Giữa tiết trời nắng nóng đỉnh điểm của thời tiết miền Trung, những người nông dân tại xã Nga Tiến, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa vẫn kiên trì thu hoạch cói vụ chiêm. Những giọt mồ hôi ướt áo nhưng không thể "ướt" được tinh thần "những chiến binh" yêu nghề truyền thống.
Ở Nga Tiến, cói được thu hoạch theo hai vụ: vụ chiêm và vụ mùa (hay còn gọi vụ Đông Xuân và vụ Hè Thu). Vụ chiêm, người dân sẽ thu hoạch từ tháng 5 âm lịch, tùy tình hình thời tiết và vụ mùa khoảng từ cuối tháng 9 âm lịch.
Một vụ cói được làm từ nhiều công đoạn. Khi thu hoạch, cói sẽ được phân làm 3 loại: cói dài, cói mét 55 và cói ngắn hẳn. Trong đó, cói dài có nhiều loại: dài xô (1m60 – 1m70), cói dài m8 hay cói dài 2m. Đặc biệt, cói dài thì thường được xuất khẩu. Cói ngắn và 1m55 thì thường để đánh lõi hay làm chiếu ngắn.
Chia sẻ với PV Báo điện tử Dân Việt, ông Mai Văn Dịch – Trưởng ban văn hóa xã Nga Tiến cho biết: "Năm nay, trên địa bàn xã thu hoạch khoảng 113 ha cói, ít hơn so với những năm trước vì một phần diện tích đã đổi sang trồng lúa. Trên địa bàn cũng nhiều hộ dân không còn làm cói vì không đáp ứng đủ điều kiện sinh sống, họ đi làm ăn ở các tỉnh khác".
Trên cánh đồng cói tại Thôn 2, xã Nga Tiến, Nga Sơn, Thanh Hóa, người ta có thể cảm nhận được một màu xanh bát ngát của cánh đồng cói mùa thu hoạch, hòa quyện một màu vàng chói chang của nắng.
Vất vả, khó khăn là thế nhưng trên cánh đồng không bao giờ thiếu những tiếng cười, tiếng trò chuyện của những nông dân nơi đây để quên đi cái mệt nhọc.
Trao đổi với PV Báo điện tử Dân Việt, chị Phạm Thị Thủy (thôn 2, xã Nga Tiến) vừa lau mồ hôi vừa nói: "Làm cói vất vả lắm, từ 3h sáng đến 9h tối mới kết thúc một ngày làm. Giữa cái thời tiết nắng nóng thế này, nhiều người ra ngoài còn không chịu được, ấy thế mà những người dân như chúng tôi vẫn miệt mài làm việc".
"Sáng đi vội, mình không kịp ăn gì, còn con cái mình thì sáng ra có thể mua tạm đùm bánh mang đi, thậm chí có những hôm chúng nó đi học thì nhịn luôn rồi về ăn trưa luôn thể. Giữa trưa nắng nóng 12h, vẫn ra đi trở cói cho mau khô. Nắng nóng của mặt đường nhựa bốc lên, lưng thì phơi nắng "cực rát". Năm nay cói lại mất mùa, giá cả rẻ bèo. Vất vả đủ đường", chị Thủy chia sẻ thêm.
Gắn bó cả tuổi thơ với những cây cói, anh Vũ Văn Toàn- một người dân ở xã Nga Tiến tâm sự: "Từ khi còn nhỏ, tôi đã theo bố mẹ đi làm cói. Cho đến bây giờ, đã có gia đình riêng và vẫn làm cói. Giá cả bấp bênh, nhiều lúc không đủ ăn nhưng chúng tôi vẫn phải bám nghề và giữ được cái nghề truyền thống của thế hệ cha ông đi trước".
Trò chuyện với PV Dân Việt, chị Tâm – một tiểu thương mua cói cho hay: "Năm nay, cói có phần kém hơn mọi năm. Đa số, người dân làm cói dài xô và không đánh bông nên giá cói thấp. Mọi năm cói tốt, giá cả có thể 10, 12 hay 13 nghìn/kg nhưng năm nay, cói chỉ có giá 80, 85 hay đẹp mới có giá 90, 100/yến".
"Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng
Vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông"
Chiếu cói Nga Sơn – Thanh Hóa từ xa xưa đã đi vào thơ ca, sống trong tâm hồn những người nông dân cần cù, lặn lội sớm hôm lao động. Dẫu biết là khó khăn, vất vả nhưng những người nông dân ấy không bỏ cuộc. Hi vọng rằng, mùa màng bội thu, tìm được đầu ra cho sản phẩm cói để cuộc sống của những người nông dân nơi đây được no ấm hơn và nghề truyền thống chiếu cói cũng sẽ không bị mai một theo thời gian.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.