Nông dân chưa được hưởng lãi 30%

Thứ ba, ngày 06/07/2010 06:42 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngày 30-6, Chính phủ đã quyết định mua tạm trữ tối đa 1 triệu tấn quy gạo vụ hè thu 2010. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, trên thực tế người nông dân chưa hoàn toàn được hưởng theo mức lợi nhuận này.
Bình luận 0
 img
Sản xuất với giá thành thấp nhưng đạt năng suất cao thì nông dân mới có lãi lớn.

Động thái này nhằm giúp người dân tiêu thụ hết lúa hàng hóa và đảm bảo có mức lợi nhuận khoảng 30%. TS. Lê Văn Bảnh- Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho rằng: "Nói là lời 30%, nhưng chúng ta phải tính đến nhiều yếu tố khác để hạch toán đúng giá thành sản xuất, ví dụ như với các hộ dân không có ruộng, họ phải đi thuê đất để trồng lúa, tiền thuê đất đó có được tính vào giá thành sản xuất hay không, rồi một loạt các chi phí khác như thuê nhân công gặt lúa, công phơi, sấy, xay xát…

Cho nên, chúng ta cần tính toán lại giá thành sản xuất thực của nông dân, nếu không người nông dân sẽ lại chỉ được hưởng lãi ảo".

Trong 6 tháng 2010, tổng lượng gạo xuất khẩu nước ta đạt 3,6 triệu tấn, với giá trị 1,87 tỷ USD, so với cùng kỳ năm trước giảm 2,3 % về lượng nhưng lại tăng 7% về giá trị.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định: "Các doanh nghiệp dù mua theo giá nào, cũng phải dựa theo cơ chế thị trường, trên thị trường, một doanh nghiệp không thể áp đặt riêng một giá thu mua của riêng mình được.

Như chúng tôi đã nhiều lần đề xuất, giá thu mua tối thiểu phải đảm bảo cho nông dân có lãi từ 30% trở lên. Tuy nhiên, do thời điểm này, ở ĐBSCL bà con đang tập trung thu mua rộ lúa hè thu, đã khiến lượng lúa tồn trữ nhiều, dẫn đến giá thành sụt giảm.

Song nếu chúng ta thực hiện triệt để chỉ đạo của Chính phủ về việc thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo, chắc chắn giá sẽ tăng trở lại".

Về cách tính giá thành sản xuất để đảm bảo nông dân có lãi 30% được dựa trên những tiêu chí nào, ông Phát cho biết: "Bộ Tài chính đã có hướng dẫn đề nghị các tỉnh đánh giá cụ thể giá thành sản xuất ở tỉnh mình, từ đó đề xuất giá sàn có lợi cho nông dân đảm bảo mức lãi tối thiểu 30%.

Căn cứ vào đề xuất của các tỉnh, Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Hiệp hội Lương thực Việt Nam đưa ra mức giá thu mua trung bình. Tuy nhiên, chi phí để hình thành giá ở thời điểm cụ thể còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như thiên tai, giá thành mua vật tư phân bón… không thể áp đặt một cách chủ quan.

Do vậy, để đạt được mục tiêu đảm bảo nông dân có lãi 30%, cần phấn đấu theo nhiều hướng, không phải chỉ tăng giá thu mua, mà còn giúp nông dân sản xuất với giá thành thấp hơn, năng suất cao hơn".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem