Thứ trưởng Bộ Công Thương phản hồi gì về thông tin Bộ sẽ quản lý lại 6 tập đoàn lớn EVN, PVN, TKV và Petrolimex?

An Linh Thứ ba, ngày 07/01/2025 20:33 PM (GMT+7)
Trước việc dư luận đặc biệt quan tâm về đơn vị sẽ quản lý các tập đoàn, tổng công ty trong lĩnh vực Công Thương như EVN, PVN và TKV, chiều nay 7/1, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đã thông tin với báo giới về đề xuất của Bộ về vấn đề này lên Chính phủ.
Bình luận 0

Cụ thể, tại Kế hoạch 141 ngày 6/12/2024 của Chính phủ ban hành về định hướng, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, mô hình Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước sẽ kết thúc. 19 tập đoàn, tổng công ty do cơ quan này quản lý sẽ trở về lại các bộ chuyên ngành hoặc tổ chức mô hình trực thuộc Chính phủ.

6 tập đoàn trong lĩnh vực Công Thương sẽ do Chính phủ quyết định mô hình quản lý

Ngày 6/1/2025, tại phiên họp thứ 8, Ban Chỉ đạo tinh gọn bộ máy của Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị nghiên cứu phương án chuyển mô hình quản lý một số tập đoàn, tổng công ty có vai trò chiến lược về trực thuộc Chính phủ.

Bộ Công Thương phản hồi gì về thông tin Bộ sẽ quản lý lại 6 tập đoàn lớn EVN, PVN, TKV, Petrolimex?- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân (Ảnh: Bộ Công Thương).

Trả lời về vấn đề đang được dư luận đặc biệt quan tâm này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết: Ngay sau khi Chính phủ ban hành Kế hoạch sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Chính phủ, Bộ Công Thương đã có đề án và báo cáo lên Chính phủ và Ban Chỉ đạo của Chính phủ.

Thứ trưởng Tân nói: "Trong 19 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước do Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước đang quản lý hiện nay, lĩnh vực Công Thương có 6 tập đoàn là Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Hoá chất (Vinachem), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba)”.

"Trong đề xuất, Bộ Công Thương sẽ nhận về 6 đơn vị này, tuy nhiên quyết định thế nào là việc liên quan đến sắp xếp Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp”, ông Tân thông tin.

Thứ trưởng Bộ Công Thương nói, theo tinh thần của Chính phủ sẽ kết thúc nhiệm vụ của Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, nhưng cũng có thể chuyền mô hình tổ chức doanh nghiệp về trực thuộc Chính phủ.

“Đây là các kế hoạch dự kiến, còn cụ thể như nào cần theo dõi thêm”, Thứ trưởng Tân nói thêm.

Liên quan đến Luật Điện lực vừa được Quốc hội thông qua, có hiệu lực ngày 1/2/2025, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân khẳng định, Luật điện lực được thông qua và ngày 1/2/2025 sẽ chính thức có hiệu lực. Đây là áp lực đối với ngành Công Thương.

“Nhưng chúng tôi xác định, được ban hành sớm ngày nào thì lúc đó các nội dung mới sẽ được áp dụng, tạo khuôn khổ hành lang pháp lý, tạo cơ chế động viên, khuyến khích, phát triển các nguồn điện. Ở đây không phải chỉ mỗi điện tái tạo mà các nguồn điện khác, đây là lý do để Bộ Công Thương nói việc Quốc hội thông qua Luật này là “cấp thiết”.

Ông Tân nêu ví dụ: “Một dự án điện được triển khai và cho sản lượng, nhanh nhất phải 5 năm, trong khi đó nhu cầu về nguồn điện hiện nay là rất lớn. Chúng ta phải làm sao để thúc đẩy được việc cải cách thủ tục nhanh hơn”.

Cũng về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Minh, Trưởng phòng Thị trường điện, Cục Điều tiết điện lực cho biết, Cục đang rất khẩn trương xây dựng các văn bản liên quan đến Luật Điện lực ngay sau khi Luật được Quốc hội thông qua.

“Bản thân Cục Điều tiết Điện lực và các đơn vị liên quan trong bộ phải xây dựng 29 loại văn bản về lĩnh vực điện, trong đó bao gồm 7 Nghị định, 2 Quyết định của Thủ tướng và 20 thông tư. Riêng Cục Điều tiết điện lực phải đảm nhận 21 trong tổng số 29 loại văn bản nói trên”, ông này nói.

“Các văn bản này đều có dealine là mồng 1/2/2025 phải ban hành. Tôi nghĩ đây là lần đầu tiên trong lịch sử đời làm công chức của tôi phải xây dựng một khối lượng văn bản lớn như vậy”, ông Minh nêu.

Liên quan đến câu hỏi của phóng viên về việc thí điểm áp dụng giá điện 2 thành phần cho khách hàng sử dụng điện (gồm giá công suất và giá điện năng), ông Minh thông tin tháng 8/2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã giao Cục Điều tiết điện lực nghiên cứu và xây dựng cơ chế điện 2 thành phần.

Bộ cũng giao EVN trực tiếp đề xuất xây dựng phương án áp dụng thí điểm, EVN cũng báo cáo Bộ một số lần. Tuy nhiên, đây là chính sách mới, lần đầu tiên xây dựng, có tác động lớn đến các đối tượng khách hàng, vì vậy Bộ yêu cầu EVN lấy đánh giá, báo cáo tác động đến khách hàng, trước khi có đề xuất áp dụng theo lộ trình lên các cấp có thẩm quyền.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem