Theo đó, HTX có 150 xe, song hiện mới có 130 xe hoạt động, trung bình mỗi xe chở 1 chuyến/ngày. Vụ mía năm nay, tính đến thời điểm này, lượng mía HTX chở mới đạt 15.000 tấn, khoảng 50% kế hoạch. Ông Nguyễn Đức Lương - một cán bộ của HTX cho biết, việc vận chuyển nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào lượng ép của nhà máy.
Để được xe tải chở mía về nhà máy, nông dân phải chi tiền cho lái xe (ảnh minh họa).
Song theo tìm hiểu của phóng viên, lợi dụng sự tiêu thụ
chậm trễ của nhà máy mía đường, một số lái xe đã vòi vĩnh tiền của các hộ dân mới chịu chở mía. “Nhà máy lại thu mua muộn nên cây khô, trổ bông, nhiều bãi giảm năng suất 1/3 so với năm ngoái. Nhưng nếu chặt ra rồi mà không kịp chở thì còn hao nữa, nên đành cắn răng nộp tiền “luật” 150.000 đồng/xe cho lái xe để họ chở cho”- một nông dân cho biết.
Để lấy tiền “luật”, khi các hộ gọi chở, lái xe thường lấy lý do đang chở cho người khác hoặc bảo ruộng xa, trên đồi cao chở sau… Nhưng nếu hộ nào “biết điều” làm “luật” họ sẽ lập tức chở ngay. Anh Nguyễn Văn Tuấn ở xã Thạch Cẩm (Thạch Thành) có gần mẫu mía ngay cạnh đường, đã chặt nửa tháng nay mà HTX không chịu điều xe chở. Anh Tuấn bức xúc: Có phải ruộng xa, đồi cao, đường khó gì đâu, ruộng nhà tôi ngay vệ đường họ vẫn không chở nếu không chịu “làm luật”.
Tại huyện Thọ Xuân, tình trạng lái xe đòi tiền “luật” còn trắng trợn hơn, khiến người dân rất bức xúc. Chị Nguyễn Thị Hồng (xã Xuân Lai) chỉ về những chiếc xe đang bốc mía, giọng tức tối: “Trước đây, nếu chở ở những ruộng xa, họ chỉ xin bao thuốc, chai nước. Nhưng nay, trước khi chở họ làm giá trước, nếu không đưa 150.000 – 300.000 đồng/xe, thì mía hãy đắp chiếu chờ đấy”.
Để tiện cho xe chở, nhiều người dân xã Minh Sơn, Minh Tiến (huyện Ngọc Lặc) còn dồn mía ra vệ đường, nhưng vẫn có hàng chục đống mía “đắp chiếu” khô héo, tong teo như que củi.
Việt Tùng (Việt Tùng)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.