Nông dân "tố" giải cứu lợn quá muộn, Cục Chăn nuôi nói gì?

Trần Quang Thứ tư, ngày 03/05/2017 07:45 AM (GMT+7)
Trao đổi với PV Dân Việt tối muộn ngày 2.5 về tiến độ "giải cứu" đàn lợn thịt đến thời điểm này, ông Nguyễn Văn Trọng – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, trước thực trạng giá lợn hơi giảm sâu kỷ lục, vừa qua Chính phủ, Bộ NNPTNT đã kêu gọi các cơ quan ban ngành, các địa pương, các doanh nghiệp, các đơn vị lực lượng vũ trang, công an cùng vào cuộc giải cứu giúp người chăn nuôi trong nước vượt qua khó khăn.
Bình luận 0

Giá lợn tăng nhẹ, nông dân vẫn chưa vui.

Cụ thể, theo ông Trọng, tính đến thời điểm hiện tại đã có 50 công ty, doanh nghiệp sản xuất thức ăn cam kết và thực hiện hạ giá thức ăn chăn nuôi cho nông dân. Bên cạnh đó có một số công ty như Tổng công ty nông nghiệp Sài GònCông ty Vissan… đều đã tăng số lượng thu mua và giết mổ lợn.

img

Ông Bùi Khắc Thọ tắm cho đàn lợn tại trang trại của gia đình ở huyện Yên Mô (Ninh Bình).

Tuy nhiên, nói về giải pháp nhà nước kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi giảm giá cho nông dân, anh Dương Thành Tú, chủ một trang trại lợn quy mô lớn ở Hưng Yên cho rằng: “Việc 50 doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi nhận giảm giá cho bà con cũng là một động thái tích cực giúp người nuôi lợn cảm thấy được động viên. Tuy nhiên, bà con chúng tôi vẫn chưa thấy vui, bởi lẽ các công ty giảm giá cám vẫn còn ở mức nhỏ giọt, không đáng là bao so với mức đầu tư quá lớn mà người nuôi phải chi ra”.

Anh Đinh Tiến Dũng, chủ trại lợn ở TP.Tam Điệp (Ninh Bình) cho hay: “Đến lúc này nhà nước mới đưa ra phương án giải cứu cho người nuôi lợn là quá muộn. Bởi hiện tại, phần lớn các trang trại đã thua lỗ và phá sản, khó cứu vớt lại được. Tuy nhiên, nhà nước vẫn có cơ hội “sửa sai” bằng cách xem xét lại phương án để đầu tư cho tương lai. Cụ thể, nhà nước cần điều tiết đàn lợn nái ở mức hợp lý bằng cách hỗ trợ cụ thể bằng tiền mặt để người nuôi giảm đàn lợn nái xuống. Một biện pháp quan trọng nữa là Chính phủ phải xem xét giảm thuế hoặc có thể miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi đầu vào nhằm giúp giá thành thức ăn chăn nuôi trong nước giảm xuống mới có thể giúp người nuôi lợn cạnh tranh công bằng với các đơn vị kinh doanh mặt hàng này được”.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Trọng- Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: "Sau lời kêu gọi của Chính phủ và Bộ NNPTNT, đến nay đã có nhiều đơn vị, nhiều cơ quan ban ngành, nhiều tỉnh, thành tham gia giải cứu lợn cho người nuôi lợn trong cả nước. Trong đó có Đồng Nai và TP.Hồ Chí Minh là 2 địa phương đi đầu với nhiều động thái tích cực giúp dân vượt qua khó khăn.  Cụ thể cuối tháng 4.2017 vừa qua, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám dẫn đầu đoàn công tác của Bộ vào làm việc với tỉnh Đồng Nai, đây là tỉnh có số đầu lợn cao nhất cả nước với bình quân là 1,7 triệu con, riêng sản lượng lợn thịt xuất chuồng năm 2016 đã lên đến 3 triệu con".

img

Dù hiện giá lợn đã tăng thêm từ 1.000 đồng đến 3.000 đồng/kg nhưng người chăn nuôi vẫn phải chịu lỗ nặng lên đến trên 1 triệu đồng/đầu lợn hơi.

“Ngay sau buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ về giải pháp giải cứu đàn lợn, tỉnh Đồng Nai đã đồng ý cho Hiệp hội chăn nuôi của tỉnh tổ chức thu mua lợn thịt cho người chăn nuôi, đặc biệt, tỉnh này còn bố trí cả chợ cho đơn vị này bán thịt với giá hợp lý dao động từ 50.000 đồng đến 60.000 đồng/kg nhằm tạo điều kiện cho hiệp hội thu mua lợn hơi của bà con với giá cao hơn thời điểm hiện tại khoảng 30.000 đồng/kg (cao hơn 10.000 đồng/kg so với giá lợn ở thời điểm hiện tại)” – ông Trọng khẳng định.

img

Do giá lợn giảm sâu, nhiều trang trại chịu lỗ nặng phải thực hiện việc cắt giảm bữa ăn của đàn lợn từ 3 bữa/ngày xuống còn 1 bữa/ngày, thậm chí có nhiều trang trại còn bỏ đói lợn, thả lợn ra đồng cho ăn cỏ để tồn tại.

