Chịu thiệt hại nặng nề nhất có lẽ là những nông dân trồng cao su tiểu điền: Gần 10 năm trồng chăm sóc cây, họ đã bị trắng tay sau 6 tiếng đồng hồ bị cơn bão tàn phá…
Lâm cảnh “màn trời chiếu đất”Sáng 1.10, đến nhiều địa phương trong tỉnh Quảng Bình, phóng viên NTNN đã chứng kiến nhiều làng mạc hoang tàn sau bão. Bão tan, nhiều người dân đi tránh bão trở về đối mặt với cảnh sống màn trời chiếu đất. Tại xã biển Hải Ninh (Quảng Ninh), 100% ngôi nhà ở đây đều bị tốc mái, nhiều tàu đánh cá bị hư hỏng nặng, gây thiệt hại nặng nề cho người dân.
Đi tránh bão trở về, bà Nguyễn Thị Hối (77 tuổi) ở thôn Cửa Phú bàng hoàng khi nhìn thấy căn nhà của mình bị bão đánh tan hoang, mọi đồ đạcđều bị gió bão đánh bay, ướt sũng. Gia đình bà Hối là hộ nghèo. Vợ chồng bà có đến 6 người con, nhưng họ đều quá nghèo nên đã kéo nhau đi làm thuê ở miền Nam.
“Hai thân già được ngôi nhà để che nắng, che mưa, bây giờ bão nó đánh sập, những ngày tới không biết trú ở mô nữa” – bà Hối than thở.
Vườn cao su của nhiều hộ dân ở Bố Trạch gãy ngang thân, mất trắng.
Huyện Quảng Trạch được xác định là nơi tâm bão đi qua và gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất. Ông Nguyễn Chí Lâm – Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch cho biết, bão số 10 đã làm 45.000 nhà dân trên địa bàn bị tốc mái, hàng trăm nhà sập hoàn toàn, nhiều cơ quan, đơn vị, trường học, trạm y tế… bị tốc mái trụ sở, hư hại nặng.
Trên lĩnh vực sản xuất, toàn huyện có 61ha lúa vụ mùa, 520ha khoai lang, 270ha rau các loại, 50ha ngô bị hư hại nặng nề. Toàn bộ diện tích nuôi trồng thủy sản của huyện gồm: 122ha nuôi tôm mặn lợ, 244ha nuôi cá nước ngọt, 75 lồng cá… bị mất trắng hoàn toàn. Thiệt hại đó đã đẩy nhiều hộ nông dân ở đây vào cảnh trắng tay, nợ nần.
10 năm trồng cây, trắng tay 1 giờCơn bão đi qua để lại cảnh hoang tàn, đổ nát với nhiều hộ, cơ quan, đơn vị, nhưng thiệt hại nặng nề nhất có lẽ là những hộ dân trồng cao su tiểu điền ở các xã vùng đồi huyện Bố Trạch. 10 năm vất vả trồng cây, bây giờ toàn bộ vốn liếng, công sức của họ đã bị đổ sông, đổ biển sau bão số 10. Ước tính hàng trăm hộ đã được xếp vào diện trắng tay, nợ nần. Theo thống kê ban đầu, gần 7.000/11.000ha cao su ở đây bị đỗ gãy, thiệt hại gần như 100%.
Bão tan, anh Nguyễn Văn Đoan (43 tuổi) ở thôn Cồn, xã Tây Trạch nhìn vườn cao su 10ha của mình gió bão quật gãy ngang thân mà đau quặn lòng: “Mất hết rồi chú à, công sức gần 10 năm chăm bón, giờ chỉ còn một đống củi tươi”.
Cũng như nhiều gia đình khác ở vùng gò đồi này, anh Đoan chọn cây cao su để phát triển kinh tế. Gần 10 năm lam lũ, từ khai hoang đất đến chăm bón, vợ chồng anh mới chỉ thu hoạch mủ được 2 năm, chưa kịp hoàn vốn thì bị gió bão làm mất trắng vườn cây.
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Lợi (32 tuổi) và chị Đỗ Thị Bình (33 tuổi) ở thôn 2, xã Phú Định vừa lấy nhau được mấy năm, được bố mẹ chia cho 2ha cao su. “Mình không có học hành chi, được cha mẹ chia cho vườn cao su đó, coi như là của hồi môn. Hai vợ chồng đã bỏ công sức, vay vốn ngân hàng đầu tư với hy vọng có tiền nuôi con ăn học...”.
Nghe chồng nói tới đây, chị Bình òa khóc nức nở: “Rứa là hết, hai con thì đứa sắp đi mẫu giáo, đứa vào lớp 1, biết lấy tiền mô đóng học phí chừ hả chú. Tối qua nhà cũng bị tốc mái, sập lúa ướt nhèm hết, lấy chi sống đây chú ơi”. Cơn bão quét qua tàn phá gần như toàn bộ diện tích cao su đang độ tuổi khai thác của vợ chồng anh Lợi, gần 500 cây cao su đã cạo mủ được hơn 3 năm nay là nguồn thu nhập chính cho gia đình bị bẻ gãy hoàn toàn.
Ông Nguyễn Văn Hội – Chủ tịch UBND xã Phú Định ngậm ngùi: “Những tưởng cây cao su đã mở cửa thoát nghèo và làm giàu cho người dân vùng gò đồi này nhưng bây giờ thì trắng tay rồi. Gần 840ha cao su của xã đã bị bão tước đôi, bẻ gãy ngang thân, coi như mất trắng. Nhiều hộ vay ngân hàng giờ chưa kịp trả đã lâm vào cảnh nợ nần chồng chất...”.
Phan Phương (Phan Phương)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.