Theo Hội Nông dân (ND) tỉnh Bình Dương, hiện phong trào NDSXKDG gắn với hoạt động tương trợ giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, thực hiện hiệu quả hoạt động liên kết, dịch vụ hỗ trợ nông dân gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, quốc phòng, an ninh ở địa phương…
Nông dân giỏi làm chủ lực
Lãnh đạo Hội ND tỉnh Bình Dương thăm trang trại hoa lan của NDSXKDG. Ảnh: T.Đ
Tính đến nay, có 46/46 xã trên địa bàn tỉnh đã đạt chuẩn nông thôn mới, có 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Trong 3 năm qua, Hội ND tỉnh đã vận động cán bộ, hội viên nông dân đóng góp sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng với tổng chiều dài hơn 300km, tiền ủng hộ là 21,927 tỷ đồng.
|
Trong giai đoạn 2017 - 2019, Hội ND tỉnh Bình Dương có hơn 31.900 hộ đạt danh hiệu NDSXKDG các cấp, chiếm tỷ lệ 85,11% so với số hộ đăng ký. Trong đó, cấp Trung ương là 382 lượt hộ, cấp tỉnh là 3.825 lượt hộ, còn lại là cấp huyện, thị, thành Hội và cơ sở.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Bình Dương nhận định, phong trào NDSXKDG thật sự là động lực phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế hộ gia đình, kinh tế tập thể. “Phong trào NDXSKDG đã có sự lan tỏa rộng rãi, ý thức của hội viên về phong trào ngày càng đầy đủ và ý nghĩa, qua đó xuất hiện nhiều gương nông dân điển hình tiên tiến” - bà Nhung thổ lộ.
Điển hình như hộ bà Nguyễn Thanh Thủy (xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng) với mô hình bưởi da xanh đạt chất lượng xuất khẩu, bà Vũ Thị Tuất (xã Minh Tân, huyện Dầu Tiếng) với mô hình nuôi chim yến, ông Tống Văn Hướng với mô hình trang trại tổng hợp, ông Lâm Thành Thương (xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên) với mô hình trồng cam công nghệ cao…
Ông Nguyễn Tấn Liêm (xã An Bình, huyện Phú Giáo) - gương mặt “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2019 cho biết, hiện ông làm chủ trang trại gà với 100.000 con. Nhờ áp dụng tốt kỹ thuật, đàn gà của ông Liêm cứ nuôi 60 ngày cho xuất bán. Mỗi năm trang trại của ông Liêm cung ứng ra thị trường hơn 300.000 con gà thịt. Trừ chi phí chăn nuôi và trả lương cho công nhân, gia đình ông Liêm thu lời hơn 3 tỷ đồng.
Theo Hội ND tỉnh Bình Dương, không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Liêm còn là người thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội của địa phương như: Hỗ trợ, giúp đỡ những hộ gia đình nghèo khó; tài trợ học bổng toàn phần cho học sinh đậu vào các trường đại học, cao đẳng…
Tăng cường hỗ trợ phong trào
Theo UBND tỉnh Bình Dương, hiện nông nghiệp của tỉnh tuy chỉ chiếm tỷ trọng kinh tế 3,08%, nhưng đang phát triển theo hướng tích cực, có giá trị và hiệu quả cao. Theo đó, giá trị sản xuất ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng trưởng bình quân hàng năm từ 3,5 - 4%. Giá trị sản phẩm bình quân trên 1ha đất nông nghiệp đạt trên 95 triệu đồng/ha/năm, nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao có thu nhập trên 400 triệu đến 1,2 tỷ đồng/ha/năm.
Hiện nay, tỉnh có 4 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với diện tích gần 1.000ha. Kinh tế trang trại đã và đang trở thành mô hình tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn, chủ lực là phong trào NDSXKDG.
Vừa qua, trong buổi đánh giá tình hình kinh tế tập thể lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2019 và phương hướng thực hiện giai đoạn 2020 - 2025, trên địa bàn tỉnh, ông Mai Hùng Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương cho biết, sẽ khuyến khích nông dân phát triển hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
“Kết quả đạt được của phong trào NDSXKDG là nhờ có chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, được tổ chức Hội quán triệt, cụ thể hóa và vận dụng linh hoạt vào thực hiện hoạt động phù hợp với tâm tư nguyện vọng của hội viên nông dân, được đông đảo hội viên nông dân nhiệt tình ủng hộ” - bà Nhung nhận định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.