên quan đến hải chiến bi hùng 1974".

img

Trích lục bộ khai tử của trung sĩ Nguyễn Thành Trọng (Cần Thơ) hộ tống chiến hạm Nhật Tảo, hy sinh ngày 19/1/1974 tại Hoàng Sa. Ảnh: Nam Cường

TS Lê Tiến Công cho hay, ngoại trừ thời gian xảy ra dịch Covid-19, còn lại Nhà trưng bày vẫn mở cửa đón khách tất cả các ngày trong tuần kể cả ngày lễ, tết. Theo thống kê, trung bình tại đây có từ 2.600 lượt khách/tháng đến tham quan, tìm hiểu. Tổng lượng khách ghé thăm từ khi Nhà trưng bày Hoàng Sa được thành lập (28/3/2018) đến nay có khoảng 45.000 lượt khách với gần 600 đoàn. Lượng khách đến tham quan, tìm hiểu tại Nhà trưng bày khá đông và đa dạng.

img

Kỹ sư Đinh Ngọc Châu (ngoài cùng bên phải), người phụ trách Trạm khí tượng Hoàng Sa năm 1974. Nguồn: UBND huyện Hoàng Sa

Tuy nhiên, TS Công tiết lộ có một điều rất lạ là kể từ khi được đưa vào hoạt động cho tới nay, khách Trung Quốc hầu như không vào tham quan tìm hiểu. "Rất hiếm hoi mới có vài người quốc tịch Trung Quốc vào nghiên cứu, chụp ảnh rồi về. Mặc dù khách sạn ngay cạnh Nhà trưng bày, thường ngày rất đông khách đoàn Trung Quốc nhưng họ không bao giờ vào đây", TS Lê Tiến Công nói.

img

Với hơn 300 tài liệu, hiện vật, bản đồ, hình ảnh được chia làm các chủ đề: Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của quần đảo Hoàng Sa; Hoàng Sa trong thư tịch cổ của Việt Nam trước thời nhà Nguyễn; Hoàng Sa trong thư tịch cổ thời nhà Nguyễn (1802 - 1945); bằng chứng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa giai đoạn 1945 - 1974; Bằng chứng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa từ năm 1974 đến nay, quá trình khai phá, xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền của Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử được thể hiện đầy đủ, xuyên suốt và thống nhất.

Có thể nói, số lượng tư liệu, hiện vật, thông tin liên quan đến quần đảo Hoàng Sa rất phong phú, bao gồm những thư tịch, bản đồ cổ của Việt Nam trong nhiều thế kỷ, phản ánh trung thực quá trình khai phá, xác lập chủ quyền của Nhà nước Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa. Sự góp mặt của các thư tịch, bản đồ cổ của Trung Quốc và phương Tây tại một số không gian trưng bày khách quan bác bỏ luận điệu xuyên tạc của Trung Quốc khi cho rằng Hoàng Sa (và Trường Sa) là một phần lãnh thổ của họ từ lâu đời. Thực tế, đảo Hải Nam mới là cương giới cực nam của Trung Quốc.

Mỗi không gian trưng bày tại Nhà trưng bày Hoàng Sa đều có các tài liệu tiêu biểu, cung cấp các thông tin căn bản và để lại ấn tượng với khách tham quan. Không gian trưng bày sự kiện Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là một trong số đó. Đây là nơi tái hiện sự kiện ngày 19/1/1974 - ngày Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Nhà trưng bày Hoàng Sa giới thiệu về không gian trưng bày này với mong muốn quý độc giả hiểu thêm về sự kiện này.

(TS Lê Tiến Công - Phó Giám đốc phụ trách Nhà trưng bày Hoàng Sa)

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem