|
Những chuyến phà đầy khách cuối cùng của phà Hậu Giang. |
Những chuyến phà cuối cùng
Mờ sáng một ngày thứ Bảy 17-4, vừa bước chân xuống phà tôi bắt gặp cảnh một bà cụ dẫn theo 2 đứa cháu cũng hối hả xuống phà. Miệng bà cụ nói như thúc giục: Lẹ lên con! Qua phà kẻo không kịp. Mặt trời sắp ló rồi, lên đây mà ngắm cầu Cần Thơ chứ để vài hôm nữa không còn cơ hội mà thấy cảnh đẹp này nữa đâu…”.
Bà cụ cho biết nhà bà ở đầu Cần Thơ. Sở dĩ bà muốn 2 cháu nhỏ đi bộ qua phà với bà là để chúng cảm nhận được cái hay của người đi trên phà, bởi chỉ vài hôm nữa thôi là không còn cơ hội để được qua phà…
Một hành khách tên Loan (Cái Răng, Cần Thơ) chép miệng: “Mai mốt có cầu đi sướng thiệt nhưng tôi cứ thấy buồn buồn! Bảy năm qua tôi đi học rồi đi làm ở TP.HCM, mỗi lần về nhà, đến phà là lòng tôi lại rạo rực một cảm giác là đã về đến nhà, về bên vòng tay của mẹ”.
Cùng cảm giác với hành khách, CB-CNV cụm phà Hậu Giang, những người đã gắn bó mấy chục năm trời với những chiếc phà thì sự tiếc nuối càng rõ hơn. Thuyền trưởng Hồ Chí Quang tâm sự: “30 năm gắn bó với phà Hậu Giang tôi luôn cố gắng hết mình để những chuyến phà qua sông an toàn. Mai mốt không còn làm việc trên phà nữa chắc tôi nhớ nó lắm”.
Vào thời điểm cuối cùng của những chuyến phà lịch sử, buồn và lo lắng nhất có lẽ là những người dân mưu sinh nhờ vào bến phà này.
Cô Nguyễn Thị Tuyết Nga, chủ quán cơm, nước giải khát 79/4, bến Cần Thơ, buồn giọng hỏi chúng tôi: “Chính thức là ngày nào phà nghỉ hoạt động vậy cô? Tôi biết để không lấy hàng, kẻo lấy mà bán không hết thì khổ”.
Cô Nga cho biết, gia đình cô có 6 người sống nhờ quán cơm và nước giải khát này từ những năm đầu giải phóng đến nay. Tuy hàng quán không lớn, nhưng cũng nuôi đủ 6 miệng ăn trong gia đình và lo cho 4 đứa con đi học. Cô lo lắng, mai mốt phà không còn, cô chưa biết chuyển sang làm nghề gì để lo cho các con.
Anh Hoàng (35 tuổi, bến Cái Vồn, Vĩnh Long) bán nước suối, bơm hơi, vá xe ở bến phà đã 7 năm, giờ không còn phà anh dự định chuyển sang làm thợ hồ, còn vợ anh thì ở nhà chờ từ từ có việc gì thì đi làm… Buồn và lo lắng nhất là những người chạy xe ôm ở hai bên bến phà. Bởi chạy xe ôm phải có bến đậu mà những bến xe ôm khác đã có người nên chưa biết chạy ở đâu…
Hỗ trợ người dân chuyển nghề
Ngày 24-4, cầu Cần Thơ khánh thành, tạo nhiều thuận lợi cho người dân trong làm ăn, sinh sống. Từ nay tuyến đường bộ từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái đã liền một dải, không còn cảnh đợi chờ qua phà...
Ông Phan Quang Dự - Giám đốc cụm phà Hậu Giang, cho biết: “Cụm phà Hậu Giang có 308 CB-CNV thì 208 người chuyển sang Công ty TNHH Quản lý, khai thác cầu Cần Thơ, trên 40 anh em có tay nghề bậc cao, như: thuyền trưởng, thợ máy, thủy thủ sẽ chuyển theo phà về đơn vị mới, còn lại khoảng 50 người dôi dư sẽ được áp dụng chính sách theo Nghị định 110/NĐ-CP. Hiện nay tuy có chút buồn, luyến tiếc nhưng anh em đều đang cố gắng hoàn thành tốt công việc hiện tại để bắt tay vào công việc mới”.
Được biết, 2 năm nay, những người có nghề buôn bán, kinh doanh tại bến phà có hộ khẩu tại thị trấn Cái Vồn hoặc tạm trú lâu dài từ 6 tháng trở lên đều được địa phương hỗ trợ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội.
“Sắp tới chúng tôi vẫn tiếp tục hỗ trợ để bà con có điều kiện chuyển nghề sinh sống. Riêng những trường hợp bán dạo ở khu vực phà thì địa phương không có sơ sở để hỗ trợ” - ông Nguyễn Văn Bé - Bí thư thị trấn Cái Vồn (huyện Bình Minh, Vĩnh Long) cho biết.
Hỏi thăm hơn 10 hộ mua bán nhỏ và chạy xe ôm ở hai bên bến phà, hầu như nghề chung mà họ dự kiến chuyển là bán vé số và phụ hồ, vì phần lớn họ đều khó khăn, trình độ thấp. Mặc dù còn nhiều nỗi lo nhưng tất thảy mọi người đều mừng vì từ nay đất nước ta đã liền một dải, từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái…
Hồng Cẩm
Vui lòng nhập nội dung bình luận.