Theo ông Trọng, sau khi làm việc thành công với tỉnh Đồng Nai, đoàn công tác của Bộ NNPTNT tiếp tục làm việc với UBND TP.Hồ Chí Minh, đặc biệt là các đơn vị, doanh nghiệp thu mua, giết mổ, chế biến lợn cho “thủ phủ” lợn ở Đồng Nai và một số tỉnh lân cận. “Buổi làm việc với các đơn vị này cũng thu được kết quả khá tốt, các đơn vị này đã nhận tiên phong tăng sản lượng lợn thu mua tại Đồng Nai với giá hợp lý để vừa giúp người nuôi đỡ lỗ và cung cấp sản phẩm giá rẻ cho người tiêu dùng. Ví dụ cụ thể như Công ty Vissan đã nhận thu mua lợn hàng ngày lên đến 1.800 con, tăng khoảng 300 con/ngày, đồng thời họ giảm giá bán cho khách hàng và tăng giá thu mua lên để động viên người nuôi” – ông Trọng chia sẻ.

img

Anh Vũ Công Trường dọn chuồng lợn tại trang trại của gia đình ở TP.Tam Điệp (Ninh Bình).

“Cùng với hoạt động đó, UBND TP.Hồ Chí Minh cũng có thêm chính sách hỗ trợ rất hay như hỗ trợ 100% chi phí đeo vòng giúp truy xuất nguồn gốc lợn cho các tổ hợp tác, hợp tác xã. Hơn nữa, thành phố còn hỗ trợ 100% lãi xuất nhằm khuyến khích các đơn vị tích cực tham gia giết mổ, chế biến lợn để cấp đông…” – ông Trọng thông tin thêm.

Về lâu về dài theo ông Trọng, Bộ NNPTNT đang có định hướng giảm đàn nái, đây là nhiệm vụ cấp bách và quan trọng nhất trong thời gian tới. Tiếp đó, Bộ sẽ đẩy nhanh việc đàm phán xuất khẩu lợn chính ngạch với Trung Quốc và một số nước khác. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất cám, thức ăn chăn nuôi giảm giá thành để hỗ trợ người chăn nuôi.

“Cũng có tin mừng là vừa qua Chính phủ cũng đã chỉ đạo các ngân hàng tiến hành khoanh nợ, giãn nợ cho người chăn nuôi ở trong nước. Mong rằng với đồng thái này sẽ phần nào giúp được bà con giảm thiếu được thiệt hại” – ông Trọng nhấn mạnh.

img

Theo anh Dũng, để chăn nuôi bền vững có thị trường ổn định, nhà nước cần phải hỗ trợ các trang trại giảm đàn nái xuống mức phù hợp nhất có thể.

Chia sẻ với phóng viên về số lượng lợn dư thừa ở trong nước hiện nay, ông Trọng cho rằng: “Hiện không ai thống kê được số đầu lợn dư thừa ở trong nước là bao nhiêu?. Ví như ở Đồng Nai, tỉnh này cũng không thống nhất và báo cáo được là thưa bao nhiêu con lợn, cũng không thể báo cáo được là mỗi ngày tiêu thụ được bao nhiêu con. Tuy nhiên, theo tôi với việc nhiều doanh nghiệp vào cuộc thu mua lợn trong những ngày vừa qua, hy vọng sẽ giúp giá lợn tăng cao lên”.

“Tôi cũng khuyên các doanh nghiệp đang thu mua lợn cho nông dân là việc thu mua phải phục vụ việc cấp đông chứ nếu thu mua về giết mổ rồi bán thì vẫn xảy ra trường hợp dư thừa” – ông Trọng khyến cáo.

Chiều ngày 2.5, trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Vũ Nam Tiến – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Ninh Bình cho biết, hiện Ninh Bình đã và đang vào cuộc quyết liệt của nhiều các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn để giải cứu lợn giúp nhân dân. “Chúng tôi đang đẩy mạnh tuyên truyền và kêu gọi các doanh nghiệp, các công ty sản xuất thức ăn, thú y tiếp tục giảm giá các mặt hàng cho nông dân, mong rằng người nuôi lợn trong tỉnh sẽ sớm vượt qua được giai đoạn khó khăn lịch sử này” – ông Tiến chia sẻ.

Chiều ngày 2.5, trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Vũ Nam Tiến – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Ninh Bình cho biết, hiện Ninh Bình đã và đang vào cuộc quyết liệt của nhiều các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn để giải cứu lợn giúp nhân dân. “Chúng tôi đang đẩy mạnh tuyên truyền và kêu gọi các doanh nghiệp, các công ty sản xuất thức ăn, thú y tiếp tục giảm giá các mặt hàng cho nông dân, mong rằng người nuôi lợn trong tỉnh sẽ sớm vượt qua được giai đoạn khó khăn lịch sử này” – ông Tiến chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem