Đã ngoài 50 tuổi nhưng ông Lê Hữu Tây (thôn Hải Bình, Thuận An) vẫn rất tráng kiện. “Chắc trời thương nên cho tui khỏe, trẻ lâu để tui có sức giúp những người xấu số”- ông Tây hóm hỉnh nói.
Từ 20 năm trước, ông Tây đã nổi tiếng khắp thị trấn Thuận An cũng như các xã vùng biển của Thừa Thiên - Huế bởi sự hiệp nghĩa. Ngày đó, khoảng 12 giờ đêm, thấy trời nổi dông, ông chạy ra biển kéo thuyền lên bờ. Đến nơi, ông chưa kịp kéo thuyền thì phát hiện một xác chết trong tình trạng trương phềnh, đang thối rữa bị sóng đánh dạt vào bờ. Ông lập tức huy động người nhà vớt xác người xấu số lên rồi tẩm liệm, chôn cất ngay trong đêm.
|
Ông Trần Doanh lập bàn thờ cho người xấu số chết biển ngay tại nhà mình. |
8 giờ sáng hôm sau, khi ông đang chìm trong giấc ngủ thì bãi biển trước nhà xuất hiện một đàn quạ bay dáo dác. Linh tính mách bảo, ông dụi cặp mắt cay xè rồi chạy ra bãi biển thì phát hiện thêm 2 thi thể đàn ông cũng đang trong tình trạng phân hủy.
Trước khi ông có mặt, nhiều người dân trong thôn đã phát hiện những xác chết này, nhưng vì sợ hãi nên lặng lẽ bỏ đi. Không chút đắn đo, ông vớt 2 xác người xấu số lên tắm rửa sạch sẽ rồi chuẩn bị quan tài chôn cất theo đúng nghi lễ của người Huế.
Đây chỉ là một số trong rất nhiều xác chết xấu số được ông vớt và chôn cất tử tế. Nhiều xác chết khi được ông phát hiện và vớt lên đã không còn nguyên vẹn. Ngày 14.10.2010, tại bờ biển thôn An Hải gần nhà ông xuất hiện một xác chết không có đầu, tay và chân. Ông lại đứng ra cáng đáng từ việc vớt xác rồi vận động người dân quyên góp để lo ma chay cho người xấu số. Hay như cách đây 4 tháng, một xác chết cũng trong tình trạng không đầu, tay và chân dạt vào cửa biển Thuận An, không ai dám đến gần, cũng được ông khâm liệm và mai táng.
Phận họ đã bạc mà mình còn làm ngơ không vớt thì thất đức hết chỗ nói.
Ông Trần DoanhỞ vùng biển Thuận An, cùng nổi tiếng nhờ… xác chết như ông Tây còn có ông Trần Doanh (57 tuổi) ở thôn Hải Tiến. Nếu ông Tây là người có “duyên nợ” với những xác chết dạt vào bờ biển thì ông Doanh là người liên tục gặp những xác chết trôi dạt xa bờ. Gần 40 năm dong thuyền đánh cá trên biển, ông Doanh đã vớt nhiều xác chết khi ra khơi.
Lần đầu tiên, ông vớt xác người xấu số cách đây 20 năm. Khi đó, tàu cá của ông ra khơi cách cửa biển Thuận An hơn 10 hải lý thì một xác chết phụ nữ dạt vào mũi tàu. Ông liền huy động lao động trên tàu vớt xác người phụ nữ này rồi cho tàu quay vào bờ để chôn cất.
Thấy tàu ông vào bờ không có cá mà chỉ chở xác người chết, nhiều người dân trong vùng bảo ông là người gàn dở bởi đã nghèo kiết xác mà còn bỏ công việc đi lo cho người dưng. Ông gạt phăng mọi lời chê bai và thuê người đóng quan tài, mua sắm lễ để mai táng cho người xấu số. “Phận họ đã bạc mà mình còn làm ngơ không vớt thì thất đức hết chỗ nói” - ông Doanh bộc bạch. Xuất phát từ quan niệm đầy tình người đó nên sau này ông đã vớt thêm nhiều xác chết trôi dạt trên biển đưa về chôn cất.
Thờ phụng người dưng
Cầm trên tay bó nhang, ông Doanh đi về phía rừng dương nơi cửa biển. Dưới những gốc dương là những ngôi mộ của những người chết biển do chính ông xây cất tươm tất. Điểm chung của những ngôi mộ này là bia không khắc danh tính của người chết mà chỉ có tên người phụng lập. Ông Doanh thắp hương rồi cắm đều vào các lư hương của các ngôi mộ. Miệng ông mấp máy. Ông thầm khấn cho những người xấu số không bị lạnh lẽo nơi suối vàng.
|
Ông Lê Hữu Tây tại phần mộ của một người chết biển. |
“Nhà tui nghèo, nên không có tiền để xây mộ lớn. Sức mình đến đâu thì làm đến đó, vấn đề là mình phải thành tâm thờ phụng”- ông Doanh nói. Ngoài xây cất mộ cho những người bạc phận, gia đình ông Doanh còn lập bàn thờ để thờ cúng những người này ngay tại nhà mình. Hàng năm, cứ đến ngày 14.2 là gia đình ông làm mâm cơm cúng chung cho những người xấu số.
