Nông dân Long An trồng thập cẩm 20 loại cây đặc sản kiểu “thả vịt đi lùa”, ai dè lại sống khỏe
Nông dân Long An trồng thập cẩm 20 loại cây đặc sản kiểu “thả vịt đi lùa”, ai dè lại sống khỏe
Trần Đáng
Thứ năm, ngày 01/12/2022 13:14 PM (GMT+7)
Giá cả nông sản bấp bênh, thua lỗ đến bán cả đất trả nợ, nông dân ở Long An chuyển sang trồng cây đặc sản kiểu “thả vịt đi lùa”, mùa nào bán trái ấy, bổng dưng thành công mỹ mãn.
Khi mùa thu hoạch ổi ruby đến, chúng tôi hẹn nhau về vườn xem ông Năng hái bán ổi ruby. Tiện thể, nhờ ông Năng giải thích câu nói trồng cây đặc sản kiểu "thả vịt đi lùa" gần đây bà con nông dân hay nói.
Nghe chúng tôi hỏi, ông Năng cười: "Nói nôm na là trồng xen canh nhiều loại cây trồng trên cùng một diện tích để hạn chế rủi ro khi giá cả thị trường không ổn định. Vào mùa trái cây rộ, nếu trái này mất giá, trái kia gỡ gạt. Được cây nào ăn cây đó".
Hiện, ông Năng trồng 20 loại cây đặc sản, giá trị kinh tế cao trên khu vườn rộng 3ha với các loại cây đặc sản, như: Na Thái, na sầu riêng, ổi ruby ruột đỏ, ổi cẩm thạch, vú sữa hoàng kim, vú sữa bơ hồng, vú sữa lò rèn, me Thái, cherry Mỹ, nhãn tím, chà là, bòn bon, chôm chôm, nho thân gỗ… Tất cả các giống cây đặc sản này đều nhập từ Thái.
Theo ông Năng, việc trồng cây đặc sản như thế này, có nguyên nhân từ những thất bại do trồng chuyên canh trước đây.
"Tôi từng trồng chuyên canh mía, chanh và thanh long diện tích lớn. Riêng thất bại trong việc trồng chuyên canh thanh long đã khiến tôi lỗ 600 triệu đồng, phải bán đất trả nợ", ông Năng thổ lộ.
Ông Năm Năng cho biết, khi còn trồng mía, ông đã cải tạo mảnh đất bưng biền này bằng phân hữu cơ và phân chuồng nên tốn kém rất nhiều nên giờ trồng cây đặc sản không phải bón nhiều phân nữa.
"Trồng cây đặc sản rất sướng. Từ khi xử lý ra trái cho đến khi thu hoạch chủ yếu chỉ mất công bao trái", ông Năng thổ lộ.
Cũng như ông Năng, năm 2019, ông Trần Văn Nết (xã Mỹ Phú, Thủ Thừa. Long An) trồng một lúc 3 giống cây ăn trái, là mãng cầu Đài Loan, bưởi ruby và vú sữa hoàng kim trên cùng một mảnh vườn 4.000m2 và 2.000m2 mãng cầu Thái. Trong khi chờ mãng cầu Đài Loan và vú sữa hoàng kim cho trái, ông Nết trồng xem ổi ruby để "lấy ngắn, nuôi dài".
"Tôi thấy trồng kiểu này chắc hơn chuyên canh khi giá cả nông sản hiện nay khá bấp bênh", ông Nết chia sẻ.
Sau 3 năm trồng đến nay, các loại cây phát triển tốt và đang cho thu hoạch. Ông Nết chủ yếu trồng cây đặc sản bằng phân hữu cơ và thuốc vi sinh để cho trái mẫu mã, chất lượng tốt, bán được giá cao.
Trồng cây đặc sản kiểu "thả vịt đi lùa", ai dè lại sống khỏe
Theo ông Nết, từ ngày trồng cây đặc sản "kiểu thả vịt đi lùa" ông thấy an tâm hơn, thu nhập tốt hơn khi còn trồng cây ăn trái chuyên canh.
Vụ thu bán ổi ruby vừa rồi, ông bán được 800kg, thu lãi 12 triệu đồng. Ngoài ra, vườn mãng cầu Thái cũng đã cho thu hoạch mang về lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/năm.
Riêng với ông Năng, diện tích ổi ruby ruột đỏ đã cho thu hoạch. Mỗi vụ cho năng suất khoảng 17 tấn/0,5ha. Hiện, na Thái và vú sữa đã cho trái bói.
Theo ông Năm Năng, ông không lo trái cây đặc sản ế hàng. Bằng chứng, ổi ruby ruột đỏ của ông trồng không đủ bán cho lái. Giá ổi ruby bán tại vườn 10.000-12.000 đồng/kg.
"Với việc vườn trồng cây đặc sản đang mở ra tiềm năng kinh tế cao như hiện nay có thể giúp tôi mua lại số đất đã bán để mở rộng vườn trồng cây đặc sản", ông Năng tin tưởng.
Anh Bảo Toàn, một thương lái chuyên thu mua trái cây ở khu vực miền Tây cho biết, hiện mô hình nông dân trồng cây đặc sản kiểu "thả vịt đi lùa" đang xuất hiện rải rác khá nhiều.
"Chủ yếu do tâm lý ngại khủng hoảng giá, muốn ăn chắc của bà con nông dân. Trồng kiểu này tôi thấy cũng hay, nhất là thương lái bán lẻ như bọn tôi muốn mua loại trái nào cũng có", anh Toàn chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.