Nông dân Nga oằn mình trong đại hạn

Thứ bảy, ngày 14/08/2010 08:05 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp Mỹ, khu vực Nga chiếm ít nhất 10% trong tổng số 121,6 triệu tấn lúa mì nhập khẩu trên toàn cầu.
Bình luận 0
img
Nông dân Nga thu hoạch lúa mì.

Ngoài ra, Nga đang tìm cách tiếp cận thị trường ngũ cốc và hạt có dầu của Trung Quốc nhằm xuất khẩu mỗi năm 10 triệu tấn lúa mì, đậu tương và lúa mạch sang nước này vào năm 2030.

Giá lúa mì tăng cao đột biến, nhưng hàng ngàn nông dân Nga vẫn rơi nước mắt vì 1/5 cánh đồng lúa mì đã bị đợt nắng nóng nghiêm trọng nhất trong vòng 130 năm qua thiêu rụi.

Nông dân Nga không còn vui mừng khi mùa thu hoạch lúa mì năm nay đang vào thời kỳ rộ nhất, bởi nắng hạn kéo dài đã làm sản lượng giảm đáng kể. Những cánh đồng trù phú là vậy giờ cũng trở nên khô cằn, trơ những thân cây trụi lá.

Tính đến nay đã có 10 triệu ha ngũ cốc bị hạn hán và cháy rừng phá hủy, trong khi năm 2009, Nga đã thu hoạch 61,7 triệu tấn lúa mì. Với thời tiết khô nóng như hiện nay, các chuyên gia nông nghiệp cho biết, các khu vực trồng lúa mì ở Nga và Kazakhstan sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nông nghiệp Nga - ông Alexander Belyayev, Nga sẽ duy trì mức xuất khẩu ngũ cốc trong năm nay tương đương mức 22 triệu tấn của năm ngoái.

Ảnh hưởng của các đợt nắng hạn đã đẩy giá lúa mì trong tháng 7 tăng mạnh nhất kể từ năm 1973 do bất ổn và lo ngại về sản lượng. Giá lúa mì ở châu Âu cuối tháng 7 đạt mức 211 EUR/tấn, tăng 50% so với giá lúa mì cuối tháng 6. Riêng tại Nga giá lúa mì đã tăng 19%, song được giá vẫn không làm cho nông dân vui mừng, bởi rất nhiều trong số họ không có nhiều lúa mỳ để bán ra thị trường. Hiện 27 khu vực trồng trọt của Nga đã được đặt trong tình trạng khẩn cấp vì hạn hán.

Tổng thống Medvedev đang có chuyến thị sát tới miền Nam nước Nga, thăm một số hợp tác xã nông nghiệp. Tại đây, ông nghe nông dân phàn nàn rằng thương lái mua sữa bò với giá 11,5 rúp/lít nhưng họ bán ngay tại các cửa hàng sữa ở địa phương với giá 32 rúp/lít.

Nghe câu chuyện này, Tổng thống Medvedev nói: "Vậy là nông dân chỉ được hưởng 30% còn thương lái hưởng đến 70% giá trị sản phẩm sữa". Ông Medvedev đã lập tức yêu cầu Bộ Nông nghiệp có các biện pháp thích hợp để điều tiết sự bất hợp lý về giá nông sản. Tổng thống Medvedev cũng yêu cầu các cơ quan chức năng kiểm soát tình hình giao dịch nông sản, giúp nông dân tránh bị thương lái ép giá.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem