Để hạn chế tình trạng trên, mới đây tại TP. Lào Cai (tỉnh Lào Cai), Ban quản lý Dự án “Xây dựng năng lực nhằm loại bỏ hóa chất BVTV tồn lưu POP tại Việt Nam” phối hợp với Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đã tổ chức Hội thảo “Tập huấn cán bộ hải quan và các cơ quan liên quan về quản lý xuất nhập khẩu hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV)”.
|
Hiện có một lượng lớn thuốc BVTV ngoài danh mục sử dụng tại nhiều vùng sản xuất. Ảnh minh họa. |
Nóng ở biên giới
Theo đánh giá, hiện tình hình mua bán trái phép các loại thuốc BVTV đang diễn ra khá công khai, đặc biệt ở các tỉnh biên giới phía Bắc giáp Trung Quốc và một số tỉnh biên giới Tây Nam giáp Campuchia. Hàng năm, các đầu mối nhập lậu đã đưa vào nước ta một lượng không nhỏ các loại hóa chất BVTV có chứa POP. Việc này đã gây không ít khó khăn trong quản lý, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người cũng như gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc nhập lậu hóa chất BVTV diễn ra ngày một công khai là do cơ chế phối hợp liên ngành trong quản lý hóa chất BVTV sau khi bị thu giữ lại chưa được thực hiện hiệu quả. Tại một số địa phương, cơ quan chức năng bắt và thu giữ hóa chất BVTV nhập lậu sẽ phải chịu trách nhiệm lưu kho, tiêu hủy và xử lý các loại hóa chất này. Song do chi phí cho mỗi lần xử lý thường tốn kém, tốn nhiều thời gian, đôi khi do thiếu tính chuyên môn, còn gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và chính sức khỏe của cán bộ thực hiện. Điều này dẫn đến tâm lý “ngại” thu giữ các loại hóa chất BVTV nhập lậu...
Ai sẽ xử lý hóa chất BVTV nhập lậu?
Tại Lào Cai, tỉnh giáp ranh với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), lượng thuốc BVTV hàng năm sử dụng ước tính khoảng 168 tấn, trong đó thuốc BVTV của Việt Nam chỉ chiếm 60%, còn lại là thuốc BVTV ngoài danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam. Lượng thuốc BVTV ngoài danh mục sử dụng tại các vùng chuyên canh ước tính khoảng 60 tấn/năm, với hàm lượng hoạt chất gây hại cao hơn nhiều lần so với hàm lượng ghi trên bao bì.
Hội thảo trên nằm trong nội dung của Dự án “Xây dựng năng lực nhằm loại bỏ các hóa chất bảo vệ thực vật chứa POP tồn lưu tại Việt Nam” do Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai thực hiện với sự tài trợ của Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF), Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) nhằm hướng tới vì môi trường Việt Nam không có POP.
Để giải quyết tình trạng trên, Ban Quản lý dự án đã phối hợp với cơ quan hải quan tập huấn cho các cán bộ hải quan, đồng thời thông tin về hiện trạng thu giữ và quản lý hóa chất BVTV bị thu giữ tại các địa phương được công bố đến các học viên. Nhiều ý kiến đã đưa ra những đề xuất về cơ chế phối hợp liên ngành trong quản lý và xử lý các hóa chất BVTV nhập lậu bị bắt giữ, nhằm giải quyết tình trạng “cha chung không ai khóc” như hiện nay.
Bên cạnh đó, các học viên còn được hướng dẫn trực tiếp về nghiệp vụ, phương pháp nhận dạng các loại hóa chất BVTV bị cấm và hạn chế sử dụng, cùng các biện pháp an toàn lao động trong quá trình làm việc, tiếp xúc với các loại hóa chất BVTV có chứa POP tại hiện trường kho thuốc BVTV tại Lào Cai.
Ngọc Lan
Vui lòng nhập nội dung bình luận.