Việt Nam cần hủy hơn 1.100 tấn thuốc bảo vệ thực vật

Thứ năm, ngày 03/05/2012 10:16 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Việt Nam là nước chịu thiệt hại nặng nề từ ảnh hưởng của các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP). Theo khảo sát, hiện cả nước vẫn còn tới 1.140 tấn thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) POP cần tiêu hủy.
Bình luận 0

Nguy hiểm cho sức khỏe

Một cuộc khảo sát kiểm kê các khu tồn lưu hóa chất BVTV POP trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng năng lực nhằm loại bỏ hóa chất BVTV POP tồn lưu tại Việt Nam” cho thấy, tại 25 tỉnh dự kiến hoặc được biết là có lượng tồn dư lớn, đã tìm thấy 70 tấn hóa chất BVTV POP tồn lưu trên mặt đất và ước tính là 150 tấn trên cả nước.

img
Xử lý một điểm ô nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn cả là số tồn dư hóa chất BVTV đã được tìm thấy ở các điểm chôn lấp lẫn với đất trên cả nước với số lượng ước tính lên tới 1.140 tấn. Theo đánh giá, các điểm chôn lấp đáng lo ngại hơn nhiều so với các nguồn tồn lưu trên mặt đất vì chúng có quy mô lớn hơn và ít được kiểm soát hơn. Các điểm chôn lấp này thực sự đang gây nguy hiểm cho sức khỏe con người.

Mặt khác, trong khi các nguồn tồn lưu trên mặt đất được biết đến, thì hồ sơ về nguồn tồn lưu chôn lấp thường không đầy đủ và nhiều khi thất lạc hoàn toàn. Kết quả là đã có không ít nông dân sử dụng khu vực đất đó để làm vườn, thậm chí dựng nhà ngay trên đó. Nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước các khu vực xung quanh rất lớn.

Mặc dù, nguy cơ từ các điểm chôn lấp tồn dư trên khá rõ ràng, song hiện Việt Nam vẫn gặp khó khăn trong việc xử lý hóa chất BVTV POP tồn lưu do thiếu nguồn vốn thực hiện, khó áp dụng công nghệ thích hợp và sự phối hợp giữa các ban ngành, cơ quan còn hạn chế. Điều đó dẫn đến người dân ở nhiều địa phương đã tự hành động để xử lý hóa chất BVTV.

Tiêu hủy thế nào?

Từ kết quả nghiên cứu thuộc Dự án "Xây dựng năng lực nhằm loại bỏ hóa chất BVTV POP tồn lưu tại Việt Nam", các chuyên gia đã đưa ra một số cách thức để tiêu hủy. Theo đó, phần lớn hóa chất BVTV tồn lưu nằm dưới đất, do đó cần được đào lên. Đối với một số nguồn tồn lưu, bao bì còn ở tình trạng tốt nên dễ dàng tách ra khỏi đất. Tuy nhiên, trong đa số những trường hợp khác bao bì đã bị phá hủy (hoặc bị mở ra khi chôn hóa chất) nên hóa chất bị nhiễm đất ở các mức độ khác nhau. Trong trường hợp đó, cần phải tách hóa chất BVTV khỏi đất.

Vào những năm 90, hoá chất BVTV đã tăng gấp đôi (21.600 tấn năm 1990), và gấp ba (33.000 tấn năm 1995), rồi lên đến 48.300 tấn vào năm 2004. Con số này đến nay còn cao hơn nữa.

Còn đối với một số hóa chất tồn lưu chôn lấp và trên mặt đất có có bao bì bị xuống cấp sẽ cần phải đóng gói lại để bốc xếp và vận chuyển an toàn. Đối với hóa chất chôn lấp, việc đóng gói lại khá phức tạp vì cần phải phân loại hóa chất ra khỏi môi trường xung quanh (đất) và quản lý riêng.

Riêng nguồn tồn lưu chôn lấp, hóa chất và đất lẫn hóa chất nồng độ cao sẽ được gửi đi tiêu hủy ở cơ sở có giấy phép. Đất lẫn hóa chất nồng độ thấp sẽ được xử lý tại chỗ bằng các công nghệ phân hủy sinh học nhờ các chủng vi sinh đã được chọn lọc và phân hủy thực vật bằng cách trồng các loại cây lấy gỗ hay cỏ rễ sâu mà trâu bò không ăn được.

Hóa chất BVTV POP sau khi đào lên sẽ được vận chuyển đến cơ sơ tiêu hủy trong những điều kiện đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế sao cho nguy cơ rủi ro ở mức thấp nhất. Bao bì vận chuyển phải có hai lớp, đóng kín và không bị vỡ trong lúc vận chuyển hoặc va chạm. Việc tiêu hủy hóa chất BVTV tồn lưu bằng cách đốt tự phát bị cấm tuyệt đối. Chỉ những cơ sở đã được cấp phép xử lý đúng chủng loại thuốc mới được tiếp nhận và đốt hóa chất BVTV.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem