Nông dân Củ Chi làm diễn viên tại sân khấu “Đất thép” - Địa đạo an toàn nhất là lòng dân

Quang Dương Thứ bảy, ngày 21/12/2024 07:00 AM (GMT+7)
Không gian sân khấu “Đất thép” – Địa đạo an toàn nhất là lòng dân đưa người xem đến những thực cảnh sinh động về câu chuyện sống, chiến đấu đầy anh dũng của quân và dân Củ Chi.
Bình luận 0

Mới đây, huyện Củ Chi (TP.HCM) tổ chức Lễ ra mắt Chương trình không gian trải nghiệm sân khấu lịch sử truyền thống “Đất thép” – Địa đạo an toàn nhất là lòng dân tại Nhà Truyền thống huyện Củ Chi.

Nông dân hóa diễn viên diễn xuất về lịch sử con người, vùng đất Củ Chi

Đây là công trình chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024), 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 – 03/02/2025), 50 năm Giải phóng huyện Củ Chi (29/4/1975 – 29/4/2025) và giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).

Từ địa đạo khốc liệt bom đạn đến không gian văn hóa, lịch sử đầy tự hào - Ảnh 7.

Sân khấu văn hóa, lịch sử “Đất thép” – Địa đạo an toàn nhất là lòng dân. Ảnh: H.C.C

Chương trình tham quan trải nghiệm và xem biểu diễn sân khấu thực cảnh tại Nhà truyền thống huyện sẽ có thời lượng 120 phút.

Trong đó có 30 phút tham quan các tư liệu hiện vật, dâng hương tại phòng thờ các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng liệt sĩ và 90 phút xem chương trình không gian trải nghiệm sân khấu lịch sử truyền thống “Đất thép” – Địa đạo an toàn nhất là lòng dân do đạo diễn Lê Quý Dương dàn dựng.

Nội dung chương trình được dẫn dắt qua lời kể của linh hồn một lính Mỹ thuộc sư đoàn 25 Tia chớp tại căn cứ Đồng Dù đã tử trận trên chiến trường Củ Chi. Vì cảm phục trước ý chí kiên cường và những hy sinh mất mát của người dân Củ Chi, linh hồn của người lính Mỹ tử trận này đã ở lại nơi đây, bắt đầu cuộc hành trình tìm hiểu mảnh đất và con người Củ Chi.

Từ địa đạo khốc liệt bom đạn đến không gian văn hóa, lịch sử đầy tự hào - Ảnh 8.

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ chúc mừng các diễn viên hoàn thành vở diễn “Đất thép” – Địa đạo an toàn nhất là lòng dân. Ảnh: H.C.C

Những câu chuyện kể được tái hiện với hình ảnh Mẹ Việt Nam anh hùng – Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Nguyễn Thị Rành là trung tâm và những câu chuyện đan xen như đào địa đạo, Trung đội Nữ du kích Củ Chi, các anh hùng chống Pháp, chống Mỹ…

Linh hồn của người lính Mỹ đã được cảm hóa, trở thành tiếng nói tâm linh dắt dẫn từng du khách trong nỗi dằn vặt, trăn trở, sám hối trước những cuộc chiến tranh tàn khốc và phi nghĩa, bày tỏ khát khao hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc và no ấm cho toàn nhân loại hôm nay.

Từ địa đạo khốc liệt bom đạn đến không gian văn hóa, lịch sử đầy tự hào - Ảnh 9.

Một cảnh trong vở diễn “Đất thép” – Địa đạo an toàn nhất là lòng dân. Ảnh: H.C.C

Điều độc đáo của chương trình tham quan, trải nghiệm tại Nhà truyền thống huyện Củ Chi là đội ngũ thuyết minh viên tại các phòng trưng bày rất đa dạng. Trong đó, có cả thuyết minh viên là đội viên học sinh nhỏ tuổi nhưng rất tự tin giới thiệu về truyền thống quê hương Củ Chi bằng tiếng Việt và tiếng Anh.

Đội ngũ diễn viên tham gia biểu diễn chương trình sân khấu thực cảnh là những người con của quê hương Củ Chi, đa phần là các diễn viên không chuyên, nhiều diễn viên là nông dân, công nhân nhưng vì tình yêu lịch sử, yêu quê hương mà đã nỗ lực luyện tập và tham gia diễn xuất với mong muốn đóng góp công sức của mình góp phần giới thiệu về lịch sử, văn hóa, vùng đất và con người Củ Chi anh hùng.

UBND huyện Củ Chi kỳ vọng chương trình này sẽ là sản phẩm du lịch cụ thể giới thiệu lịch sử, truyền thống địa phương và kết nối với các sản phẩm du lịch sinh thái xanh đang vận hành, hình thành trên địa bàn huyện tạo thành chuỗi du lịch khép kín mang tính bền vững, lâu dài và hấp dẫn du khách đến Củ Chi.

Từ địa đạo khốc liệt bom đạn đến không gian văn hóa, lịch sử đầy tự hào - Ảnh 3.
Từ địa đạo khốc liệt bom đạn đến không gian văn hóa, lịch sử đầy tự hào - Ảnh 4.
Từ địa đạo khốc liệt bom đạn đến không gian văn hóa, lịch sử đầy tự hào - Ảnh 5.
Từ địa đạo khốc liệt bom đạn đến không gian văn hóa, lịch sử đầy tự hào - Ảnh 6.

Những trải nghiệm thú vị khi du khách đến với Địa đạo Củ Chi ngày hôm nay. Ảnh: Q.D

Địa đạo Củ Chi: Từ khốc liệt đạn bom đến không gian văn hóa, lịch sử đầy tự hào  

Với tầm vóc chiến công của mình, Địa đạo Củ Chi đã đi vào lịch sử đấu tranh anh hùng của nhân dân Việt Nam như một huyền thoại của thế kỷ 20 và trở thành một địa danh nổi tiếng trên thế giới. Ngày nay, du khách trong nước, ngoài nước tới tham quan, tìm hiểu về địa đạo ngày càng đông. Địa đạo Củ Chi trở thành điểm hẹn truyền thống của các thế hệ Việt Nam và niềm kính phục của bạn bè thế giới.

Đến với địa đạo, du khách được trải nghiệm chui hầm, khám phá các lối đi bên dưới lòng đất. Đặc biệt, một trải nghiệm du khách nhất định phải thử khi đến đây đó là ăn củ mì (khoai sắn) chấm muối đậu. Ngoài ra du khách cũng có thể trải nghiệm bắn súng đạn thật tại đây.

Từ địa đạo khốc liệt bom đạn đến không gian văn hóa, lịch sử đầy tự hào - Ảnh 1.

Du khách nước ngoài tham quan Địa đạo Củ Chi. Ảnh: Q.D

Địa đạo Củ Chi là một kỳ quan đánh giặc độc đáo có một không hai với khoảng 250km đường hầm tỏa rộng như mạng nhện trong lòng đất, có các công trình liên hoàn với địa đạo như: Chiến hào, ụ, ổ chiến đấu, hầm ăn, ngủ, hội họp, sinh hoạt, quân y, kho cất giấu lương thực, giếng nước, bếp Hoàng Cầm...

Dựa vào hệ thống đường ngầm, công sự, chiến hào, chiến sĩ và nhân dân Củ Chi đã chiến đấu vô cùng anh dũng, lập nên những chiến công thần kỳ. Quân đội Mỹ lần đầu vào đất Củ Chi gặp phải sự kháng cự quyết liệt từ các địa đạo trong vùng căn cứ hiểm yếu, đã phải thốt lên: “Làng ngầm”, “Mật khu nguy hiểm”…

Ở Củ Chi, địa đạo có sớm nhất vào năm 1948 ở hai xã: Tân Phú Trung và Phước Vĩnh An. Lúc đầu chỉ có những đoạn ngắn cấu trúc đơn giản dùng để cất giấu tài liệu, vũ khí, trú ém cán bộ hoạt động trong vùng địch hậu.

Từ địa đạo khốc liệt bom đạn đến không gian văn hóa, lịch sử đầy tự hào - Ảnh 2.

Du khách tham quan và nghe giới thiệu về hiện vật trưng bày tại địa đạo. Ảnh: Q.D

Hệ thống địa đạo chạy ngoắt ngoéo trong lòng đất, từ đường “xương sống” (đường chính) tỏa ra vô số nhánh dài ngắn, ăn thông với nhau, hoặc độc lập chấm dứt tùy theo địa hình. Có nhiều nhánh trổ ra sông Sài Gòn, để khi bị tình thế nguy kịch, có thể vượt qua sông sang vùng căn cứ Bến Cát (Bình Dương).

Với giá trị và tầm vóc chiến công được đúc kết bằng xương máu, công sức của hàng vạn chiến sĩ, đồng bào, khu căn cứ địa đạo Củ Chi đã được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa quốc gia.

Hiện nay, Địa đạo Củ Chi được bảo tồn ở hai địa điểm:

- Địa đạo Bến Dược (căn cứ Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định) tại ấp Phú Hiệp, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, TP.HCM, được Bộ Văn hóa công nhận Di tích Lịch sử Văn hóa quốc gia theo Quyết định số 54/VHQĐ ngày 29 tháng 4 năm 1979.

- Địa đạo Bến Đình (căn cứ Huyện ủy Củ Chi) tại ấp Bến Đình, xã Nhuận Đức, huyện Củ Chi, TP.HCM, được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận Di tích lịch sử quốc gia theo Quyết định số 101/2004/QĐ-BVHTT ngày 15 tháng 12 năm 2004.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem