Lê Ánh Phong (bài 1) dẫn tôi tới nhà cô, một căn hộ nhỏ xíu rộng chừng 15m2, 2 tầng ở phố Võ Thị Sáu (Hà Nội), nơi cô chung sống với bạn trai- người yêu thương cô hết mực, người đã từng nắm tay cô, hôn cô động viên khi cô trải qua những tháng ngày vô cùng đau đớn khi chuyển giới.
Với nhiều phụ nữ đích thực, tình yêu của chàng trai này dành cho Phong có lẽ là niềm mơ ước. Điển trai, trẻ trung, đang là huấn luyện viên thể hình ở Hòa Bình, anh quen Phong và “phải lòng” cô. Khi biết cô là nam chuyển giới, anh đã bỏ đi nhưng rồi lại quay lại. Ngày anh đưa Phong về giới thiệu với gia đình ở Hòa Bình, với Phong đó là ngày tháng trong mơ. Dưới hình hài cô gái, gia đình anh đón tiếp Phong rất nhiệt tình, vun vào cho hạnh phúc đôi trẻ. Nhưng ngay khi thông tin Phong là người chuyển giới lộ ra, gia đình anh ngăn cấm quyết liệt. Anh bị gia đình cấm cản không cho về Hà Nội. Phong lên Hòa Bình thăm, hai người phải chui vào… toa lét để gặp nhau. Sau đó hai người đưa nhau về Hà Nội sống.
Hạnh phúc đong đếm từng ngày
Ngay khi “chạm” tay vào hạnh phúc của cuộc sống hạnh phúc lứa đôi, Phong phải đối mặt với thực tế, cô không bao giờ có một gia đình đúng nghĩa. Tâm sự với tôi, cô rất buồn: “Em không thể sinh cho anh ấy một đứa con, không thể kết hôn, không thể xây dựng bất cứ cái gì chung cả. Anh ấy ra đi là chấm hết. Không còn gì để níu kéo”.
Chịu nhiều đau đớn khi phẫu thuật chuyển giới, nhưng sau đó lại không được xã hội thừa nhận (ảnh minh họa).
Trên giấy tờ, Phong vẫn là chàng trai Lê Quốc Phong, dù cô đã mang hình hài một cô gái. “Em có thể phẫu thuật cơ thể mình nhưng không thể thay đổi được điều đó, không ai công nhận thân phận mới của em. Em ước mong mình sống được tới ngày mà xã hội thừa nhận em trong cơ thể thật sự mà em đang mang. Em đã tham gia rất nhiều diễn đàn để nói lên điều này: Người chuyển giới hiện đang tăng lên từng ngày nhưng pháp luật không thừa nhận chúng em”- Phong nói.
Cũng theo Phong, vì không công nhận giới tính mới nên cô và bạn trai không thể kết hôn. Cô buồn rầu: “Hôn nhân đồng tính không được thừa nhận, nhưng ngay cả em đã chuyển giới- về mặt cảm nhận- đã là dị tính, cũng vẫn không được công nhận. Vì thế, chúng em không có ràng buộc nhau về tài sản…”. Chính vì điều này, cô luôn luôn lo sợ mất … bạn trai, mất gia đình nhỏ mà cô dày công xây dựng, tới mức cô thường xuyên dằn vặt bạn trai về điều này. Nhưng những khi bình tĩnh, cô lại thở dài: “Số phận em nó vậy, thôi, hạnh phúc ngày nào thì đong đếm ngày đó”.
Ngoài chuyện về giấy tờ, Jesica (chuyển giới từ nam sang nữ, trú tại TP.Hồ Chí Minh) thì chia sẻ, sau cuộc phẫu thuật chuyển giới ở Thái Lan, cô thường xuyên uống hoóc môn “xách tay” từ Thái Lan. Cô và bạn bè phải sống trong rủi ro về sức khỏe rát lớn do không có cơ sở y tế nào tư vấn, kê đơn và theo dõi sức khỏe, tác dụng phụ của những hoóc môn mà người chuyển giới sử dụng. Nhiều người sang Thái Lan để phẫu thuật chuyển giới khi về nước cũng không tìm được cơ sở nào chăm sóc sức khỏe hậu phẫu cho mình, vì thế, nếu gặp biến chứng cũng chỉ âm thầm chịu đựng, thậm chí bỏ mạng.
“Lúc bọn em mua thẻ bảo hiểm y tế họ vẫn bán, nhưng lúc đi khám lại từ chối vì “tên nam sao hình dáng lại nữ. Có bạn đi khám cũng bị đẩy qua lại giữa nam khoa và phụ khoa” – Jessica đau buồn.
Theo TS Phạm Quỳnh Phương (Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE), các nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng, người chuyển giới chiếm khoảng 0,3-0,5% dân số. Như vậy, ước tính ở Việt Nam có khoảng 450.000-500.000 người chuyển giới. Người chuyển giới khác với người đồng tính (vẫn muốn bản dạng giới của mình nhưng yêu người cùng giới tính), cũng khác người liên giới tính (có giới tính sinh học không rõ ràng). Người chuyển giới mang giới tính sinh học nữ khao khát trở thành nam, và những người mang giới tính sinh học nam tin rằng mình là nữ. Do đó, người chuyển giới ngoài việc ăn mặc, trang điểm cho giống với giới tính sinh học khác (nữ thành nam, nam thành nữ), nhiều người đã trải qua các cuộc phẫu thuật đau đớn để được thay đổi bản dạng giới. Theo khảo sát online “Người chuyển giới trong xã hội Việt Nam” của TS Phương thực hiện năm 2014 đối với 230 người chuyển giới, có 22% đã uống thuốc (tránh thai, nội tiết), 14,1% tiêm hooc môn, 7,3% phẫu thuật thẩm mỹ (mông, ngực… ), 5,2% phẫu thuật bộ phận sinh dục và 4,2% bơm ngực. Như vậy, còn 69,6% người được hỏi muốn chuyển đối giới tính nhưng chưa thực hiện.
Tuy nhiên, chính phủ Thái Lan đã thay đổi khá “uyển chuyển” khi chưa công nhận về mặt giấy tờ nhưng cũng không cấm việc thực hiện chuyển đổi giới tính. Theo đó, việc thay đổi giới tính bị cấm hoàn toàn trước 18 tuổi. Những người từ 18 đến 20 muốn chuyển đổi giới tính phải có sự đồng ý của cha mẹ. Trên 20 tuổi thì thoải mái thực hiện các phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Chính vì sự cởi mở này mà giới bác sĩ làm phẫu thuật chuyển đổi giới tính ở đây ăn nên làm ra khi bệnh nhân khắp thế giới tìm tới Bangkok.
Có thể phẫu thuật mà... không dám làm
Trong quá trình tìm hiểu viết loạt bài này, chúng tôi rất ngạc nhiên khi tiếp cận thông tin các bác sĩ Việt Nam đã thực hiện được ca phẫu thuật chuyển đổi giới tính đầu tiên từ 34 năm trước, năm 1980. Nơi thực hiện là Khoa Tiết niệu - Bệnh viện Nhi Trung ương. Bệnh nhân đầu tiên là N.T.N, 13 tuổi, bị lưỡng giới nhưng ngả sang gái nhiều hơn, đã được phẫu thuật đưa trả về giới tính nữ.
Bị kỳ thị, người chuyển giới phải làm những nghề rủi ro, thu nhập thấp (ảnh do ICS cung cấp).
Tuy nhiên, suốt nhiều năm dài sau đó, việc phẫu thuật chuyển đổi giới tính không phổ biến. Theo ông Lê Quang Bình – Viện trưởng ISEE, Nghị định 88/2008/NĐ-CP về chuyển đổi giới tính chỉ cho phép những người liên giới tính được phẫu thuật và làm lại giấy tờ. Nghị định này cũng có điều 4 hành vi nghiêm cấm “thực hiện việc chuyển đổi giới tính đối với những người đã hoàn thiện về giới tính. Điều này không rõ là nghiêm cấm hành vi chuyển giới của cá nhân hay cơ sở y tế. Nhiều đứa trẻ liên giới tính bị ép buộc phẫu thuật theo ý thích của cha mẹ mà không được hỏi ý kiến, còn người có mong muốn chuyển giới thực sự lại bị ngăn cấm” – ông Bình khẳng định.
Trong khi đó, theo bác sĩ Pichet Rotchareon, Bangkok Plastic Surgery Clinic, luật pháp Thái Lan (cụ thể là Hiến pháp Thái Lan) chưa không công nhận người chuyển giới (tiếng Thái là kathoey) ngay cả sau khi đã giải phẫu bộ phận sinh dục thì họ cũng chưa được phép thay đổi giới tính của mình trên giấy tờ. Tuy nhiên, Chính phủ Thái Lan đã thay đổi khá “uyển chuyển” khi chưa công nhận về mặt giấy tờ nhưng cũng không cấm việc thực hiện chuyển đổi giới tính. Theo đó, việc thay đổi giới tính bị cấm hoàn toàn trước 18 tuổi. Những người từ 18 đến 20 muốn chuyển đổi giới tính phải có sự đồng ý của cha mẹ. Trên 20 tuổi thì thoải mái thực hiện các phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Chính vì sự cởi mở này mà giới bác sĩ làm phẫu thuật chuyển đổi giới tính ở đây ăn nên làm ra khi bệnh nhân khắp thế giới tìm tới Bangkok. Xét về mặt kỹ thuật, bác sĩ Pichet cho rằng, phẫu thuật chuyển đổi giới tính đơn giản hơn các ca mổ tim, ghép gan rất nhiều. Và thực tế ở Thái đã có những trường hợp kỷ lục - bác sĩ Preecha đã cầm dao mổ tới 3.500 ca.
Còn tại Việt Nam, bác sĩ Nguyễn Xuân M - một chuyên gia khá có tiếng trong ngành phẫu thuật thẩm mỹ cho biết, nhiều bệnh viện ở Việt Nam có thể thực hiện được phẫu thuật tạo hình ngực, tạo hình dương vật, âm đạo, cắt yết hầu… Cụ thể là các bác sĩ ở Bệnh viện Việt Nam – Cuba, Bệnh viện Xanh pôn, Bệnh viện Nhi TƯ, Bệnh viện Việt Đức... Thực tế, bác sĩ ở các bệnh viên này vẫn đang cầm dao kéo thực hiện các cuộc phẫu thuật tương tự nhưng chủ yếu để khắc phục các... tai nạn liên quan tới bộ phận sinh dục; điều trị trẻ bị tăng sản thượng thận bẩm sinh, loạn sản sinh dục và trẻ bị lưỡng tính (đứa trẻ mang cả buồng trứng và cả tinh hoàn). Tuy nhiên, chưa có bác sĩ nào “dám” động dao kéo chuyển đổi giới tính cho người mắc vấn đề về giới tính do tâm bệnh (nội tiết tố): Các hoóc môn sinh dục nam hoặc nữ phát triển quá mạnh trong cơ thể trẻ khiến cho bộ phận xác định giới tính vẫn bình thường nhưng tính cách thì trái ngược. Chẳng hạn con trai luôn nghĩ mình là con gái hoặc ngược lại và chúng thực hiện các hành vi theo suy nghĩ đó. Lý do đơn giản là luật pháp không cho phép.
Hiện tại, chi phí cho mỗi ca phẫu thuật liên quan tới bộ phận sinh dục ở Việt Nam có giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, tùy trường hợp. Theo bác sĩ M. muốn “gọt” từ đầu tới chân như các dịch vụ thực hiện ở Thái Lan, bệnh nhân chỉ cần có khoảng 100 triệu đồng. Con số này nhỏ hơn rất nhiều so với việc khăn gói sang Thái thực hiện phẫu thuật. Ngoài ra, bệnh nhân còn có lợi khi được tư vấn, hướng dẫn chăm sóc hậu phẫu, điều trị hoóc môn...
“Tôi được chính những người đã chuyển giới ở Thái Lan tiết lộ, chi phí trung bình của họ cho các phẫu thuật là từ 300-500 triệu đồng, chưa kể các chi phí cho hoóc môn và thuốc (các loại thuốc chống nhiễm trùng, viêm nhiễm…). Nếu có thể thực hiện phẫu thuật tại Việt Nam, người chuyển giới có thể giảm tới 1/3- 1/5 chi phí. Khoản tiền không nhỏ so với thu nhập của họ” - bác sĩ M nói.
Cũng theo nhẩm tính của ông, nếu tỷ lệ 30,04% người có vấn đề về giới tính do tâm bệnh làm phẫu thuật chuyển đổi giới tính (theo nghiên cứu “Người chuyển giới trong xã hội Việt Nam” của iSSE) đúng với số đông những người đồng tính thuộc diện này ở Việt Nam (chứ không chỉ ở cỡ mẫu nhỏ) thì số người muốn ra đi chuyển đổi giới tính là khá lớn. Và họ khó có thể “tiêu tiền” ở đâu ngoài Thái Lan, nước gần gũi nhất, chi phí hợp lý nhất, các điều kiện ràng buộc lỏng lẻo nhất so với các lựa chọn khác.
Do bị kỳ thị, người chuyển giới cũng thường bỏ học giữa chừng, học vấn thấp và khó kiếm việc làm. Theo khảo sát của TS Phương, có đến 24,4% người chuyển giới được hỏi hiện không có việc làm, 8,7% có công việc không thường xuyên, 18,6% vừa học vừa làm, 21,5% có việc toàn thời gian. Tuy nhiên, ngay cả những người có công việc ổn định thì chủ yếu cũng làm nghề đơn giản, thu nhập thấp, gặp nhiều rủi do về sức khỏe và an toàn như đi hát đám ma (6,3%), ca hát diễn thời trang (7,6%), trang điểm, làm tóc (6,3%), phụ ggiúp gia đình, (12,6%). Có đến 2,5% người chuyển giới phải đi bán dâm vì không tìm được công việc vì hình dáng chuyển giới của mình.
Có lẽ “đón đầu” được dòng bệnh nhân này, bác sĩ Preecha - người đứng đầu Bệnh viện Preecha Aesthelic Institute đã mở một chi nhánh tại Hà Nội từ giữa năm 2014 (tại tòa nhà số 33A, Phạm Ngũ Lão, Hà Nội). Peera, quản lý bệnh viện cho biết, chi nhánh này chủ yếu hoạt động phẫu thuật thẩm mỹ. Khi có bệnh nhân muốn chuyển đổi giới tính thì giới thiệu sang bệnh viện ở Bangkok. “Bangkok chỉ cách Hà Nội gần 2 giờ bay. Chúng tôi có người đón bệnh nhân ngay từ sân bay”- vị này nói.
Như vậy, giới dao kéo ở Bangkok đã đánh giá Việt Nam là “thị trường tiềm năng” và không ngại đổ bộ sang tận nơi tìm kiếm khách hàng. Bệnh nhân Việt Nam rất có thể vừa mất tiền, vừa gặp rủi ro nơi đất khách.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.