Nhà anh Đặng Văn Tuất ở xóm Dù nằm ngay bìa rừng quốc gia Xuân Sơn. Anh có hơn 1 mẫu ruộng nương, nằm ở trên đồi cao, đất đai khô cằn nên trước đây làm ruộng rất vất vả. Nhưng vài năm gần đây, anh Tuất thấy việc sản xuất nông nghiệp nhàn hạ, thuận lợi hơn rất nhiều. Anh Tuất bảo: “Từ khi học lớp sửa chữa máy nông nghiệp về, tôi đã mạnh dạn đầu tư mua máy cày về làm thay thế cho trâu, bò, thấy hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần, người lại nhàn hạ”.
Ảnh minh họa
Theo anh Tuất, ngày trước vào vụ đưa trâu, bò ra cày mất cả ngày mới được sào ruộng, mất nhiều thời gian. Không những vậy, ruộng cày không sâu cấy lúa chết rất nhiều. Từ cuối năm 2014, tôi mua máy cày về cày rất nhanh, ruộng sâu, lúa phát triển tốt, cho năng suất cao, từ 1,5 đến hơn 2 tạ/sào. “Trong quá trình làm hay xong vụ, máy có hỏng hóc gì tôi có thể tự sửa ngon lành mà không phải mang ra hiệu ngoài huyện sửa, đỡ tốn phí rất nhiều” – anh Tuất khoe.
Cạnh xóm nhà anh Tuất, hộ ông Trần Dũng ở xóm Lạng, cũng có hàng mẫu ruộng, nương. Dù ông Dũng đã sớm mạnh dạn mua máy cày từ năm 2013, nhưng do không có kiến thức nên vừa làm máy vừa hỏng, nhiều khi phải mang ra huyện mới sửa được, khi sửa về hàng xóm đã cày trâu xong. “Tôi thấy lớp dạy nghề sửa chữa máy do địa phương tổ chức rất kịp thời và cần thiết cho bà con chúng tôi trong sản xuất, giúp giảm nhân công và tăng hiệu quả kinh tế lên nhiều” – ông Dũng chia sẻ.
Không những tự mày mò sửa được máy, anh Dũng còn có dự định mua thêm máy về làm cho gia đình và phục vụ bà con trong và ngoài xã. Ngoài thời gian làm cho gia đình, anh Dũng còn đến một số hộ dân trong xã có máy, không có điều kiện được học nghề để hướng dẫn, giúp mọi người sửa máy miễn phí.
Đó là kết quả của lớp dạy nghề sửa chữa máy nông nghiệp do Trung tâm Dạy nghề huyện Tân Sơn (Phú Thọ) phối hợp Hội Nông dân, UBND xã Xuân Sơn tổ chức dạy nghề cho 30 học viên là đồng bào dân tộc thiểu số một năm trước.
Từ việc dạy nghề cho 30 học viên đại diện cho các xóm, khu, đến nay các hộ này đã không chỉ tự tin mua máy để sản xuất, mà còn tự động viên nhau mua máy và trao đổi kinh nghiệm sửa chữa, làm nông nghiệp đạt hiệu quả.
Chia sẻ về kinh nghiệm dạy nghề, ông Bàn Văn Lâm – Bí thư Đảng ủy xã Xuân Sơn cho biết, trước khi phối hợp tổ chức lớp dạy nghề, xã đã khảo sát thực tế sản xuất và lấy ý kiến của nhân dân, thấy mọi người ủng hộ, xã và các cấp hội mới đề nghị và phối hợp Trung tâm Dạy nghề thực hiện.
“Điều đáng mừng hơn cả là khi tổ chức lớp, cán bộ dạy theo phương pháp “cầm tay chỉ việc” cho học việc trực tiếp sửa máy móc tại lớp nên bà con rất hứng thú, đến học rất đầy đủ. Khi học xong, 100% học viên biết áp dụng và truyền kinh nghiệm, kiến thức cho người thân, hàng xóm của mình cùng làm giàu” – ông Bàn Văn Lâm cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.