Nhiều người bảo việc lập bàn thờ thờ người dưng trong nhà sẽ gặp xui xẻo nhưng ông Doanh bảo ông không tin vào quan niệm đó. “Hơn nữa, hên hay xui, giàu hay nghèo rồi cũng phải về với cát bụi, còn cuộc đời này hơn nhau ở chữ tình, chữ tâm”- ông tâm sự, tiếng của ông hòa vào tiếng sóng biển rì rào.
Khu mộ người chết biển do ông Tây xây cất nằm cách đó không xa. Gần 20 ngôi mộ vô danh được ông xây cất gọn gàng trên một dải đất bằng phẳng bên bờ biển. Ông Tây bảo, vì hoàn cảnh khó khăn nên để xây cất những ngôi mộ này, vợ chồng ông phải huy động thêm hàng xóm đóng góp một ít.
Trước đây, vì cúng giỗ cho những người bạc phận theo ngày vớt được xác nên mỗi năm gia đình ông tổ chức hàng chục cái giỗ. Sau này, vì kinh tế eo hẹp, ông quyết định chọn ngày vớt được xác chết đầu tiên làm ngày giỗ chung cho tất cả những người này.
Lòng người như biển cả
Trong số rất nhiều xác chết được ông Tây vớt lên chôn cất, một số đã có người thân đến nhận. Mỗi lần có người nhà của người quá cố đến, sau khi chỉ xong mộ phần, ông Tây thường lánh mặt bởi sợ người ta trả ơn. Còn nhớ, sau khi ông vớt và chôn cất 3 xác chết đầu tiên được hai ngày, có nhiều người từ miền Bắc vào nhận mộ người thân. Cảm động trước việc làm hiệp nghĩa của ông Tây, những người này mang biếu ông rất nhiều tiền và quà nhưng ông kiên quyết không nhận.
“Mình mà nhận tiền và quà tức là mình làm vì tiền, mà làm vì tiền thì việc làm đó không còn là việc nghĩa nữa. Suy nghĩ như vậy nên dù họ hết mực nài nỉ tui cũng không chịu nhận”- ông Tây kể. Thấy ông không nhận tiền, quà, những người trên mời ông ra Hà Nội chơi. Lúc đầu, ông từ chối nhưng họ nài nỉ quá mức nên ông miễn cưỡng nhận lời. Ra Hà Nội, họ tặng ông một ngôi nhà mặt phố và khuyên ông đưa vợ con ra ở cho bớt khổ. Nghe vậy, ông viện lý do rồi bí mật trốn vào Huế.
Không chỉ vớt xác người xấu số trên biển đưa về mai táng, ông Tây và ông Doanh còn bỏ tiền túi của mình để xây cất mộ phần tươm tất cho những người xấu số.
Lần khác, có một gia đình ở Quảng Trị vào nhận mộ người thân và cũng mang tiền và quà để biếu ông nhằm trả ơn. Lần này, ông giả vờ say rượu rồi lên cơn thịnh nộ khiến họ không dám biếu nữa. Sau những lần này, khi có người đến nhận mộ người thân, câu đầu tiên ông nói với khách là nếu tôn trọng ông thì đừng biếu ông bất cứ thứ gì. Bởi theo ông, việc vớt xác người chết đã phân hủy chôn cất nếu thuê bằng tiền thì bạc vạn ông cũng không làm mà ông chỉ làm việc đó vì tình người.
Cũng giúp người vì chữ tình nên lão ngư Trần Doanh không bao giờ nề hà thiệt hơn khi làm việc nghĩa. Hàng chục năm đánh vật với sóng biển mưu sinh, cuộc sống của gia đình ông vẫn túng thiếu đủ bề. Không có đất ở, gia đình ông phải dựng ngôi nhà lụp xụp trên đê biển để sinh sống.
Mỗi chuyến ra khơi gặp người bị nạn, vớt đưa vào bờ là tàu cá của ông bị lỗ hàng chục triệu tiền dầu bởi phải bỏ dở việc đánh bắt. Điều đó đồng nghĩa với việc gia đình ông sẽ thêm phần khó khăn nhưng ông không hề tính toán. “Đời tui nghèo thiệt nhưng mà sang”- ông nói, mắt nhìn xa xăm về phía biển cuộn sóng.
An Sơn
Vui lòng nhập nội dung bình luận.