Học để làm ông chủ
Cuối tuần qua (22.12) Trường Trung cấp Nghề Nông dân Việt Nam đã tổ chức khai giảng 3 lớp dạy nghề chăn nuôi thú y khoá 5 với 125 học viên.
Tếch A Cang (21 tuổi) người dân tộc Mông ở bản Co Lóng xã Lóng Luông (Vân Hồ, Sơn La) là 1 trong hơn 100 học viên tham gia khoá học nghề này. Gia đình thuộc hộ nghèo, không có điều kiện nên học hết cấp 3, Cang xuống Hà Nội tìm việc và làm cho trang trại chăn nuôi ở huyện Quốc Oai (Hà Nội).
Học sinh học nghề chăn nuôi thú y tại Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam phân hiệu Tuyên Quang. Ảnh: M.N
Cũng tại lễ khai giảng các lớp dạy nghề chăn nuôi, Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam đã ký kết hợp tác đào tạo và cung ứng lao động với Công ty cổ phần Hải Nguyên, đơn vị này cam kết tiếp nhận học sinh thực tập và làm việc.
|
“Đi làm ở trang trại lợn, em thấy thích nghề chăn nuôi, nhưng vì không có kiến thức, kỹ năng chăn nuôi nên nhiều lúc làm việc còn bỡ ngỡ. Em muốn đi học có thêm kiến thức, kỹ năng về làm việc. Đi làm thuê vài năm, em sẽ trở về quê hương mở trang trại lập nghiệp” – Cang tâm sự.
Đăng ký lớp học nghề chăn nuôi thú y, anh Phùng Văn Tới (xã Phú Cát, huyện Quốc Oai, Hà Nội) cũng có mong muốn đi học để về khởi nghiệp kinh doanh. Dù không còn trẻ (36 tuổi) lại đã bôn ba qua rất nhiều nơi, làm rất nhiều nghề nhưng người đàn ông có bằng ĐH Luật kinh tế và bằng trung cấp du lịch lại mong muốn làm nông nghiệp. “Hiện tại mình làm một trang trại rộng 200m2 để chăn nuôi gà đồi. Trang trại đang hoàn thiện, dự kiến sau khi học xong nghề mình sẽ áp dụng kiến thức vào chăn nuôi” – anh Tới chia sẻ.
Dạy nghề theo thế mạnh của địa phương
Ghi nhận sự quyết tâm từ phía học sinh, ông Đỗ Văn Dương – Phó Chủ tịch xã Hoà Thạch (Quốc Oai, Hà Nội) mong muốn các học viên tham gia lớp đào tạo nghề cố gắng học tập để có kiến thức tốt nhất áp dụng vào làm việc. Ông Dương cho biết: “Với đặc thù là vùng bán sơn địa, kinh tế còn nhiều khó khăn, bà con chủ yếu làm nông nghiệp theo hướng truyền thống, canh tác nhỏ lẻ. Bởi vậy, những năm gần đây địa phương xem việc dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật là hướng đi cần thiết để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng quy mô, hiện đại nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm”.
Hiện tại toàn xã Hoà Thạch có hơn 200 trang trại, quy mô từ 2.000 con tới 200.000 con gia súc. Mục tiêu tới đây, địa phương sẽ hỗ trợ để nông dân mở rộng quy mô trang trại; Thực hiện sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển du lịch sinh thái trải nghiệm.
Cùng tham gia buổi khai giảng lớp dạy nghề chăn nuôi còn có đại diện Công ty cổ phần Hải Nguyên – đơn vị phối hợp với Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam thực hiện đào tạo, giải quyết đầu ra (tạo việc làm) cho học sinh sau khi học nghề. Ông Đào Thế Hải – Giám đốc Công ty cổ phần Hải Nguyên khẳng định: “Công ty sẵn sàng hỗ trợ nhà trường trong việc đào tạo, chuyển giao kỹ thuật. Trước mắt có thể tiếp nhận để học sinh tới thực hành, sau học nghề học sinh có nhu cầu tìm việc làm công ty sẽ tạo điều kiện hết mức, trả lương xứng đáng với tay nghề”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.