Nông dân chuyên nghiệp mới có nền nông nghiệp chuyên nghiệp

Lương Kết Thứ sáu, ngày 26/02/2021 06:00 AM (GMT+7)
“Muốn có nền nông nghiệp thông minh thì phải có những người nông dân thông minh. Vậy làm sao để người nông dân trở nên chuyên nghiệp, trở nên thông minh, đó là những vấn đề cần thực hiện bằng những quyết sách, đề án, kế hoạch cụ thể” - ông Lê Minh Hoan - Thứ trưởng Bộ NNPTNT, nhìn nhận.
Bình luận 0

Tại Đại hội XIII của Đảng, ông Lê Minh Hoan - Thứ trưởng Bộ NNPTNT, đã được tín nhiệm bầu tái cử vào Ban Chấp hành T.Ư khóa XIII.

Phân khúc trong lĩnh vực nông nghiệp

Nghị quyết của Đại hội XIII có nêu mục tiêu đến năm 2025, nước ta là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Trong tiến trình này, vai trò của nông nghiệp, nông thôn và nông dân sẽ như thế nào? Về vấn đề này, Thứ trưởng Lê Minh Hoan làm rõ thêm rằng: Văn kiện của Đại hội XIII xác định đối với nông nghiệp là chúng ta sẽ chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp và xác định 3 chủ đạo: Thứ nhất, nông nghiệp sinh thái, thứ hai là nông thôn hiện đại, thứ ba là nông dân thông minh. Như vậy chúng ta đã định vị một quỹ đạo để chuyển đổi nền nông nghiệp và chuyển đổi giá trị trong xây dụng nông thôn mới trong thời gian tới. Đối với nông nghiệp, chúng ta sẽ tạo ra chuỗi giá trị ngành hàng để tương thích và tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn là tăng sản lượng trong chuỗi giá trị ngành hàng.

Tatnien/ Nông dân chuyên nghiệp mới có nền nông nghiệp chuyên nghiệp - Ảnh 1.

Nông dân sau khi nhường đất đã trở thành công nhân tại một doanh nghiệp sản xuất rau quả sạch ở Vĩnh Phúc. Ảnh: T.T.G

"Như vậy có thể thấy, với những mô hình cũ nhưng chúng ta sẽ làm đậm nét hơn, làm cho lan tỏa hơn và có chính sách đồng bộ hơn để kích hoạt nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp số, nông nghiệp chia sẻ; những mô hình đó sẽ tạo ra giá trị trên từng đơn vị diện tích" - ông Hoan nói.

Cụ thể hơn, theo Thứ trưởng Hoan, nền nông nghiệp của chúng ta phải tạo ra giá trị gia tăng, chứ không chỉ dừng lại ở nâng giá trị gia tăng ở công đoạn của chuỗi ngành hàng, trong đó có ứng dụng khoa học công nghệ, ứng dụng nông nghiệp 4.0, từ bảo quản, sơ chế, chế biến, bao bì đóng gói, thương mại điện tử. Qua đó chúng ta sẽ chia ra từng phân khúc khác nhau để đáp ứng yêu cầu của từng thị trường đang mở, đó là những hiệp định mà chúng ta tham gia.

Bên cạnh đó, theo ông Hoan, ngành nông nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung cũng phải thay đổi rất nhiều từ sản lượng đến chất lượng, từ không an toàn thực phẩm sang an toàn thực phẩm để đáp ứng các hàng rào kỹ thuật của các hiệp định thương mại đó.

Không để nông dân bị bỏ rơi

img

"Cơ quan quản lý nhà nước đề ra quy hoạch hay chiến lược gì thì cuối cùng nông dân là người đầu tiên của tiến trình cơ cấu lại nông nghiệp. Sự thay đổi hay không tác động tới mục tiêu cơ cấu lại nông nghiệp".

Thứ trưởng Lê Minh Hoan

Để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn cần các doanh nghiệp, các tập đoàn lớn tham gia. Một điểm gây khó khăn cho các doanh nghiệp, tập đoàn hiện này là vấn đề phải tích tụ ruộng đất. Gỡ khó vấn đề này ra sao? Ông Lê Minh Hoan cho rằng, hiện có 2 mô hình doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Mô hình đầu tiên doanh nghiệp muốn diện tích đất lớn 1.000ha thậm chí vài ngàn ha để tạo ra một vùng nguyên liệu ổn định để họ đầu tư nhà máy chế biến. Nhưng cũng cps mô hình không cần nhiều diện tích đất, như Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao không cần diện tích đất lớn mà tạo ra sự liên kết vùng nguyên liệu xung quanh của các HTX ở Gia Lai.

Theo ông Hoan, mỗi cách làm đều có hướng đi khác nhau và dù hướng đi nào thì đều phải nghĩ tới câu chuyện những người nông dân đang canh tác trên miếng đất đó, có thể họ cho thuê, có thể họ bán theo chính sách đã được xác lập để doanh nghiệp tạo ra quy mô lớn sản xuất lớn. Nhưng bài toán việc làm của những người nông dân tại đó như thế nào cần được đặt ra.

"Nếu nông dân để cho doanh nghiệp tích tụ diện tích đất lớn để sản xuất quy mô trong khi người nông dân lại đi ra ngoài tìm việc làm là không ổn, bởi không phải người nông dân nào cũng vào nhà máy làm việc được. Nếu doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chỉ dừng ở việc tạo ra quy mô sản xuất lớn, nó sẽ không tạo ra được nhiều việc làm, bởi nhiều khi sản xuất quy mô lớn sẽ áp dụng công nghệ hiện đại thì thay vì dùng 100 người tưới thì chỉ cần 1 người điều khiển máy tưới. Như vậy dẫn tới hệ quả là người nông dân không có việc làm" - từ nhận định tình hình như vậy, Thứ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần khuyến khích doanh nghiệp tạo ra chuỗi ngành hàng vì trong chuỗi ngành hàng đó sẽ tạo ra rất nhiều việc làm. Như vậy có thể vừa thu hút tri thức trẻ tham gia chuỗi ngành hàng đồng thời đưa những người nông dân ngày xưa canh tác trên mảnh đất của mình vào làm trong những chuỗi ngành hàng thông qua công tác đào tạo của doanh nghiệp cũng như đào tạo của Nhà nước, chính sách đào tạo nghề nghiệp, chuyển đổi nghề nghiệp.

Bàn sâu về câu chuyện nông dân kiểu mới, hình mẫu nông dân hiện đại và vai trò, đóng góp trong thúc đẩy phát triển nông nghiệp, Thứ trưởng Lê Minh Hoan cho biết đây là vấn đề lâu nay ông trăn trở: "Muốn có nền nông nghiệp chuyên nghiệp thì phải có người nông dân chuyên nghiệp. Muốn có nền nông nghiệp thông minh thì phải có những người nông dân thông minh. Vậy làm sao để người nông dân trở nên chuyên nghiệp, trở nên thông minh, đó là những vấn đề cần giải quyết bằng những quyết sách, đề án, kế hoạch cụ thể".

Theo ông, nếu sản xuất nông nghiệp theo tập quán, nhận thức, quán tính cũ, vẫn đánh đổi bằng sự may rủi của mùa vụ như thời gian qua thì nền nông nghiệp vẫn bấp bênh. Khi nông dân hợp tác với nhau, thấy mình phải tự thay đổi trước, biết hợp tác với nhau, vào hợp tác xã, biết cách tiếp cận tri thức cơ bản nhất trong nền kinh tế thị trường, biết cung, biết cầu, biết biến đổi khí hậu là như thế nào, biết an toàn vệ sinh thực phẩm, biết làm sao để đất đai màu mỡ...

Từ yêu cầu đó, ông Hoan khẳng định Bộ NNPTNT sẽ cùng Hội Nông dân và cơ quan liên quan dần dần đi theo mô hình quản lý của nước ngoài, đó là người nông dân muốn sản xuất nông nghiệp phải có giấy phép, phải xem nông nghiệp là một nghề chứ không phải không biết làm gì, dốt thì cho đi làm nông. "Nếu để người dốt đi làm nông nghiệp thì làm sao được, do đó chúng ta phải tri thức hóa người nông dân, chuyên nghiệp hóa người nông dân, tiến tới ngày nào đó chúng ta cũng giống các quốc gia tiên tiến, xem đó là một nghề và được cấp chứng chỉ hành nghề hẳn hoi" - Thứ trưởng Bộ NNPTNT nhấn mạnh.n

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem