Nông dân Khmer khấm khá nhờ ngô giống

Thuận Hải Thứ năm, ngày 05/03/2015 06:38 AM (GMT+7)
Với sự hợp tác bao tiêu của Công ty cổ phần Giống cây trồng Miền Nam (SSC), gần 1.000 hộ dân Khmer ở tỉnh Trà Vinh có thu nhập khá nhờ chuyển từ trồng lúa sang trồng ngô (bắp) giống.
Bình luận 0

Chắc ăn như ngô

Ông Trần Văn Nhờ (Năm Nhờ) - Tổ trưởng Tổ hợp tác Đại Phát (xã Tân Sơn, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) cho biết: “Nhờ quyết định chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng ngô giống, mà đời sống của nhiều hộ nông dân, trong đó phần lớn là người Khmer đã khá giả hơn trước”. Theo cách tính của ông Nhờ, chi phí đầu tư cho mỗi công ngô giống hiện nay khoảng 3 triệu đồng, năng suất đạt khoảng 7 – 10 tạ/công, mỗi công tương đương 1.000m2. Với giá thu mua ngô trái đạt 9.000 đồng/kg, bà con sẽ thu về ít nhất 6,3 triệu đồng/công, trừ chi phí còn lãi hơn 3 triệu đồng.

img


 Anh Thạch Nan Đi, ngụ tại xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) kiểm tra ruộng ngô giống để cung cấp sản phẩm cho SSC.  

“So với lúa, trồng ngô chắc ăn hơn nhiều. Vì trồng lúa “ngon” lắm cũng chỉ lời từ 1 – 1,2 triệu/công mà giá cả thì bấp bênh, đầu ra không có. Ngược lại, trồng ngô giống có doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu, có đại diện UBND giám sát thực hiện…” - ông Nhờ phấn khởi cho hay.


Theo ông Trần Minh Lại – Giám đốc HTX Nhị Trường (huyện Cầu Ngang, Trà Vinh), phần lớn tham gia dự án là đồng bào Khmer, do đó ban đầu việc chuyển từ trồng lúa nước quen thuộc sang trồng ngô giống gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng này đã giúp bà con có thu nhập ổn định. Anh Thạch Nan Đi, ngụ xã Long Sơn (Cầu Ngang) cho rằng, ngô là cây trồng không chịu nước, khi gieo trồng, bà con được hướng dẫn không ngâm hạt giống trước, hơn nữa công đoạn lột phơi trái trước khi thu hoạch tốn nhiều nhân công, chi phí giá thành cao hơn. “Tốn nhiều công nhưng việc trồng ngô giống cũng mang lại lợi nhuận cao hơn trồng lúa từ 1 – 1,5 triệu đồng/công” - anh Đi cho biết.

Tiềm năng rất lớn

Ông Hàng Phi Quang – Tổng Giám đốc SSC cho biết, trong vụ đông xuân 2013 – 2014, doanh nghiệp đã triển khai hợp đồng hợp tác sản xuất hạt giống ngô lai với 980 hộ nông dân tại các huyện Cầu Ngang, Trà Cú, Duyên Hải (Trà Vinh). Tổng diện tích hợp tác sản xuất đạt 604ha, trong đó số hộ nông dân Khmer tham gia dự án chiếm đến 81,4%.

Đến nay, số ngô trái đã thu hoạch đạt hơn 3.200 tấn, trị giá 25,6 tỷ đồng. Với năng suất bình quân xấp xỉ 5,4 tấn ngô trái/ha, thu nhập bình quân của các hộ nông dân đạt khoảng 42,3 triệu đồng/ha. Số ngô giống này được SSC thu mua, chế biến thành hơn 1.600 tấn hạt giống, cung ứng cho thị trường cả nước và một số nước Đông Nam Á. Theo ông Quang, sang năm 2015, SSC đặt mục tiêu hợp tác với nông dân Trà Vinh, triển khai 600ha sản xuất hạt giống ngô lai, đồng thời mở rộng diện tích hạt giống đậu xanh, hạt giống lúa thuần cũng như hạt giống rau đậu đũa, đậu bắp trên địa bàn tỉnh này.

Ông Nguyễn Đức Mậu – Phó Chủ tịch UBND huyện Cầu Ngang cho rằng, không chỉ cây ngô, tiềm năng sản xuất các loại giống rau, màu ở tỉnh này hiện còn rất lớn. Nếu tận dụng, phát huy được sẽ giúp mang lại thu nhập cho nhiều hộ Khmer nghèo.

Dự án “Kinh doanh cùng người thu nhập thấp: Chuyển đổi cơ cấu ngô giống-lúa”, giúp nông dân Khmer tỉnh Trà Vinh thoát nghèo, với tổng kinh phí toàn dự án hơn 37,5 tỷ đồng, trong đó Quỹ Thách thức doanh nghiệp Việt Nam (VBCF) tài trợ 7,8 tỷ đồng.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem