Nông dân chậm được hỗ trợ

Thứ năm, ngày 16/12/2010 18:09 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Công trình thuỷ điện An Khê - Ka Nak không chỉ chậm tiến độ thi công hai năm, mà còn gây nhiều hệ lụy đến đời sống của người dân và môi trường.
Bình luận 0

Với tổng vốn khoảng 3.740 tỷ đồng, công trình Thuỷ điện An Khê - Ka Nak có tổng công suất lắp máy 173 MW, sản lượng điện trung bình hàng năm 694 triệu kWh, nằm trên địa bàn huyện Kbang và thị xã An Khê (Gia Lai) do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư.

Còn nợ dân 70 tỷ đồng

Sau khi Thuỷ điện An Khê - Ka Nak chặn dòng, nước đã dâng lên với cao trình 513m, diện tích mặt hồ trên 5.000ha. Tuy nhiên, việc bố trí đất sản xuất cho dân mới chỉ được gần 100ha, trong tổng số hơn 660ha. Cùng với đó là 438ha đất sản xuất của nhân dân đã bị bán ngập và không có đường đi (do ngập nước).

Theo thoả thuận ban đầu, đất sản xuất nông nghiệp bị thu hồi trên 30%, EVN phải hỗ trợ cho dân bằng tiền mặt gấp 5 lần. Nhưng sau khi hỗ trợ được 143 hộ trong lòng hồ để chặn dòng tích nước, EVN chỉ hỗ trợ ở mức 1,5-2,5 lần. Vì vậy, đến nay EVN vẫn còn "nợ" người dân trong vùng dự án khoảng 70 tỷ đồng, trong khi thời hạn chót để thực hiện Quyết định của UBND tỉnh Gia Lai là 31-12-2010.

Trong khi vừa tới vùng tái định cư, người dân chưa có đất sản xuất, thiếu ăn, nhưng việc cấp gạo cứu đói cho dân cũng mới chỉ được 1 tháng. Ông Đinh Tiến Phúc- Chủ tịch HĐND huyện Kbang, bức xúc: "Trước khi triển khai dự án, với quan điểm, cuộc sống của người dân trong vùng tái định cư sẽ tốt hơn và có điều kiện hơn so với nơi cũ, nhưng đối với Kbang thì dân chậm được hỗ trợ, thiếu đất sản xuất nên kéo lên tỉnh, lên huyện ngày càng đông, gây áp lực với chính quyền địa phương".

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Thế Dũng- Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, cho biết, mới đây đại diện EVN đã vào làm việc với tỉnh nhưng vẫn chưa đi đến thống nhất. Kết thúc buổi làm việc, Phó Tổng giám đốc EVN nói rằng "EVN không đủ thẩm quyền để giải quyết!?”.

Nguy cơ sông chết

Trước đây Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Gia Lai đã trực tiếp báo cáo sự việc với Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, và hiện Chính phủ đang chỉ đạo các ngành chức năng ở trung ương vào cuộc, cùng với tỉnh Gia Lai xử lý.

Cũng theo ông Dũng, Thuỷ điện An Khê - Ka Nak, sau khi lấy nước sông Ba để phát điện thì không trả lại cho sông Ba, mà chuyển sang sông Côn để tưới cho 34 nghìn ha cây trồng ở tỉnh Bình Định. Vì vậy, mùa khô sẽ hạn hơn và mùa mưa sẽ lũ nặng hơn.

Minh chứng cụ thể, từ ngày 13-9-2010, ngay sau khi Thuỷ điện An Khê - Ka Nak chặn dòng, hàng ngàn ha lúa các xã phía Nam của huyện Ia Pa, đang thời kỳ trổ bông bị khô hạn nặng.

Theo ông Lư Phúc Phong- Trưởng phòng NN&PTNT huyện Ia Pa, đây là hiện tượng chưa bao giờ xảy ra với sông Ba. Thấy hiện tượng nước sông giảm sút, chính quyền đã huy động người dân ra be bờ, ngăn nước, phục vụ bơm nước tưới cho lúa. Nhưng đến nay, 4 trạm bơm Ia Kdăm, Plei Toan, Kim Tân 2 và Chư Mố 1 đã ngừng hoạt động vì thiếu nước. Nhưng về mùa mưa, thuỷ điện này xả lũ, vùng hạ lưu lại phải hứng chịu lũ nặng hơn. UBND tỉnh Gia Lai đã đề nghị xây dựng các hồ đập điều hoà phía dưới thuỷ điện, nhưng đây là vấn đề rất khó khăn.

Như vậy, cùng với một số cơ sở sản xuất khác ở thượng nguồn sông Ba, Thuỷ điện An Khê - Ka Nak sẽ tác động lớn đến môi trường và nguy cơ biến sông Ba thành "con sông chết" đang dần hiện hữu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem